Khi kênh kiệu "quen quen"

Mai Quốc Ấn |

Cái lời nhận xét “kênh kiệu” của cấp dưới để rồi bị phạt gây bão dư luận thời gian qua, té ra lại “quen quen” đâu đó. Quen lắm!

Ở sân bay Tân Sơn Nhất, đã có một số xe công đỗ “xí chỗ” trước nhà ga sân bay vô tội vạ để đón các lãnh đạo ở các đơn vị đi công tác về.

Tình trạng này gây ảnh hưởng lưu thông của nhiều xe khác, nhưng khi được nhắc nhở thì các tài xế xe công “tỏ thái độ bực bội, đôi co với nhân viên sân bay rồi ngoảnh mặt vào trong ga để chờ “sếp””.

Thật là một thái độ kênh kiệu!

Có thể tôi dùng từ kênh kiệu với những tài xế xe công cố tình “nhây” để chờ “sếp” ở sân bay Tân Sơn Nhất là hơi nhẹ.

Hành vi ấy không chỉ gây cả trở cho các xe khác và hành khách mà còn gây ảnh hưởng cho công tác an ninh nhà ga sân bay và trở thành hình ảnh xấu trong mắt người nước ngoài.

Nếu các tài xế xe công vụ vừa được nhận xét kênh kiệu mà chưa hiểu rõ ý từ này thì xin giải thích thêm: Trong tiếng Việt, kênh kiệu có nghĩa là làm bộ, làm phách, tỏ vẻ hơn người.

Mà không tỏ vẻ hơn người sao được khi quy định đã ghi rõ bằng thông báo “khu vực chỉ dừng 3 phút” để đón/trả khách?

Đã có thông báo nhưng vẫn vi phạm, phải chăng những lái xe này không biết đọc? Ngoài ra, có lẽ nào họ có vấn đề về thính giác khi được nhắc nhở nhưng vẫn “làm lơ”?

Câu hỏi này chỉ có bộ phận văn phòng tại cơ quan của các lái xe ấy mới trả lời được, vì họ có hồ sơ nhân viên.

Nhưng dù sao thì đó chỉ là một tình trạng chung đáng buồn chứ như việc 3 người ở An Giang bị phạt vì nhận xét chủ tịch tỉnh này “kênh kiệu và xa dân nhất trong các đời chủ tịch” lại là một câu chuyện khác.

2/3 người đã bị phạt với mức phạt 5 triệu/người, một số tiền không nhỏ đối với công chức, viên chức. Người còn lại (là một phó chánh văn phòng cấp sở) tuy không bị phạt tiền, nhưng bị kỷ luật về mặt Đảng và chuyển công tác khác.

Không rõ “chuyển công tác khác” là đi đâu, nhưng liệu đường phấn đấu có còn khi lý lịch đã có “vết” kỷ luật?

Tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân là điều mà bất kỳ cán bộ công chức, viên chức nhà nước nào cũng được học.

Ấy vậy mà những lái xe công vụ làm sai quy định nơi sân bay Tân Sơn Nhất có thể vì mới đi làm chưa được học hay đã học, nhưng bận bịu mau quên khiến hình ảnh các lãnh đạo của họ thông qua những chiếc xe sang biển số xanh, biển số đỏ bỗng dưng xa dân vời vợi.

Tôi tin không có một lãnh đạo đi xe công biển số xanh, biển số đỏ nào lại nói rằng, họ đồng ý cho tài xế của mình thực hiện sai quy định tại sân bay Tân Sơn Nhất cả! Vì nói thế khác nào mình dung túng cho nhân viên làm bậy.

Lại nói về An Giang khi các cán bộ Sở Thông tin truyền thông tỉnh đầy mẫn cán đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ba người đã dám nhận xét chủ tịch tỉnh “kênh kiệu và xa dân”, dù quyết định xử phạt của họ có những băn khoăn pháp lý như báo chí đã nêu.

Đại diện Khối Dân chính Đảng An Giang cho rằng, phạt như thế là còn nhẹ, trong khi nguyên Bí thư tỉnh ủy An Giang lại cho rằng phạt như vậy là quá nặng làm người dân xem thông tin hoang mang không biết thế nào là đúng.

Còn ông chủ tịch tỉnh An Giang ban đầu nói rằng mình không nghe, không biết, không được báo cáo về vụ việc và sau đó thì phát biểu rằng mình cảm thấy phạt là đúng, thấy bị ảnh hưởng.v.v..

Nhưng, quyết định xử phạt thì cấp dưới của ông chủ tịch tỉnh An Giang cũng đã đưa ra rồi.

Mà không hiểu sao cái quyết định ấy lại trùng hợp kỳ lạ khi có 2/3 người bị xử phạt có quan hệ xóm giềng với gia đình ông chủ tịch tỉnh. Mà hai nhà lại có “vấn đề” khi hồi xưa nhà chủ tịch xây làm nứt nhà, sập tường của dân cách đây gần chục năm.

Sự trùng hợp ấy biết đâu khiến người ta suy diễn về chuyện “...mười năm chưa muộn”?

Thông thường, với những người biết hành xử, ai nhận xét mình thế nào, họ sẽ xem lại lời nhận xét ấy đúng không. Nếu đúng thì sửa mình, nếu sai thì cười xòa bởi người chê còn không biết đúng sai thì chấp làm gì.

Còn nếu người ta đặt điều nói xấu, thì sẽ đi kiện như là một công dân biết và tuân thủ pháp luật.

Giả sử tôi là... ông Chủ tịch tỉnh An Giang thì chỉ nhoẻn cười mà tự nhủ thôi thì đại nhân nên đại lượng, rút lại quyết định xử phạt là xong. Mình đứng đầu một tỉnh không lẽ đi chấp nhặt chuyện nhỏ?

Ngoài giờ làm thì đến nghe xem họ nói mình “kênh kiệu và xa dân” là vì lý do gì một cách chân tình thì chứng tỏ ngay mình chẳng xa dân, cũng không kênh kiệu cơ mà!

Chứ vì một nhận xét với án phạt nhỏ xíu mà nhiều ban bệ vào cuộc, tổ chức họp hành nhiều sở, ngành thì tốn kém tiền dân quá...

Chuyện quan ứng xử và chuyện tài xế xe công ở sân bay Tân Sơn Nhất thoạt nghe chẳng liên quan gì đến nhau. Song ngẫm lại cũng thấy vỡ lẽ nhiều điều lắm...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại