Không thể "cải lão hoàn đồng" tháp Mỹ Sơn

camnhung |

"Tháp Mỹ Sơn cũng như ông già 70 tuổi, phải tìm đúng bệnh mà chữa chứ không thể cải lão hoàn đồng, xây mới lại được"

Đây là khẳng định của - PGS.TS Ngô Văn Doanh,Viện nghiên cứu Đông Nam Á.

Trước đó, nói về thực trạng tháp, ông Nguyễn Công Khiết, Phó ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) mô tả, các ngôi đền tháp Mỹ Sơn đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhìn mắt thường có thể cảm nhận rõ điều này. Như sự nghiêng lún của các tháp A1, A3; một số đoạn mảng tường các khu tháp B2, B3, B4 bị tách nứt. Tường ẩm do mưa lớn, lũ úng khiến cỏ mọc nham nhở quanh các khu tháp và phát triển mạnh dọc kẽ tường tòa tháp.

Ngay tại các khu D, G, E, C nhiều ngôi tháp trong diện xuống cấp, nứt nẻ, chân móng yếu; vòm cửa tòa tháp bị nứt; một số bức trang trí, tượng thần bị biến dạng nhiều chi tiết. Tại khu F, tòa tháp F2 được gia cổ bằng các vật đỡ trước nguy cơ ngôi tháp này có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Sau khoảng 10 năm trùng tu tháp, những thanh đà chống đỡ bằng gỗ, sắt tại khu vực tháp G đang bị mục, gỉ. Ảnh: TPO

Dưới góc độ người nghiên cứu, PGS.TS Ngô Văn Doanh lý giải, nguyên nhân gây hiện tượng tháp nghiêng không hẳn là do tháp bị ngập trong nước lũ.

Theo ông, khí hậu miền Trung khắc nghiệt, mưa nhiều, nước thấm vào gạch làm đứt các mối liên kết, cứ thế theo thời gian tháp mới bị xuống cấp. Hơn nữa, ngay từ đầu tháp Mỹ Sơn đã có thể gọi là “phế tích” do sự tàn phá của chiến tranh.

Để “uốn” thẳng tháp nghiêng không hề khó, độ nghiêng hiện thời của tháp chưa thể làm nó đổ được. Điều quan trọng là tu bổ phải giữ được nguyên bản gốc, vì khi đưa máy móc thiết bị vào làm việc, sẽ dễ xảy ra va chạm làm hỏng những chi tiết của tháp cổ.

Ví dụ, việc nhổ cỏ, trồng cây mới cũng cần tính toán. Nếu để đất quá trống, quá sạch, nước mưa sẽ làm trôi đất, càng gây nguy hiểm nhiều hơn cho tháp. Cải tạo hệ thống cống rãnh thoát nước, dẫn nước ứ đọng ra khỏi quần thể tháp là cách trùng tu tốt nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Đề cập tới phương án tăng giá vé tham qua, để tăng tiền trùng tu tháp, ông Doanh cho rằng, tiền thu về từ bán vé chỉ phục vụ công tác chăm sóc quần thể di tích hàng ngày, còn muốn tu sửa, bảo tồn tháp đã có chủ trương, quyết định của nhà nước, sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế. UNESCO và Italia cũng đang tham gia vào dự án tháp Mỹ Sơn.

"Tháp Mỹ Sơn hiện nay cũng như ông già 70 tuổi, ông bị mắc bệnh tim thì phải tìm cách chữa, chứ không thể thay một trái tim mới cho Mỹ Sơn. Quốc tế coi Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới vì nó là “ông già” còn lại của nền nghệ thuật Chăm pa cách chúng ta cả nghìn năm nay, phải tìm mọi cách giữ lại dù nó đã tan hoang đổ nát" - PGS.TS Ngô Văn Doanh nhấn mạnh.

Theo Kim Thái

Bee.net

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại