Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh phối hợp với các nhà khoa học của Việt Nam đã đo hang Sơn Đoòng bằng sự trợ giúp của các máy móc công nghệ cao sử dụng tia laser, những thiết bị giúp họ có thể biết được kích cỡ chi tiết của từng góc "chết" trong hang - một chuyên gia về Hang động học cho biết.
Kết quả cho thấy, Sơn Đoòng còn lớn hơn cả hang động Deer ở đảo Borneo của Malaysia, vốn được coi là hang động lớn nhất thế giới.
Hang Deer có độ lớn trung bình khoảng 91 m x 91 m, dài khoảng 1,6 km. Trong khi đó hang Sơn Đoòng ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có độ lớn trung bình vào khoảng 80 m x 80 m kéo dài khoảng 4,5 km. Nhưng các nhà khoa học nghi ngờ rằng hang Sơn Đoòng của Việt Nam có thể còn sâu hơn nữa do cuộc thám hiểm năm 2009 bị dừng lại ở đoạn sâu 4,5 km do nước lũ.
Ngoài ra, ở một số đoạn hang Sơn Đoòng còn có độ lớn tới 140 m x 140 m, trong đó có các cột nhũ đá cao tới 14 m. Một bức ảnh lộng lẫy do nhiếp ảnh gia Carsten Peter chụp vào tháng 5/2010 mô tả đoạn hang có bề rộng khoảng 91,44m, vòm hang cao gần 243,84m - có thể chứa tòa nhà cao 40 tầng của thành phố New York (Mỹ).
Trong hang, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một dòng sông ngầm dài 2, 5 km và thậm chí là cả những cột nhũ đá cao tới 70 m.
Được biết, miệng hang đá vôi Sơn Đoòng được một người nông dân tìm thấy vài năm trước, nhưng cho tới tháng 4/2009 nó mới được khám phá. Hang nằm sâu trong cánh rừng già trong một địa hình khá hiểm trở, cách xa đường và không thể phát hiện thấy trên Google Earth.
Các nhà thám hiểm của Anh cho rằng, trước đó hang có thể được một số người dân địa phương thám hiểm nhưng họ chỉ dừng lại ở độ sâu vài trăm mét vì sợ đi sâu vào bên trong. Trong hang có một số loài rết độc sinh sống và lũ khỉ thường chui qua một số cổng trời ở độ cao khoảng 300 m vào hang để tìm ốc ăn.
Việc khám phá ra hang Sơn Đoòng đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà thám hiểm trên thế giới. Đoàn thám hiểm của Hoàng gia Anh dự kiến sẽ quay trở lại vào những năm sau đó để tiếp tục khám phá.
(Theo National Geographic)