Theo nghị định số 52/2012 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng có mức phạt cao gấp 10 lần hiện nay, lên mức 2-5 triệu đồng được thực thi từ ngày 5/8.
Xong bất chấp lệnh cấm hoặc chưa biết đến lệnh cấm, nhiều người dân vẫn vô tư nghe điện thoại trong khu vực cây xăng, thậm chí một tay mở bình xăng, một tay nghe điện thoại.
Chị Hương, nhân viên ở cây xăng Yên Phụ cho hay: "Mỗi lần có khách vào đổ xăng là chúng tôi lại nhắc trước về việc không được sử dụng điện thoại tại đây chưa cần biết khách có cầm điện thoại ra hay không để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cũng có một vài khách nhăn mặt khi được chúng tôi yêu cầu không sử dụng điện thoại nhưng hầu hết mọi người đều tuân thủ chấp hành".
Tại cây xăng Trần Hưng Đạo đã có biển báo cấm sử dụng điện thoại, xong có lẽ rất ít người để ý đến các biển báo khi tranh thủ vào đổ xăng.
Tại cây xăng Yên Phụ: Bên cạnh biển cấm và những người hối hả đổ xăng là một thanh niên vẫn hồn nhiên nghe điện thoại.
Minh Trang, một khách hàng tới đổ xăng thì thẳng thắn: "Việc cấm sử dụng điện thoại di động ở trạm xăng là điều mà mình đã biết và làm theo từ lâu. Đây cũng là đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình thôi mà. Dù vậy thì chính mình cũng đã gặp rất nhiều trường hợp dùng di động ở trạm xăng mà không bị nhắc nhở gì hết".
Anh Hưng, người làm ở trạm xăng Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: "Thậm chí chúng tôi đã phải in ra thêm 1 tờ giấy thông báo cấm sử dụng điện thoại ngoài những tấm biển bằng nhựa sẵn có. Trạm xăng chúng tôi dán thẳng những tờ giấy này lên chính những cây xăng luôn đó!"
Song đó chỉ là số ít những cây xăng trong thành phố hưởng ứng nghiêm túc quy định mới này của chính phủ. Theo khảo sát của chúng tôi, đa số các trạm xăng đều không có bất kỳ một tín hiệu gì về việc phổ biến lệnh cấm. Không biển báo, không nhắc nhở...
Phải chăng những sai phạm này xuất phát từ những biện pháp thực hiện quy định chưa đồng bộ và quyết liệt. Nghị định đã đi vào thực tế được một tuần, nhưng thử hỏi đã có bao nhiêu trường hợp bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng khi việc vi phạm này diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại khắp các địa bàn?
Các biện pháp xử phạt chưa mạnh mẽ và đảm bảo tính răn đe khiến người dân chưa ý thức được những hành vi vi phạm. Quy định đưa ra mà chính các cơ quan chức năng, các đơn vị có thẩm quyền cũng tỏ ra thờ ơ, không thực hiện nghiêm túc thì cuối cùng là lỗi do ai?