Trên thị trường, ngoài những thẻcào điện thoại di động có mệnh giá cao, giới sinh viên, người lao động... thường sử dụng thẻ cào từ mười nghìn đồng đến ba mươi nghìn đồng. Thế nhưng, vì hám lợi, nhiều chủ điểm bán thẻ cào giá thấp đã “đục khoét” tài khoản trước khi bán cho khách hàng.
Anh Nguyễn Thanh Sơn (ngụ đường Bạch Đằng, P2Q. Tân Bình) bức xúc kể: “Hôm trước, tôi mua thử thẻ cào trị giá hai mươi nghìn đồng. Loay hoay cả buổi sáng để nạp tiền, máy của tôi vẫn có tài khoản bằng 0”.
Cùng chung nỗi khổ với anh Sơn, chị Lê Thanh Thúy (công nhân ở trọ cạnh đường Lê Đại Hành, P15Q11) than phiền, vì có việc gấp nên chị mua thẻ cào ba mươi nghìn đồng để nạp vào máy. Tuy nhiên, sau ba lần thao tác theo hướng dẫn, máy vẫn không có tiền nhập vào. Chị Thúy lập tức quay lại nơi mua để hỏi thì bà chủ bán thẻ cào cho rằng người mua thao tác sai (?!).
Để kiểm chứng thông tin do bạn đọc cung cấp, chúng tôi đã mua ngẫu nhiên ba thẻ cào mệnh giá thấp tại ba tiệm bán simcard dọc đường. Kết quả là chỉ có một thẻ cào còn tiền, hai cái còn lại đều “rỗng”.
Khác với thẻ cào từ năm mươi nghìn đồng trở lên, thẻ cào từ mười nghìn đồng đến ba mươi nghìn đồng rất nhỏ, không hề có lớp tráng bạc để bảo mật số sêri cần nhập vào máy.
Một nhân viên của trung tâm hỗ trợ khách hàng cho biết: “Nhà mạng sản xuất thẻ cào mệnh giá thấp như một tờ giấy A4 gồm nhiều thẻ, trên đó có ghi ngày sản xuất, số sêri..., sau đó ủy quyền cho các đại lý ở tỉnh. Các đại lý “con” sẽ dùng kéo cắt nhỏ thành từng thẻ cào bán cho khách hàng. Vì muốn trục lợi, người bán đã “xài” tài khoản trước. Do bị mất tiền ít nên nhiều khách hàng ngậm đắng nuốt cay, không muốn làm lớn chuyện, ngại đi lại xa xôi”.
Để tránh việc người nghèo mất tiền oan ức, thiết nghĩ các nhà cung cấp dịch vụ di động cần phải tráng bạc trên thẻ cào mệnh giá thấp, để bảo mật thông tin cho khách hàng. Người mua nên tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu người bán nhập dùm dãy số để xem tiền đã được nhập vào máy hay chưa?
Theo Công an TP HCM