Không nên hoang mang vì bọ xít hút máu người

Một người dân trú tại huyện Từ Liêm (Hà Nội) đã bị bọ xít hút máu người tấn công vào rạng sáng ngày 16/5, khiến mối lo về bọ xít hút máu người quay trở lại, đặc biệt thời điểm này đang là mùa sinh sản của loại bọ xít này.

Tuy nhiên, các chuyên gia côn trùng học và y tế dự phòng cho biết người dân không nên hoang mang vì chưa có bằng chứng cho thấy bọ xít này truyền bệnh nguy hiểm.

Bị đốt nhưng sức khỏe bình thường

Rạng sáng ngày 16/5 vừa qua, anh Bùi Minh Hoàng (trú tại đường Hồ Tùng Mậu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) trước lúc đi ngủ đã phát hiện một con bọ xít hút máu bò ngay trên đùi trái mình. Ngoài con bọ xít này, anh Hoàng tiếp tục phát hiện thêm 2 con bọ xít nữa bò trên góc tường.

Thông tin loại bọ xít hút máu người quay trở lại và lại đang ở thời điểm sinh sản khiến nhiều người dân khá hoang mang, lo sợ vì nghĩ loại bọ xít này có thể truyền bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, mà ở đây, cụ thể là bệnh Chagas truyền qua vết đốt của bọ xít thuộc phân họ Triatominae.

hoang mang, bọ xít, máu người
Bọ xít hút máu xuất hiện tại nhà anh Hoàng (Ảnh: Khám phá)

Bệnh này có thể lây lan bằng truyền máu, mẹ truyền sang con, do phẫu thuật, cấy ghép nội tạng, tai nạn phòng thí nghiệm (ước tính có 8 đến 10 triệu người Mexico, Trung và Nam Mỹ mang bệnh Chagas, nhưng hầu hết những người này không biết mình đã nhiễm bệnh này).

Tuy nhiên, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Văn Châu, chuyên gia đầu ngành về côn trùng của Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương cho biết: Kết quả xét nghiệm máu để tìm ký sinh trùng Trypanosoma (gây bệnh Chagas) ở 137 người (22 trẻ em và 115 người lớn) đã bị bọ xít đốt ở Việt Nam đều cho kết quả đều âm tính.

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm máu trong dạ dày của 317 bọ xít, gồm 230 con bắt trong tổ và 87 con bắt trong nhà, cũng cho kết quả âm tính.

“Mỗi loại côn trùng có thể truyền nhiều loại bệnh nhưng phải theo vùng địa lý. Nếu truyền bệnh Chagas thì chỉ đúng với khu vực Nam Mỹ chứ đối với khí hậu ở Việt Nam thì chưa xảy ra”, ông Châu cho hay.

Theo ông Châu, qua nghiên cứu những trường hợp bị bọ xít hút máu đốt, kết quả cho thấy hiện tượng sưng, ngứa tại vết đốt là phổ biến (99,35%) và kéo dài từ 2-5 ngày. Hiện tượng sưng ngứa và có sốt là 7 trường hợp (4,54%), nhưng chỉ kéo dài trong một vài ngày. Chỉ một trường hợp sưng ngứa và gãi xước da nên nhiễm trùng tại chỗ (0,65%).

Vì thế, ông nhấn mạnh: “Đến nay, chưa có cơ sở khẳng định rằng loại côn trùng này truyền bệnh gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Thực tế đã những trường hợp người dân bị bọ xít đốt nhưng sức khỏe sau đó hoàn toàn bình thường, không ai bị bệnh”.

Cần làm gì khi bị bọ xít hút máu đốt?

Theo ông Châu, bọ xít hút máu tuy chưa có bằng chứng gây bệnh nhưng cũng có thể làm cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Do đó, người dân nên dùng lưới sắt, mành để hạn chế loại bọ xít này vào nhà gây phiền toái đến cuộc sống.

Nếu bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm và đến cơ sở y tế chuyên về da liễu để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ.

Không nên gãi hay đánh chết bọ xít ngay trên tay mình, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn. Người dân chú ý dọn dẹp vệ sinh giường, tủ để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu phát tán.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết loại côn trùng này xuất hiện nhưng chỉ ở một vài điểm với số lượng nhỏ, người bị đốt cũng chỉ sưng tấy nhẹ tại chỗ và sức khỏe vẫn bình thường nên chưa gây xáo trộn.

Do đó, có thể coi chúng như những côn trùng thông thường. Nếu bọ xít phát triển với số lượng lớn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân thì trung tâm sẽ tiến hành các biện pháp xử lí cũng như hướng dẫn người dân cách phòng chống.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại