Sự cố nghiêm trọng
Mở đầu cuộc họp, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh nói lại diễn biến về sự cố. Theo đó, chiếc tàu bay được lập kế hoạch đi Đà Lạt bị hỏng nên đã dùng một chiếc máy bay khác (có kế hoạch đi Cam Ranh) để thay thế.
Mọi thủ tục bay, đưa khách lên máy bay được triển khai theo kế hoạch mới. Tuy nhiên, riêng tổ phi công chuyến bay không nhận được thông tin.
Vì thế, máy bay được triển khai đi Đà Lạt nhưng vẫn được phi công hướng về sân bay Cam Ranh. Sự cố chỉ được cơ quan chức năng phát hiện khi máy bay cách sân bay Cam Ranh 5 dặm.
Ông Thanh đánh giá, dù chưa xảy ra mất an toàn bay nhưng đây là sự cố nghiêm trọng về khai thác.
Nhận lỗi
Ông Thanh cho biết, trước đó vào tháng 5/2014, Cục Hàng không đã thanh tra và khuyến cáo về hoạt động điều hành bay của VietJet. Theo đó, Cục này tiến hành giám sát trong thời gian số lượng máy bay của hãng phát triển nhanh như nhân lực chưa đáp ứng được. Lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, trong sự cố này, lỗi trước hết thuộc về hãng hàng không.
Nghe xong, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Vì sao VietJet đang trong quá trình bị giám sát nhưng Cục chưa giám sát chặt trong sự việc này?
"Phải làm rõ để xử lý anh Thanh hoặc ai đó để không xảy ra hiện tượng này nữa. Không thể đùn đầy trách nhiệm" - Bộ trưởng Thăng nói.
Bộ trưởng Thăng cho rằng, việc không xảy ra tai nạn trong vụ việc này là có yếu tố may mắn nhưng không ai may mắn cả đời được. Bộ trưởng Thăng đặt ra một số tình huống như nếu máy bay hết xăng giữa chừng sẽ ra sao?
Đại diện điều hành bay của VietJet cũng nhận lỗi trước hết của hãng. Cụ thể, các cơ quan điều phối bay; không triển khai kế hoạch bay mới cho phi công.
Nguyên nhân thứ hai là tổ bay cũng chưa thực hiện đúng các quy định về chuyến bay của Cục Hàng không và hãng. Theo quy định của Hãng, trước khi bay, tổ bay phải họp trước chuyến bay để bàn bạc. Tuy nhiên, tổ bay không thực hiện được việc thông báo cho nhau, phi công nắm kế hoạch bay đi Cam Ranh, còn tiếp viên vẫn triển khai phục vụ cho khách đi Đà Lạt.
Đại diện hãng tự đánh giá, dù chuyến bay chưa trực tiếp gặp các vấn đề an toàn (vì phi công điều khiến đi Cam Ranh, xăng cấp cho máy bay đi Cam Ranh), tuy nhiên, hãng đồng ý với đánh giá của Cục là có nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Thứ trưởng GTVT Phạm Quý Tiêu, phụ trách mảng hàng không, nhận khuyết điểm báo cáo cho Bộ trưởng Thăng chậm. Về sự cố, Thứ trưởng Tiêu cũng cho rằng, không xảy ra sự cố có yếu tố may mắn.
Ông Tiêu cho biết, dù Cục Hàng không giám sát nhưng không thể kiểm soát từng chuyến bay. Tới đây sẽ giám sát đặc biệt với Hãng này.
Đại diện Tổng Công ty Điều hành bay cho biết, từ đầu đến cuối chuyến bay đều được nhận yêu cầu đưa máy bay đi từ Hà Nội đến Cam Ranh và Tổng Cty điều hành dẫn đưa đi Cam Ranh.
Đại diện Tổng Cty Cảng hàng không nói, sau khi máy bay cất cánh 28 phút mới nhận được kế hoạch bay thay đổi từ đơn vị điều hành bay là chậm so với quy định.
Bộ trưởng Đinh La Thăng động viên hãng hàng không VietJet bày tỏ quan điểm, không sợ cơ quan chức năng "thù". Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, đại diện VietJet bày tỏ sự đáng tiếc về sự cố và cam kết sẽ khắc phục sự cố. Bà Thảo cũng mong sự cảm thông từ hành khách và cơ quan chức năng.
Bộ trưởng Thăng kết luận: Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay. Tất cá các cơ quan liên quan phải làm rõ trách nhiệm.
Bộ trưởng Thăng khẳng định, trong sự cố này có trách nhiệm của quản lý Nhà nước. "Thay mặt lãnh đạo Bộ, tôi xin lỗi người dân, xin lỗi hành khách về sự cố này" - Bộ trưởng Thăng nói.
Bộ trưởng phân tích thêm, nếu VietJet chưa đảm bảo điều kiện thì phải giám sát VietJet làm cho đúng quy định. Bộ trưởng Thăng giao thứ trưởng Phạm Quý Tiêu tiếp tục họp để xử lý.
Khiển trách
Bộ trưởng Thăng quyết định khiển trách Cục trưởng Hàng không Việt Nam vì báo cáo thông tin chậm; đã phát hiện VietJet còn thiếu một số điều kiện vì quy mô phát triển nhanh nhưng nhân viên chưa đáp ứng nhưng thiếu giám sát. Việc phối hợp giữa các bên tại sân bay chưa tốt.
Bộ trưởng cũng yêu cầu qua vụ việc rà soát lại các quy định về phối hợp, vận hành và đào tạo nhân lực. Bộ trưởng Thăng yêu cầu lãnh đạo Tổng Cty điều hành bay và cảng hàng không họp và xử lý trách nhiệm. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải có bản tường trình và nhận trách nhiệm.
Cảm thông với VietJet là hãng hàng không trẻ, có nhiều ước mơ, hoài bão nhưng Bộ trưởng Thăng khẳng định, hàng không là hoạt động đặc thù. Vì thế, Bộ trưởng Thăng yêu cầu Cục Hàng không kiểm soát chặt hơn VietJet phù hợp với quy mô phát triển.
Bộ trưởng yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân liên quan trong hãng, đặc biệt là các đầu mối công việc, chứ không phải chỉ xử lý các nhân viên.
Bộ trưởng cũng phê bình việc hãng có dấu hiệu che dấu thông tin trong những ngày đầu. Bộ trưởng yêu cầu Hãng nhanh chóng đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Hàng không làm việc với tất cả các hãng hàng không để rút kinh nghiệm. Báo cáo rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm phải hoàn thành vào 5/7.
"Phải báo cáo sớm để Bộ GTVT báo cáo chính phủ và nhân dân để Chính phủ, nhân dân thấy sự công khai, cầu thị của Bộ GTVT và ngành hàng không" - Bộ trưởng Thăng nói.