Chiều 8/10, tại buổi họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội nói: “Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong vấn đề xây dựng quy chế về đặt tên đường phố. Việc đặt tên ưu tiên cho các địa danh cổ và sau đó là tên các danh nhân lịch sử.
Đối với người là danh nhân thì có quy định tối thiểu là sau 10 năm ngày danh nhân đó mất thì mới xem xét đặt tên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt thì vẫn được xem xét để đặt tên. Gần đây nhất là xem xét đặt tên đường Võ Văn Kiệt dù cố Thủ tướng mất mới 5 năm.
Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cách đây khá lâu rồi, có nhiều phiên họp đã có ý kiến rằng trường hợp của Đại tướng là trường hợp đặc biệt và có thể xem xét đặt tên được ngay.
Ý kiến này được mọi người nhất trí và không có ai phản đối. Thậm chí có ý kiến cho rằng với công lao và đức độ của Đại tướng thì phải đặt tên đường nào xứng đáng và khi Đại tướng mất thì có thể đặt tên được ngay. Tuy nhiên, nếu bác Giáp biết chuyện này chắc cũng không đồng ý và bằng lòng về chuyện đó”, ông Long nói.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Trần Hồng)
Ông Long khẳng định: “Chắc chắn chuyện này sẽ được xem xét và đến tháng 12/2013, vấn đề này sẽ được xem xét vì còn để tìm con đường xứng đáng để đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp”.
Trước ý kiến cho rằng đổi tên một con đường khác thành tên đường Võ Nguyên Giáp và trong đó cụ thể là đổi tên đường Thanh Niên thành đường Võ Nguyên Giáp, ông Long cho rằng: “Rất hạn chế việc đã đặt tên rồi lại thay đi vì khi đó rất phức tạp với nhiều vấn đề. Chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ, bắt buộc thì mới đổi. Thường là chỉ đặt tên đường mới thôi”.
Một ngày không xa sẽ có đường Võ Nguyên Giáp ở Thủ đô Hà Nội theo ước muốn của nhân dân Thủ đô và những người dân khác".
Đối với ý kiến cho rằng sẽ đặt tên đường từ Cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài là đường Võ Nguyên Giáp, ông Long cho rằng vấn đề này phải được xem xét cụ thể vì không chỉ căn cứ vào quy mô đường mà còn vào nhiều yếu tố khác như ý nghĩa lịch sử, mật độ người đi…