Những ngày qua, đề xuất của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành xung quanh việc nên có sự sửa đổi đối với Quốc ca đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội.
Phải khẳng định ngay, tôi rất yêu ca khúc Tiến quân ca nhưng tôi muốn chia sẻ một đôi điều trong ca khúc mà tôi thấy chúng ta cần có sự xem xét kỹ lưỡng để sửa lại cho hợp với thời đại mới.
Trước hết, phải khẳng định rõ rằng, Quốc ca là một bài hát mang ý nghĩa hết sức thiêng liêng, cao cả, là một đại diện tinh thần của dân tộc, của đất nước.
Chính vì thế, Quốc ca phải luôn mang âm hưởng, khát vọng của dân tộc, quốc gia đó gửi đến muôn thế hệ cũng như các dân tộc, quốc gia khác trên thế giới.
Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao là một khúc nhạc hết sức hùng tráng, thể hiện lên ý chí, khát vọng của dân tộc, đất nước Việt Nam ta, đó là điều không một người con đất Việt nào có thể phủ nhận được.
Tuy nhiên, một số câu như“Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca”; “Đường vinh quang xây xác quân thù” hay “Tiến mau ra sa trường” lại được viết trong thời chiến và thời điểm lựa chọn ca khúc này làm Quốc ca cũng trong thời chiến.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc kiên cường, bất khuất nhưng cũng là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, mong muốn được sống cuộc sống hoà bình mãi mãi, chính vì vậy, ngay cả khi chiến tranh đang diễn ra thì khát vọng hoàn bình vẫn luôn thôi thúc mọi người dân.
Hôm nay, chiến tranh đã lùi xa nhiều chục năm, những đứa trẻ hàng ngày vẫn hát Quốc ca sẽ thấy rất khó hiểu với một số câu từ mang đậm tính chiến tranh trong bài hát đó.
Cũng cần phải nói thêm, lịch sử hơn 4.000 năm qua của dân tộc ta từ thời các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh đều tỏ rõ khát khao, mong muốn, yêu chuộng hoà bình chứ không phải chỉ ở mấy chục năm vừa qua.
Lịch sử dân tộc ta cũng đã ghi nhận, để bảo vệ và gìn giữ Tổ quốc, chúng ta đã luôn luôn và nên ‘lấy chí nhân thay cường bạo’.
Cha ông ta đã bao lần đánh bại quân xâm lược phương Bắc, dù có đông đến hàng chục vạn tên nhưng cũng đã bao lần cấp lương, cấp ngựa, cỏ để chúng có thể về rút về nước an toàn.
Điều đó, càng cho thấy sự cao cả trong cách đối xử nhân đạo và mong muốn kết thúc chiến tranh, mong muốn một nền hoà bình, an lạc.
Chúng ta không quên và không bao giờ được phép quên những máu xương của cha ông ta đã đổ xuống để dân tộc ta có được ngày hôm nay.
Nhưng trên con đường đổi mới, xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xã hội ngày càng văn minh, hiện đại thì cũng cần có sự sửa đổi để hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Chúng ta muốn làm bạn với tất cả các nước. Và đường vinh quang hôm nay không nhất thiết là phải "xây xác quân thù". Chúng ta vẫn có thể đến vinh quang bằng trí tuệ và phương thức cả hai bên đều thắng chứ không cần "ta nhất định thắng, địch nhất định thua".
Nhiều người nói rằng, phải cần nhạc sỹ Văn Cao để sửa nhưng, theo tôi, nếu có những lời sửa thực sự hay, toát lên ý nghĩa thiêng liêng, giá trị cao cả, truyền thống của dân tộc xuyên suốt thời đại thì chắc chắn nhạc sỹ cũng sẽ vui vẻ chấp nhận.
Một bài Quốc ca phải thể hiện rõ lên giá trị, truyền thống dân tộc trong suốt khoảng thời gian đó, chứ không chỉ là mang một giá trị ngắn ngủi. Đó là điều mà tôi nghĩ nhiều người đều mong muốn.
Đôi lời cảm nghĩ viết lên bằng tất cả sự trân trọng như vậy, rất mong được mọi người chỉ giáo.
Trân trọng!
Bạn có cho là nên sửa lời quốc ca cho phù hợp với tình hình phát triển hiện tại của Đất nước không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.