16 xã, thị trấn huyện Phú Lương bị cô lập
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn kéo dài từ đêm 17 đến sáng 18/9, 16 xã, thị trấn của huyện Phú Lương (Thái Nguyên) bị ảnh hưởng, hàng trăm ha lúa và cây màu bị ngập nước, nhiều hộ dân bị cô lập.
Lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận nhiều khu vực bị ngập chìm trong nước. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Lực lượng công an, dân quân xã đưa người dân qua khỏi đập tràn nguy hiểm - Ảnh: Báo Thái Nguyên
Một cháu bé bị nước cuốn trôi
Tại xóm Cao Sơn 3, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, cháu Dương Anh Dũng, sinh năm 2010 bị nước cuốn trôi, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của cháu sau hơn 2 giờ tìm kiếm.
Nhiều tuyến đường, đặc biệt là đoạn Quốc lộ 3 đi qua địa bàn thị trấn Giang Tiên tiếp giáp với xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương và đoạn Km31 rẽ sang tỉnh lộ 268 bị ngập sâu gây ách tắc giao thông cục bộ.
Chưa tìm thấy thi thể một phụ nữ
Trong khi đó, tại huyện Phổ Yên, lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích là chị Nguyễn Thị Nhung bị nước cuốn trôi lúc 7h30 ngày 17/9 tại đập tràn Tân Ấp, xã Phúc Thuận, tuy nhiên, do mưa lớn, nước dâng cao nên công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.
Đập tràn Tân ấp xã Phúc Thuận, nơi chị Nguyễn Thị Nhung gặp nạn. Ảnh: Thu Hằng – TTXVN
Hơn 1000 người đang ứng cứu
Bộ Chỉ huy quân sự và Công an tỉnh Thái Nguyên đã khẩn trương huy động 6 xuồng máy, 3 xe lội nước, 8 ô tô cùng lực lượng gồm 200 chiến sỹ bộ đội, 200 chiến sỹ công an và trên 1.000 dân quân tổ chức cứu hộ cứu nạn tại các vùng ngập trên toàn tỉnh.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, nước trên đầu nguồn đổ về rất lớn, mực nước tại các sông suối trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục lên cao. Từ 7 giờ ngày 18/9, Hồ Núi Cốc đã tiến hành xả lũ với mức xả 200m3/giây.
Sáng 18/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Viết Thuần đã trực tiếp xuống huyện Phú Lương chỉ đạo địa phương đối phó với mưa lũ.
Tại Đại Từ, đêm 17 và sáng 18/9 trên địa bàn huyện mưa to và rất to, nước lũ từ sông, suối dâng cao, làm cho tuyến Quốc lộ 37, huyết mạch giao thông của huyện Đại Từ ngập chìm trong nước, tạo thành dòng chảy dữ dội.
Ở thị xã Sông Công, từ 6 giờ ngày 18-9, mực nước trên Sông Công dâng do mưa lớn kéo dài và Hồ Núi Cốc xả nước với lưu lượng 200m3/giây đã khiến cho nhiều vùng của thị xã bị ngập. Theo báo cáo sơ bộ, thị xã Sông Công có khoảng 200ha lúa, chè, hoa màu bị ngập. 3 xóm của xã Bình Sơn: Bình Định 1, Bình Định 2, Bình Định 3 bị cô lập với bên ngoài do 2 cây cầu sắt nối các xóm trên với xã Thịnh Đức và xã Tân Cương của T.P Thái Nguyên bị nước cuôn trôi, tuyến đường trục chính đi ra trung tâm xã cũng bị nước ngập. Tại đây có khoảng 30 hộ dân bị nước tràn vào nhà.
Tại huyện Phú Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước từ thượng nguồn dồn về khiến mực nước ở các con sông chảy qua địa phận huyện Phú Bình như sông Cầu, sông Đào dâng cao, cách mức báo động 1 là 1,8m.
Huyện Định Hóa: Khoảng 30ha lúa (trong đó xã Phú Tiến có khoảng 10ha) và gần 20ha ngô và các loại cây màu bị thiệt hại nặng. Taluy dương ở một số tuyến đường thuộc các xã: Trung Hội, Lam Vỹ, Tân Thịnh, Phú Tiến, Phượng Tiến... cũng bị sạt lở đất với khối lượng sạt lở ước tính trên 4.000m3...
Tại huyện Đồng Hỷ: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, sáng 18-9, mưa lớn, nước từ trên núi chảy xuống tạo thành dòng chảy mạnh, làm sạt lở đất đá xuống đoạn đường lên núi đến chỗ cư trú của trên 40 gia đình dân tộc Mông ở bản Lân Quan, xã Tân Long. Lượng đất đá sạt lở khoảng 1 nghìn m3, gây ách tắc khoảng 1km đoạn đường lên bản.
Nhiều tuyến đường bị ách tắc giao thông do ngập úng, sạt lở đất