Bob “Ira” Frazure ở thị trấn Walla Walla, bang Washington đã giữ cuốn nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn quê Hải Dương, suốt 46 năm qua. Bằng sự kết nối của nhiều người, cuốn nhật ký được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trao tận tay Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Hà Nội hôm 4/6 vừa qua, và Bảo tàng Lịch sử Quân sự trao lại cho gia đình ông Vũ Đình Sơn, con trai liệt sĩ Đoàn - trong một buổi lễ trang trọng tại Hải Dương hôm qua (21/9).
Con gái liệt sĩ Đoàn (thứ hai từ phải sang) bật khóc khi nhìn thấy các kỷ vật.
Liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, hy sinh năm 1966 khi mới 29 tuổi.
Nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn là một trong rất nhiều kỷ vật do các cựu binh Mỹ (CCB) từng tham chiến ở Việt Nam tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự - đại tá, tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng - Giám đốc bảo tàng - cho biết.
Tháng 8/2001, Thomas Smith - CCB đầu tiên trao tặng kỷ vật – một lá cờ Đảng - đã nói: “Người lính Việt Nam không sợ chết và dường như không nghĩ đến cái chết... Tôi nghĩ anh ấy đã về nhà... Tôi trở thành người tốt hơn nhờ anh ấy, anh thực sự là người bạn vô hình của tôi”.
Rồi tập nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn gồm những ký họa thời chiến từng lưu lạc suốt 41 năm ở nửa bên kia trái đất, hay lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do CCB Patrick McMakin gửi tặng, với mong muốn “để công chúng chiêm ngưỡng và qua đó thấy được những gian khổ của cuộc chiến tranh”...
Những kỷ vật mà họ giữ từ khi tham chiến, qua hàng chục năm, đã góp phần làm thay đổi quan hệ Việt – Mỹ, và thay đổi chính con người các CCB Mỹ, xóa đi lòng hận thù và sự ám ảnh của bom đạn.
Cuốn sổ màu đỏ
CCB Bob Frazure nhớ lại, trong một bức thư mới đây ông viết cho Lao Động: Tháng 3/1966, trực thăng của lính thủy đánh bộ Mỹ thuộc đại đội Charley hạ cánh, ba đại đội lính Mỹ truy quét bộ đội Bắc Việt. Ông Đoàn – mà sau này Bob mới biết tên - và 3 đồng đội nữa đã cố thủ trên một ngọn đồi, giữa cánh đồng lúa, để chặn đám lính Mỹ cho đồng đội rút lui.
Tất cả những điều đó, Bob biết được, bởi đại đội Bravo của ông đến sau đó nửa tiếng để thu dọn chiến trường, khi cuộc truy quét đã kết thúc. Đơn vị của Bob là đơn vị dự bị cho trận đánh này. Bob nhìn thấy thi thể của các lính thủy đánh bộ Mỹ cùng 4 thi thể bộ đội Bắc Việt.
Ông nhớ rõ, thi thể ông Đoàn không hề chảy máu hay bị xé nát. “Ông ấy chỉ như đang ngủ” - Bob chia sẻ với một người bạn của Lao Động. Bob đoán rằng ông Đoàn hy sinh ngay sau khi trúng một phát đạn duy nhất từ lính Mỹ. “Ông Đoàn là anh hùng, ông ấy đã hy sinh trong chiến đấu để bảo vệ đồng đội”.
Bob thấy cuốn sổ màu đỏ trong tay ông Đoàn và lấy về làm kỷ niệm. Lúc đó ông không biết sau này cuốn sổ làm ông nghĩ nhiều đến thế. Cuối những năm 1970, Bob đã muốn trả lại cuốn nhật ký, ông tìm cách chuyển nó cho một tờ báo và cho một tổ chức CCB địa phương. Nhưng lúc đó hội chứng Việt Nam còn rất nặng nề ở Mỹ, không ai muốn nhận cuốn sổ.
Cho đến giờ Bob vẫn không biết nhật ký viết gì. Không ai giúp ông dịch cuốn nhật ký sang tiếng Anh. Nhưng ông đã trân trọng cuốn nhật ký đó suốt 46 năm qua. Ông đặt nó vào một cái bình gốm cổ màu nâu mà bà của vợ ông đã tặng cho hai vợ chồng, và cuốn nhật ký ở đó, trên tủ, trong suốt hàng chục năm qua, cho đến khi cuốn nhật ký được trao cho kênh truyền hình PBS.
Bob nói, khi tham chiến, ông ghét bộ đội Bắc Việt và người
Việt “vì chúng ta thực ra chỉ biết nhau qua việc nổ súng vào nhau rồi chôn cất
người chết của mỗi bên”.
Nhưng, nếu không nhắc đến việc họ từng phải tham chiến trong một cuộc chiến mà sau này người Mỹ phải nhìn lại nhiều điều, thì trên khía cạnh nhân văn, Bob đã hiểu hơn về người Việt Nam, khi ông lưu giữ cuốn sổ tay màu đỏ đó: “Tôi giữ cuốn nhật ký làm kỷ niệm suốt nhiều năm, nhưng cùng với thời gian, tâm trí tôi cứ thôi thúc việc trả nó trở lại cho người chủ. Cuối cùng tôi nhận ra rằng, không có gì khác biệt nhiều giữa tôi với những người tôi đã ghét bỏ”.
Bob luôn muốn trở lại Việt Nam nhưng chưa bao giờ làm được điều đó. Từ nhiều năm nay sức khỏe của ông rất tệ. Ông phải thở ôxy liên tục 24 tiếng vì ung thư phổi và các bệnh khác. Vợ chồng ông cũng chọn cách sống lạ lùng, biệt lập, tách xa khỏi cuộc sống văn minh. Họ xây nhà trong rừng, trên một khu đồi cách thị trấn Walla Walla gần nhất là 30km. Nơi đó không có điện nước, khí đốt của chính phủ, họ dùng điện mặt trời không có đường dây điện thoại, họ dùng mạng bằng vệ tinh.
Bob ốm yếu nên những cuộc điện thoại của ông thường rất
ngắn, và Pat - vợ ông - hay trả lời thay ông, viết thư thay ông. Bà biết rất ít
về máy tính và thường xóa các email từ những người gửi mà bà không biết là ai.
Bà luôn là chỗ dựa quan trọng của ông. Bà bảo, tôi biết việc trả lại cuốn nhật
ký có ý nghĩa thế nào với Bob.
Trong một email ngắn ngủi, Bob chia sẻ: “Tôi đã kể với vợ tôi, đất nước Việt Nam đẹp đến thế nào. Tôi hy vọng gia đình của Đoàn sẽ nhận lại được cuốn nhật ký. Làm ơn nói với mọi người Việt Nam rằng trong tôi không có sự thù ghét và tôi hoàn toàn kính trọng họ”.
Kết nối và hòa giải
Cuốn nhật ký trở lại Việt Nam được là nhờ sự kết nối của nhiều người. Ngay trước khi Bob có mặt ở Quảng Ngãi, ngày 5/3/1966, một người bạn của Bob là Gary Scooter đã tử trận cũng tại chiến trường này. Nhiều thập niên sau, khi bà Marge - em gái của Gary - tìm hiểu để viết cuốn sách về anh trai bà, Marge và Bob đã làm quen với nhau và trở thành bạn thân.
Vợ chồng Bob và Pat Frazure.
Bob đề nghị Marge giúp trả lại cuốn nhật ký cho gia đình ông
Vũ Đình Đoàn, và bà Marge đã chuyển cuốn nhật ký cho chương trình “Khám phá
lịch sử” của đài truyền hình PBS hồi đầu năm nay. Đã có nhiều người góp sức vào
cuộc tìm kiếm này.
Khi tìm ra gia đình người viết cuốn nhật ký, tháng 5/2012, PBS đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ giúp chuyển nó cho Chính phủ Việt Nam, để trả lại cho gia đình. Những nhịp cầu cứ thế, được bắc giữa hai bờ đại dương, giúp kết nối gia đình của hai người từng đứng hai bên chiến tuyến.
Và vì thế, từ nhiều góc khác nhau ở nước Mỹ, đang có nhiều người dõi theo cái “kết thúc có hậu” của cuốn nhật ký, từ bạn bè, người thân của Bob hay Gary, đến những người Mỹ đã biết câu chuyện này qua báo chí từ tháng 6 vừa qua. Và không chỉ ở nước Mỹ, lúc đó việc Bộ trưởng Panetta trao nhật ký cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh được báo chí đưa tin khắp thế giới.
Vào ngày cuốn nhật ký được trao trả (21/9), Bob đang trên đường đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ông không thể có mặt ở buổi lễ, nhưng ông đã mong được đến đó thế nào. Ông nhờ phóng viên của Lao Động chuyển một bức thư ngắn cho gia đình liệt sĩ Vũ Đình Đoàn: “Tôi muốn nói nhiều điều nữa, nhưng tôi không giỏi viết thư. Tôi hiểu họ sẽ biết tôi cảm thấy thế nào... Hãy nói với họ là tôi luôn nghĩ về họ, và cầu nguyện bình an cho họ.
Tôi lấy làm tiếc vì phải mất quá nhiều thời gian để trả lại nó, nhưng tôi đã cất được gánh nặng trên vai và giờ đây cuốn nhật ký đã trở về nơi mà nó thuộc về. Tôi rất tiếc vì mẹ anh không còn sống để nhìn thấy cuốn nhật ký. Nhưng tôi chắc chắn rằng bà sẽ biết khi họ trả cuốn nhật ký về cho gia đình anh trong vài ngày tới”.
Bà Marge - người đã tìm đến kênh PBS - cũng chia sẻ với Lao
Động: “Cả Ira và tôi đều muốn có mặt tại buổi lễ trao nhật ký cho gia đình,
nhưng Ira không thể đi được vì sức khỏe. Tôi nói với Ira rằng tôi sẽ rất vui
khi được đi thay cho cả hai chúng tôi. Ông ấy rất phấn khởi với việc một trong
hai chúng tôi sẽ có mặt tại đó”.
Nhưng sự gấp gáp về thời gian cũng không cho phép Marge làm thủ tục visa để có mặt ở Việt Nam đúng ngày này. Marge bảo, từ nhiều năm nay, bà đã mong muốn đến Việt Nam biết bao nhiêu, đặc biệt là thăm lại chiến trường Quảng Ngãi - nơi anh trai bà tử trận. Còn bây giờ, chuyến đi dự định của bà có một mục đích nữa - thăm gia đình liệt sĩ Vũ Đình Đoàn.
Ông Vũ Đình Sơn - con trai liệt sĩ Đoàn - mới 3 tuổi khi cha mình mất (1966). Tên Sơn là từ chữ “Trường Sơn” mà ông Vũ Đình Đoàn đã gửi thư về dặn đặt. Gia đình không biết tin ông Đoàn hy sinh cho tới tận năm 1975, khi một người đồng đội của ông Đoàn về quê, mang theo cây tú lơ khơ trên đó có bút tích của liệt sĩ Đoàn ghi trước khi trúng đạn: “Vũ Đình Đoàn hy sinh 7/3/66 AL tại đồi Chóp Nón, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi”. Hẳn liệt sĩ Đoàn đã tiên lượng được trận đánh hôm đó, nên ông mới bình tĩnh ghi lại để gia đình biết được ngày mất của mình, và quân bài quý giá đó đã được đồng đội của ông giữ lại.
Mãi đến năm 2001, gia đình liệt sĩ Đoàn mới vào Quảng Ngãi tìm mộ lần đầu tiên, và năm 2008 quy tập hài cốt liệt sĩ về quê. Đầu tháng 5/2012, bà Phượng - vợ liệt sĩ Đoàn - khi biết tin về cuốn nhật ký, đã vui mừng mong ngóng vô cùng. Bao nhiêu năm thư ông gửi về bà không dám đọc, vì cứ mở ra là bà khóc.
Ông bà lấy nhau có 4 người con, người cuối cùng còn không biết mặt cha, và bà cũng không bao giờ được gặp lại ông kể từ khi ông lên đường nhập ngũ. Nhưng đợi suốt bao năm ròng, cuối cùng bà Phượng đã không còn kịp nhìn thấy kỷ vật của chồng. Bà mất, chỉ một tuần trước khi ngài Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mang cuốn nhật ký tới Hà Nội.
Trong công việc của mình, phóng viên Lao Động đã gặp nhiều CCB của cả hai bên Việt Nam và Mỹ, đã biết tới nhiều kỷ vật chiến tranh được trao trả giữa chính phủ hai nước, nhưng không nhiều kỷ vật tìm lại được đúng gia đình phải có nó. Cũng như 7 năm trước, câu chuyện về nhật ký Đặng Thùy Trâm đã làm lay động trái tim của biết bao nhiêu người, giờ đây, thêm một cuốn nhật ký nữa lại đi trọn vẹn một hành trình rất dài, cả về không gian, thời gian, cả về những hàm nghĩa lịch sử, những cảm xúc, câu chuyện trong đó.
Rob Whiterhurst - CCB Mỹ, anh trai của Fred Whitehurst, người lưu giữ nhật ký Đặng Thùy Trâm - cũng nói ông mong muốn biết câu chuyện của ngày 21.9 thế nào. Để, sau những mất mát của chiến tranh và rất nhiều cay đắng của lịch sử, cuối cùng sẽ là hòa giải, sự yên bình và trân trọng.