Ngày 22-2, ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà (Bộ Công an) xác nhận học viên cơ sở này là người đã tung ảnh cảnh sinh hoạt lên Facebook.
Trước đó, trang mạng xã hội Facebook mang tên Hưng Lộc đăng nhiều bức ảnh về cảnh sinh hoạt của nhóm thanh niên xăm trổ trong căn phòng giống như buồng giam khiến dư dân mạng xôn xao.
Hầu hết các bức ảnh được đưa lên mạng từ đầu tháng 12-2013 đến 19-2-2014. Thông tin đăng tải cho thấy, chủ Facebook liên tục cập nhập hình ảnh và trao đổi với bạn bè.
Trong các bức ảnh thể hiện một căn phòng có tivi nhỏ, không tủ và đồ đạc, không có giường, nơi ngủ là bục được xây cao ốp gạch men trắng. Quần áo và túi to đựng đồ treo lủng lẳng. Căn phòng được cho là ở cơ sở giáo dục Thanh Hà, Bộ Công an (đóng ở tỉnh Vĩnh Phúc).
Đáng chú ý, trong loạt ảnh đăng ngày 30-1-2013 (tức 30 Tết Giáp Ngọ), có hình ảnh mâm ngũ quả và cành đào với đèn trang trí nhấp nháy. Tác giả chú thích: “Cơm tối đê… thịt gà, thịt bò, thịt rúi”.
Tại bức hình đăng ngày 16-2 với ảnh dao kiếm và súng, Hưng Lộc nhận là "bụi đời" và hôm sau chia sẻ: “Cũng sắp đến ngày về rồi... nghĩ thì lâu nhưng nhìn lại thì sẽ nhanh thôi...haz”.
Ngoài ra còn rất nhiều hình ảnh đăng tải trong đó cho thấy học viên trại giam sử dụng điện thoại di động khá thoải mái.
Ngày 22-2, ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà, cho biết đã xác định người có tên Đặng Hưng (ngụ ở Lào Cai) chính là học viên đã đăng ảnh trong cơ sở này lên mạng xã hội. Đặng Hưng đã bị kỷ luật vì vi phạm quy chế.
Hiện cán bộ cơ sở giáo dục đã thu giữ điện thoại của đối tượng này và đang làm rõ, bằng cách nào đối tượng đã mang được vật cấm vào trong trại. Lãnh đạo Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà cũng cho hay, các hình ảnh đăng tải trên mạng xã thể hiện tiệc liên hoan vào dịp tết Nguyên đán vừa qua.
“Việc các học viên bày cỗ ăn uống thì không có vấn đề gì vì ngoài tiêu chuẩn của trại, học viên còn có quà cáp của gia đình gửi vào nên góp với nhau”- ông Kiên nói. Ông khẳng định theo quy định, trong cơ sở các học viên không được sử dụng điện thoại cá nhân mà chỉ được phép trại viên liên lạc với gia đình bằng điện thoại cố định trong trường hợp cần thiết.
“Việc để lọt điện thoại là do công tác quản lý chưa được chặt chẽ nên cần phải làm rõ vấn đề này. Chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm liên quan của cán bộ trong cơ sở, làm rõ có hay không sự tiếp tay”, ông Kiên nói.
Được biết, Cục Cải tạo và Hòa nhập Cộng đồng (Bộ Công an), đơn vị quản lý cơ sở giáo dục Thanh Hà hiện đã nắm được thông tin về sự việc và lãnh đạo Cục đang yêu cầu các bên liên quan làm rõ trách nhiệm để xử lý. Việc trại viên sử dụng điện thoại là trái pháp luật, bởi quy định hiện hành tuyệt đối không cho trại viên được mang theo điện thoại, máy quay phim vào buồng ở, kể các việc sử dụng các chất kích thích như rượu.
Theo quy định, cơ sở giáo dục bắt buộc là nơi cưỡng chế các đối tượng gây gây nguy hại cho xã hội nhưng chưa đến mức phải bị xử lý hình sự. Tại đây các học viên được giáo dục pháp luật, dạy nghề, dạy văn hóa để trở về làm người có ích cho xã hội. Đây không phải là nơi giam giữ nhưng học viên phải chịu sự quản lý theo quy định.
Theo luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2013 thì đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với một số người có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ 6-24 tháng.