Khác hẳn với mọi ngày, hàng trăm ngư dân khi vừa đưa tàu cập bờ đã tập trung thành nhiều cụm nhỏ bàn tán chuyện Trung Quốc đưa giàn khoan phi pháp vào vùng biển Việt Nam. Họ vừa tỏ sự bất bình trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, vừa hằn lên những nét ưu tư trên gương mặt.
Ngư dân Lê Đủ (ở Lý Sơn) vừa từ vùng biển Hoàng Sa về cập cảng rạng sáng 8-5, nói: “Ngư dân đã gắn bó máu thịt với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dù thế nào đi nữa chúng tôi vẫn cứ bám biển để đánh bắt. Ngư dân mong Nhà nước can thiệp để đánh bắt được an toàn”. Ngư dân Bùi Miên cũng vừa từ Hoàng Sa trở về, kể: “Hôm qua (7-5), khi từ Hoàng Sa trở về thấy nhiều tàu Trung Quốc quần thảo trên vùng biển Việt Nam. Tàu tôi liên tục bị họ xua đuổi ra rất xa khu vực có giàn khoan nên rất bức xúc. Thời gian gần đây đánh bắt ở Hoàng Sa rất khó khăn vì bị Trung Quốc cản trở. Nếu họ không rút giàn khoan thì ngư dân phản đối tới cùng”.
Chuẩn bị nhiên liệu, đá lạnh cho chuyến khai thác hải sản dài ngày trên biển sắp tới ở cảng Lý Sơn sáng 8-5, ngư dân trẻ Mai Văn Cường (31 tuổi, ở xã An Vĩnh, Lý Sơn), thuyền trưởng tàu cá QNg 96185, thẳng thắn: “Chúng tôi vẫn quyết tâm ra Hoàng Sa để khai thác, vì đây là ngư trường truyền thống bao đời cha ông đã gìn giữ. Vẫn biết lực lượng Trung Quốc đưa giàn khoan chắn ngay hành trình từ đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa nhưng chúng tôi không thể chuyển đổi ngư trường khai thác, 13 ngư dân trên tàu vẫn một lòng quyết tâm ra Hoàng Sa. Đối với ngư dân Lý Sơn, ngư trường Hoàng Sa là ao nhà, là mái nhà chung, hàng trăm tàu cá của Lý Sơn đã, đang và sẽ ra Hoàng Sa để khai thác hải sản. Tàu thuyền hiện diện nơi đây giúp ngư dân Lý Sơn ổn định cuộc sống, góp phần khẳng định chủ quyền trên biển của Tổ quốc”.
Ông Nguyễn Quốc Chinh - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (Lý Sơn) - cho biết ngày 7-5, tàu của ngư dân Nguyễn Lộc ở xã An Vĩnh (Lý Sơn) khi đang đánh bắt hợp pháp trên ngư trường Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước gây hư hỏng nặng. Sau khi bị phun nước, các thuyền viên trên tàu đã khắc phục sự cố và tiếp tục bám trụ hành nghề chứ không rời khỏi vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc.
Ông Phan Huy Hoàng - phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi - cho biết hội khuyến khích ngư dân vẫn tiếp tục ra khơi đánh bắt bình thường, vì đó là vùng biển chủ quyền nước ta, có sự cố xảy ra thì báo đến lực lượng chức năng đề nghị được can thiệp, giúp đỡ.
Thời điểm này đang là mùa đánh bắt chính của ngư dân Quảng Ngãi ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những ngày qua, bất chấp hành động phi pháp của Trung Quốc, hàng trăm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi vẫn không chùn bước, giong thuyền ra khơi đánh bắt.
Trong khi đó, Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết sáng 8-5, gần 20 chiếc tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Khánh Hòa đã rời cảng ra khơi xa đánh bắt bình thường, dù cho những diễn biến ở biển Đông đang khá phức tạp. Ông Mai Thành Phúc - ngư đội trưởng ngư đội Trường Sa Lớn ở TP Nha Trang - nói: “Ngư dân tụi tui chẳng thấy ngại gì, vẫn cứ tiếp tục ra khơi, bám biển mà đánh bắt vì đó là lẽ sống của ngư dân Việt Nam bao đời nay rồi. Sáu ngư đội mang tên các đảo tại Trường Sa của Khánh Hòa vẫn tiếp tục vươn khơi vì đây đang là vụ cá Nam mà”.
Chiều 8-5, ông Nguyễn Tri Phương - phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên - cho hay hầu hết tàu thuyền đánh bắt xa bờ của tỉnh này (tổng số 1.100 chiếc, có công suất trên 90CV) vẫn đang bám biển xa, tập trung nhiều nhất ở vùng biển Trường Sa.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA