Hóa vàng hay đốt của?

camnhung |

Càng đông người đi lễ thì số tiền đốt đồ mã cũng tăng lên để lại những trăn trở về sự lãng phí…

Lễ phải có… tiền vàng

Mặc cho trời Hà Nội những ngày đầu năm lạnh đến thấu xương, nhiều người vẫn hướng về những địa điểm tâm linh. Đến phủ Tây Hồ những ngày này nhiều người nếu không đủ sức khỏe sẽ không thể chen vào bên trong để hành lễ. Cửa chính, cửa phụ nơi đâu cũng ken đặc người. Để vào lễ được tất cả các ban thờ ở đây, tôi đã phải vã mồ hôi, dù ngoài trời nhiệt kế chỉ 13 độ C. Xe ô tô vào phủ xếp hàng dài từ đầu đường ven hồ Tây, tất cả những bãi đỗ xe vào phủ đều chật kín. Tuy nhiên, có đến những chốn linh thiêng này mới thấy, xót xa cho cái sự lãng phí của không ít du khách.

Quanh khu vực phủ, có vài chục hàng quán bán vàng mã, đồ lễ. Hầu như mọi người đều mua thêm tiền vàng âm phủ. Thậm chí, có người mang theo từ nhà những đồ mã để sau khi làm lễ sẽ hóa ngay tại chùa để cầu may. Và vì thế, bể hóa vàng ở đây, không lúc nào ngớt lửa khói. Người người xếp hàng, chờ đến lượt đốt tiền. Có người phải chờ cả tiếng đồng hồ sau khi làm lễ để được vào hóa vàng. Có những lúc lò hóa vàng của phủ không còn chỗ để hóa.

Đã có cả nghìn tỷ đồng bị đốt sau mỗi mùa lễ hội

Cũng trong tình trạng quá tải du khách những ngày đầu xuân là Bia Bà. Nằm tại khu vực La Khê, Hà Đông khá xa trung tâm Hà Nội nhưng nơi đây luôn thu hút một lượng lớn khách thập phương tới cúng lễ đầu năm. Người đi lễ Bia Bà kéo hàng dài từ đường Lê Trọng Tấn cho tới cổng.

Con đường vào di tích chỉ còn là một lối đi nhỏ, bởi hai bên đường, hàng quán la liệt bày hoa quả và đồ tế lễ, từ vàng mã cho tới các loại quần áo mũ mão. Dòng người đông nghịt ken vai nhau chờ đến lượt vào lễ. Trong khuôn viên đình, khói hương nghi ngút quyện với khói hóa vàng tạo thành một thứ không khí đặc quánh, tựa như sương mù.

Đã đến Bia Bà, ít ai đi người không. Ai cũng muốn có một lễ để tỏ lòng thành. Lễ nhẹ thì hoa quả, bánh kẹo. Có lễ trọng tới cả vài triệu đồng nhưng tựu trung lại vẫn không thể thiếu vàng mã. Có những mâm lễ còn cúng theo cả đồ mã như áo mão, ngựa giấy…

Có bỏ được thói quen?

Tại cuộc họp giao ban tổng kết công tác quản lý lễ hội do Bộ VH-TT&DL tổ chức trước Tết Nhâm Thìn vừa qua đã có ý kiến đề xuất Chính phủ ban hành quy định “cấm sản xuất, tàng trữ và vận chuyển đồ mã”. Rất nhiều ý kiến các nhà khoa học khẳng định rằng, việc đốt đồ mã trong di tích hiện nay đang trở thành vấn đề của xã hội khi nó đã đi quá giới hạn, bị lạm dụng và gây lãng phí rất lớn…

Thế nhưng, các nhà quản lý cũng thừa nhận, để quản lý việc này rất khó, nếu không có biện pháp trừ tận gốc thì dù có vẽ ra cả nghìn cách cũng không cách nào thành công được. Thực tế hiện nay, theo quy định thì đồ mã vẫn là một trong những mặt hàng có trong danh mục của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho phép sản xuất và có thu thuế đầy đủ. Thậm chí nghề làm hàng mã cũng tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Câu chuyện về sự xuất hiện của tục đốt vàng mã đến bây giờ vẫn là một bài học để người đời suy ngẫm. Theo chuyện rằng, để bán được chỗ giấy xấu, không ai mua, hai vợ chồng Thái Mạc và Tuệ Nương đã nghĩ ra mưu để Tuệ Nương giả chết. Sau đó đem đốt chỗ giấy xấu kia làm tiền cho Tuệ Nương lo lót dưới Âm Phủ. Bất ngờ từ trong quan tài, Tuệ Nương đang giả chết bỗng tỉnh lại. Từ đó, người ta truyền nhau tục hóa vàng. Vậy có lẽ, từ lúc xuất hiện đến bây giờ, tục hóa vàng vẫn giữ nguyên giá trị của nó… để những kẻ buôn thần bán thánh trục lợi.

Theo Đỗ Nguyễn

ANTD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại