Xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên các trang tin không chính thống, hệ thống diễn đàn, mạng xã hội,… các bức ảnh nude được giới trẻ “like, share” liên tục như cách để ủng hộ cho một trào lưu mới.
Cẩn trọng với “nude”
Bạn Chí Hưng (ĐH Sài Gòn) cho biết: “Nền văn hóa phương đông vốn dĩ đề cao sự kín đáo, trang nghiêm nên chụp ảnh nude có thể gây khó chịu cho một số người”.
Đam mê nhiếp ảnh tự do, bạn Lê Vĩnh Phát (ĐH Y dược TP HCM) cho rằng: “Giới trẻ Việt Nam học hỏi từ nước ngoài, thấy người ta làm thì làm theo.
Nếu không làm rõ mục đích chụp ảnh thì rất dễ lầm lẫn, thành lố lăng, gợi dục trong đó. Từ nghệ thuật sẽ biến thành thứ ghê tởm”.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bảo Quân nhận định: “Những người mẫu đáng thương hơn đáng trách vì họ thấy bạn bè đi chụp thì họ đi chụp còn nguồn gốc sâu xa do những người chụp ảnh.
Có một số nhiếp ảnh trẻ vì muốn nổi tiếng thông qua mạng xã hội nên cố tình đăng những bức ảnh đó lên”.
Theo anh Quân, có nhiều hệ lụy nguy hiểm xung quanh việc chụp ảnh nude phi nghệ thuật.
“Nhẹ thì những tay nhiếp ảnh xấu có thể tống tình, tống tiền, lạm dụng tình dục hay cưỡng hiếp.
Nghiêm trọng hơn, trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật của cộng đồng sẽ đi xuống”, anh Quân chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên - người nổi tiếng với nhiều bộ ảnh nude nghệ thuật chia sẻ:
“Nếu người chụp ảnh có ý đồ xấu sẽ gây ra hậu quả rất lớn nên các cô gái nhận làm mẫu chụp cần phải kiểm tra thông tin kỹ về người chụp cũng như có các hợp đồng để tự bảo vệ cho mình”.
Lời hứa không đảm bảo được gì
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người mẫu chụp ảnh nude đã bị gạ tình trong quá trình chụp ảnh hoặc bị tung ảnh (để nguyên mặt) lên mạng xã hội dù trước trước người chụp đã hứa hẹn nhiều điều.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (văn phòng luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn luật sư TP HCM) cho biết: “Hoạt động nhiếp ảnh là một ngành nghề được pháp luật quy định:
Người có nhu cầu đều có quyền thuê thợ chụp ảnh, kể cả chụp ảnh khỏa thân cũng có thể hợp đồng với thợ chụp ảnh.
Nếu như hai bên thỏa thuận được với nhau và việc sử dụng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác, không trái thuần phong mỹ tục thì được pháp luật cho phép”.
Khẳng định ảnh khỏa thân là quyền nhân thân của mỗi người, tuy nhiên, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM cũng cho biết:
“Khi sự tự do của mình làm ảnh hưởng đến tự do của người khác hoặc chụp ảnh nude ở di tích, nơi công cộng, nhiều người qua lại thì sẽ bị lên án”.
“Tai sao không chụp ở những nơi ít người hoặc trong studio?” - ông Nghiêm đặt câu hỏi.
Theo ông Nghiêm, nếu bên chụp phát tán ảnh mà không có sự đồng ý của người mẫu là vi phạm quyền nhân thân.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp nhấn mạnh: “Điều 31 bộ luật dân sự quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh phải được họ đồng ý.
Nếu người thợ chụp ảnh cố tình sử dụng ảnh khỏa thân để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của khách hàng thì có thể bị khởi tố hình sự về tội làm nhục người khác”.
Cũng theo ông Hiệp, tại điều 121 bộ luật hình sự nêu rõ người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, nghiêm trọng hơn có thể phạt tù đến 3 năm.
Ngoài ra người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại.
Quy định của pháp luật là xử phạt người vi phạm chứ không ngăn cản hành vi của người đó nếu họ cố tình vi phạm.
“Lời hứa không thể đảm bảo được gì vì trên thực tế có nhiều người khi chụp ảnh họ cam kết nhưng sau đó lại hủy cam kết.
Trước khi chụp ảnh khỏa thân, nên suy nghĩ kỹ để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh việc tin tuyệt đối vào thợ chụp ảnh” - luật sư Hiệp nhắc nhở.
Nghệ thuật đúng nghĩa là không xấu
Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, tiến sĩ (TS) Nguyễn Nhã nhận xét: “Bây giờ, ảnh nude tràn lan. Giới trẻ muốn làm gì thì làm, không để tâm đến hậu quả.
Chính những tấm ảnh này đã đi ngược lại với mục đích trong sáng của những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp”.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói: “Nếu như ở thời xưa, việc chụp ảnh khỏa thân tràn lan phi nghệ thuật thế này sẽ bị các cụ phê phán rất nặng nề.
Tuy nhiên, thời nay, ảnh nude nghệ thuật dần được chấp nhận nhưng người chụp ảnh thật sự sẽ không bao giờ phát tán ảnh của họ khắp nơi”.
Tiến sĩ Trần Minh Hường (ĐH Văn Hiến, TP HCM) nhấn mạnh: “Chụp ảnh nude nghệ thuật đúng nghĩa là không xấu”.
Theo ông Hường, vấn đề là cần xác định được đâu là nghệ thuật đúng nghĩa vì ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật rất mong manh.
Một bức ảnh nude nghệ thuật thật sự sẽ gợi cảm xúc thẩm mỹ về cái đẹp đích thực, nó trong sáng và thăng hoa, thuần khiết.
Trong khi những tác phẩm phi nghệ thuật hoặc mượn danh nghệ thuật chỉ gợi cảm xúc bản năng bình thường.
Ông Hường cho biết, nếu như mục đích chính là vì nghệ thuật đích thực, tức là tôn vinh vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ - vốn được xem là tuyệt tác nghệ thuật của tạo hóa thì trong văn hóa Việt Nam có hình tượng chiếc áo yếm nửa kín nửa hở vừa tôn vinh nét nữ tính, vừa hợp thuần phong mỹ tục.
Cần có thái độ ứng xử, tiếp nhận đúng mực hơn với loại hình chụp ảnh này.
Cấm đoán không phải giải pháp hay nhưng các nhà chuyên môn cần xác định các tiêu chí cụ thể.
Điều quyết định là ý thức và lòng tự trọng nghề nghiệp của người bấm máy cũng như người mẫu.
Tiến sĩ Minh Hường lo lắng: “Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ chụp ảnh nude chỉ vì phong trào, tò mò hay vì tiền công, để được nổi tiếng.
Đó không là nghệ thuật thực sự. Ngược lại điều này rất nguy hiểm. Các bạn chưa ý thức hết những tác hại, bất trắc không lường trước được”.
Theo tiến sĩ Hường không gian trong chụp ảnh nude cũng cần được lưu ý vì đôi khi, người nhiếp ảnh vì động cơ nghệ thuật đích thực mà chỉ quan tâm đến không gian hẹp quên đi bối cảnh xung quanh làm nảy sinh nhiều điều đáng tiếc.