Họp khẩn sau việc máy bay Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn

Hoàng Đan |

Ngay sau khi máy bay A321 của Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn vì sự cố liên quan đến lốp, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức họp khẩn về vụ việc.

Tham dự buổi họp có ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị có liên quan.

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, chuyến bay VN162 khởi hành từ Đà Nẵng lúc 8h59 sáng 8.1, khai thác bằng tàu Airbus A321 (số đăng ký VNA, 601) đang trên đường đến Hà Nội thì có hiện tượng mất hết áp suất lốp số 1 của càng chính bên trái.

Thời điểm đó, trên tàu bay, có tổng số 173 người (bao gồm hành khách và phi hành đoàn). Máy bay dự kiến hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài lúc 10h.

Vào lúc 9h29, khi tổ lái chuyến bay HVN162 đang ở độ cao 29.000 bộ (8.850m) vị trí cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 300 km thì phát hiện ra sự cố về lốp bên trái thuộc hệ thống càng của tàu bay.

Tổ lái đã yêu cầu trợ giúp tại mặt đất và tiến hành bay chờ tại Hà Nam trong khoảng 15' để tiêu hao nhiên liệu.

Ngay lập tức, Vietnam Airlines đã triển khai điều hành tình huống khẩn cấp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Các biện pháp đã được triển khai khẩn trương, kiểm tra kỹ càng để đảm bảo trợ giúp tổ bay đầy đủ nhất.

Cơ trưởng kinh nghiệm của VNA và 2 kỹ sư máy bay đã trực tiếp lên đài kiểm soát không lưu Nội Bài trợ giúp tổ bay xử lý tình huống.

Chuyến bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài lúc 10h24, tổng số 162 hàng khách đã xuống máy bay bình thường.  

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, nhiều phương án đã được đưa ra.

Thứ nhất là rải bọt xuống đường băng, để máy bay hạ cánh bằng bụng.

Thứ hai, máy bay thử hạ cánh không tiếp đất để đánh giá hoạt động của càng, sau đó nâng dần độ cao và tiếp đất thật sự. Sau khoảng 30 phút bay vòng trên không, đến 10h24 chiếc Airbus A321 đã hạ cánh an toàn, 162 hành khách xuống máy bay bình thường.

Sau khi máy bay hạ cánh, đánh giá sơ bộ thấy bên cánh lốp có vết cắt, khả năng là do tác động của ngoại vật.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc theo dõi và xử lý tình huống của tổ bay và trung tâm điều hành đã tuân thủ đúng quy trình, kịp thời và nhanh chóng, đảm bảo hạ cánh an toàn, thành công.

"Trước khi máy bay vào đường lăn, bộ phận kỹ thuật đã kiểm tra, không phát hiện bất thường. Do vậy nhiều khả năng máy bay bị vật bên ngoài tác động trên đường cất cánh", ông Thanh nói.

Để tránh gây xáo trộn, hành khách không được thông tin về sự cố. Chỉ đến khi vượt quá thời gian hạ cánh, máy bay phải vòng trên không trước khi tiếp đất, hành khách được thông báo.

Chiếc máy bay này được VNA đưa vào khai thác từ năm 2013. Lần bảo dưỡng gần nhất là ngày 19/0/2015.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Quản lý bay cho biết, qua vụ việc có thể đánh giá các đơn vị đã nhận định đúng tình huống, đưa ra giải pháp phù hợp với tình trạng máy bay, xử lý thông tin thông báo thông tin kịp thời.

Đồng thời đã kích hoạt tất các các phương án được duyêt việc xử lý của đội kiểm soát không lưu và tổ lái là rất bình tĩnh, bài bản và rất chuẩn, trong vấn đề này tâm lý rất chuẩn, đội kiểm soát cũng thông báo đầy đủ các thông tin từ độ nhám, mức gió...

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không VN Phạm Ngọc Minh cho biết sẽ thưởng nóng tổ lái xử lý thành công tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn tính mạng hành khách, không gây thiệt hại về tàu bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại