Trong cuộc tháo chạy hỗn loạn khỏi Costa Concordia, những du khách giàu có đã bỏ lại trên con tàu mắc cạn gần như toàn bộ tư trang giá trị, trong đó có không ít trang sức, tiền mặt và đồ cổ.
Các thợ lặn tìm kiếm và kiểm tra xác tàu Costa Concordia. Ảnh:AP
Một kho báu thực sự đang bị che lấp dưới vùng biển Italy hoang sơ, nơi con tàu hạng sang Costa Concordia bị đắm tháng trước. Tàu Costa Concordia bị lật nghiêng bên bờ biển đảo Giglio, thuộc vùng Tuscany tối 13/1, sau khi thuyền trưởng Francesco Schettino lái tàu chệch hải lộ cho phép. Con tàu tiến quá sát bờ và đâm phải đá ngầm. 4.200 hành khách và thuyền viên trên tàu hoảng hốt tháo chạy. 17 người thiệt mạng và 15 người mất tích bị coi là đã chết trong thảm họa được xem là "Titanic của Italy".
Dù một số thứ có giá trị trên tàu đã bị phân rã trong nước biển, số đồ còn lại vẫn đủ sức cám dỗ các thợ săn kho báu, cũng giống như con tàu Titanic và vô số tàu đắm khác trước đây vẫn thu hút những người tìm vàng, vũ khí và những đồ vật có giá trị từ xa xưa. Việc họ đến khám phá con tàu chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
"Một khi những thi thể còn mắc kẹt dưới đó, mọi người vẫn chưa thể khám phá con tàu vì nó là một ngôi mộ", Robert Marx, một thợ lặn kỳ cựu, tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử hàng hải, khảo cổ học dưới đại dương và săn tìm kho báu nói. "Nhưng khi tất cả các thi thể đã được trục vớt, sẽ có một cuộc chiến truy tìm kho báu xảy ra".
Ông Marx cho biết mafia thậm chí có những đội chuyên làm việc dưới nước để săn lùng các chiến lợi phẩm bị đắm. Costa Concordia là một khách sạn nổi sang trọng. Hàng nghìn du khách đã bước lên con tàu xấu số với những y phục và trang sức đắt tiền nhất để trưng diện tại các sòng bạc và tiệc tối dưới mái vòm lung linh đèn, cao ngút trời. Trên tàu là một kho của cải khổng lồ: những cửa hiệu trang sức xa hoa, hơn 6.000 tác phẩm nghệ thuật và một tiệm làm đẹp có bộ sưu tập những bản khắc gỗ 300 năm tuổi của Katsushika Hokusai, một nghệ sĩ Nhật Bản nổi tiếng.
"Đây đúng là một thiên đường cho các thợ lặn", Hans Reinhardt, một luật sư Đức đại diện cho 19 hành khách Đức đòi tiền bồi thường nói. Ông cho biết một số thân chủ của ông đã mang lên du thuyền các trang sức gắn kim cương và các vật gia truyền qua nhiều thế hệ của gia đình. "Họ đã mất rất nhiều trang sức - đồng hồ, vòng tay, bất kể thứ gì mà phụ nữ diện lên người để làm họ đẹp hơn", ông nói. "Họ muốn khoe ra những gì họ có".
TheoAP,bản thân con tàu khổng lồ này cũng đã có giá đến 590 triệu USD nhưng không tính cùng giá trị các tài sản khác trên tàu. Trong số những thứ bị bỏ lại trong xác tàu còn có đồ nội thất, một bộ sưu tập tranh lớn, máy tính, rượu, sâm panh và nhiều thứ khác được khóa kỹ trong các két sắt cá nhân.
"Không thể định lượng được số tài sản này vì con tàu đã chìm", văn phòng Costa Cruises, công ty chủ quản tàu nói. "Cho đến khi con tàu được khôi phục thì không có cách nào để biết thứ gì được vớt lên, thứ gì không cả".
Công ty này vẫn sở hữu con tàu về mặt pháp lý và các hành khách là chủ các tài sản riêng bị đắm theo tàu. Vì thế bất kỳ ai săn tìm kho báu cũng bị xem là phạm pháp và bị bắt giữ. Một hành khách người Mỹ, Georgia Ananias, cho biết cô đã rất băn khoăn khi lựa chọn trang sức mang theo lên tàu và cuối cùng quyết định chọn mặt dây chuyền kim cương để ăn ý với hoa tai kim cương và các phụ kiện khác.
"Tôi đã tưởng rằng đây sẽ là một kỳ nghỉ vui vẻ và muốn mình trông thật xinh đẹp", Ananias nói. Hiện cả đống trang sức của cô đều đã chìm nghỉm theo tàu. Cô còn bị mất thẻ tín dụng chứa 3.000 USD sau khi đánh rơi ví trên sàn lúc chen lấn sơ tán khỏi tàu.
Kho báu khổng lồ trong xác tàu Costa Concordia là một cám dỗ lớn đối với các thợ săn kho báu và cả các thợ lặn. Ảnh:AP
Costa Concordia giờ đang nằm trong sự kiểm soát của chính quyền và bị vây quanh bởi lực lượng cứu hộ, đội dọn dẹp và các nhà khoa học theo dõi sự ổn định của tàu trên dải đá mà tàu đâm vào. Cơ quan bảo hộ dân sự, điều hành công tác cứu hộ, cho biết chính quyền không lường trước được hết những nguy cơ từ các hoạt động xung quanh con tàu.
Giới chức dự kiến sẽ di dời xác tàu trước khi trộm cướp tiếp cận được tàu. Chính quyền cũng ban hành lệnh cấm bất kỳ ai lại gần con tàu dưới một hải lý cho đến khi xác tàu đắm chưa được di dời. Con tàu được bảo vệ 24 giờ một ngày và có thể mất từ 7 tới 10 tháng để di chuyển khối sắt thép dài 290 mét này.
Tuy nhiên ông Marx, người đã viết sách "Những kho báu thất lạc dưới đáy biển", cho hay không tránh khỏi khả năng các thợ lặn làm dấy lên một cuộc chiến cướp bóc dưới biển. Tệ hơn, họ có thể chia chác các thứ giá trị cho nhau. Ông ước tính sẽ mất từ 4 tới 6 tháng nữa một cuộc săn lùng kho báu mới bắt đầu, vì các thợ lặn đều muốn tránh biển động vào mùa đông. Một số thợ lặn cũng sẽ chưa vội bắt tay vào cuộc tìm kiếm vì con tàu vẫn đang dịch chuyển trên đá và chưa ổn định vị trí.
Nhưng rồi sớm muộn gì thì những kẻ săn kho báu cũng sẽ vào cuộc. "Các thợ lặn tinh mắt sẽ muốn thu về gia tài này", ông nói. Ông Marx cho rằng bất cứ thứ gì được vớt lên từ con tàu này cũng đều có giá trị. Than lấy từ tàu Titanic chìm cách đây 100 năm đã từng hút không ít khách hàng. "Cả các món ăn, các đồ sành sứ bên trong tàu cũng sẽ có giá trị lớn", ông Marx cho biết thêm.
Reinhardt, luật sư người Đức, cho hay các thân chủ của ông không muốn gì hơn là lấy lại các tài sản mà họ yêu mến nhưng vào thời điểm này thì họ chỉ có thể tính chúng ra thành tiền mặt mà thôi.
Theo Anh Ngọc
VNE