Khiếu kiện đất đai: 20 phút gặp Bí thư bằng 20 năm đi kiện

daquynh |

Việc thực hiện chính sách pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân về đất đai còn rất nhiều vấn đề.

Sáng nay 7/11, Quốc hội nghe và thảo luận Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Đại biểu Nguyễn Thái Học: 20 phút gặp Bí thư bằng 20 năm đi kiện

Trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 đến năm 2010 các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%.

Chỉ tính từ năm 2008-2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%, trong đó số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28% và sai chiếm 52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và sai chiếm 54,2%.

Sau phần trình bày của ông Nguyễn Văn Giàu, hàng loạt ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện chính sách pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đối với vấn đề đất đai hiện nay quá rối rắm, chậm trễ, sai sót, đặc biệt là thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ xử lý hồ sơ rất thấp, thậm chí là vô cảm, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nhấn mạnh, những quy định về giá đất bồi thường, giải tỏa hiện nay còn bất hợp lý. Ông Tấn dẫn việc hàng năm địa phương ban hành khung giá mới cũng khiến người dân có tâm lý chờ đợi, dây dưa không bàn giao mặt bằng để được đền bù cao hơn.

Bên cạnh đó thì Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai và Luật Tố tụng hành chính có nhiều điểm vênh nhau dẫn đến việc xử lý các quyết định của Toà án, thanh tra và chính quyền địa phương mỗi nơi một phách...

Ông Tấn đề nghị tập trung khắc phục những mâu thuẫn về luật pháp, đồng thời yêu cầu chính quyền các địa phương phải nêu cao vai trò, trách nhiệm và sự tâm huyết trong giải quyết công việc.

Đánh giá một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý lĩnh vực đất đai yếu, lại thiếu, trong khi luôn mang thái độ bàng quan, vô cảm trước bức xúc của nhân dân, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị có chế tài xử lý nghiêm khắc những hành vi sách nhiễu người dân; truy cứu trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm.

Cùng lo lắng này, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói: “Một bộ phận không nhỏ như con sâu làm rầu nồi canh đã làm mất lòng tin trong dân”.

Đại biểu Hồ Thị Thuỷ: Không ít cán bộ quản lý đất đai bàng quan, vô cảm trước bức xúc của nhân dân

Đaị biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tỏ ra không hài lòng với nhận định chung chung kiểu “một bộ phận không nhỏ” cán bộ có vấn đề về trình độ, phẩm chất, đạo đức.

Ông đề nghị quy định rõ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và cả trách nhiệm hình sự đối với những cán bộ yếu kém, cố ý làm sai pháp luật, vô cảm trước bức xúc, bất công và khó khăn của dân.

Dẫn nguồn tin về sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của cán bộ công quyền, đại biểu Nguyễn Thái Học nói: “Việc Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trực tiếp giải quyết 2 vụ khiếu nại lâu năm, kết quả là người khiếu nại hứa rút lại đơn kiện đã gửi ra tòa và chia sẻ 20 phút gặp Bí thư Thành ủy có tác dụng như 20 năm chạy vạy khiếu kiện khắp nơi. Cho thấy tinh thần và trách nhiệm công tác tiếp dân, giải quyết sớm khiếu nại từ cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng”.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Đào Công Long dẫn chứng thêm trường hợp có một người dân khiếu nại đất đai đã gửi đơn đến gần 500 đại biểu Quốc hội và khắp các cơ quan. Quá trình tiếp công dân này cũng như tìm hiểu những điều họ khiếu kiện về đất đai mới thấy rằng hơn 10 năm qua họ đi khiếu nại không hề được giải quyết.

“Đến mức họ phải đi khiếu kiện đông người và phải dẫn đến bị bỏ tù mà vẫn chưa được giải quyết. Khi đến các cơ quan giải quyết vụ việc thì cứ đùn đẩy là đơn không đúng nội dung… lấy lý do này lý do khác” - ông Long tỏ ra bức xúc.

Đại biểu Long cho rằng, để giải quyết một vụ khiếu nại, tố cáo đất đai không hề đơn giản dù đã cố gắng, chịu khó làm đến nơi, đến chốn để bảo vệ quyền lợi công dân.

“Niềm tin, mong muốn là như vậy nhưng để đi đến được chân lý không hề đơn giản, với điều kiện về thời gian, hồ sơ thất lạc như thế này…

Trong khi khiếu nại của người dân là đúng khi Báo cáo nêu rõ 40 quyết định hành chính là sai. Cho nên dân khiếu nại, tố cáo kéo dài, dai dẳng là khó tránh khỏi. Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền phải có giải pháp sớm”- ông Long nhìn nhận.

Quyết định hành chính về đất đai còn nhiều thiếu sót

Theo Báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày, tỷ lệ các quyết định hành chính về đất đai bị khiếu nại, tố cáo chiếm khoảng 3% so với tổng số quyết định hành chính được ban hành trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trong tổng số quyết định hành chính về đất đai bị khiếu nại, tố cáo thì tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và có đúng, có sai chiếm 47,8%.

Trong số các vụ được đưa ra xét xử tại Tòa án thì tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần chiếm 19,5% . Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót.

Phân tích tình trạng còn thiếu sót trong việc ra quyết định hành chính về đất đai, Báo cáo nhìn nhận một nguyên nhân quan trọng là sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức.

Cụ thể, qua công tác thanh tra từ năm 2003 đến năm 2011 đã phát hiện và xử lý trả lại cho công dân 1.850 tỷ đồng, 4.817,8 ha đất; khôi phục quyền lợi cho 6.921 công dân; kiến nghị xử lý hành chính 6.650 người; chuyển cơ quan điều tra 380 vụ với 665 đối tượng…


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại