Càng khâm phục hơn khi chính tay ông đã chế tạo ra chiếc xe lăn cho mình.
50 tuổi nặng 18kg
Tuổi thơ của ông Phạm Văn Đàm, sinh 1965, cũng giống như bao đứa trẻ khác trong làng. Lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em nên từ nhỏ ông chăm chỉ học hành để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Cách đây gần 40 năm, trong 1 giờ ra chơi ông cùng nhóm bạn chơi đùa và bất ngờ bị khụyu gối giữa sân trường với khớp gối đau đớn. Về nhà, sau một đêm, 2 đầu gối ông trở lên đau nhức, không đi lại được. Mẹ đưa ông đi bệnh viện điều trị khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm, các bác sỹ chẩn đoán ông bị bệnh bại liệt và khuyên gia đình đưa về chữa bằng thuốc nam. Về nhà, bố mẹ ông đi khắp nơi tìm thuốc chữa cho con nhưng đôi chân ông đã vĩnh viễn không đi lại được, phải nằm liệt giường.
Vậy là ước mơ theo học chấm dứt khi ông mới vừa bước chân vào lớp 4 trường làng. Từ một đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, trong một đêm ông đã trở thành phế nhân. Cụ Vũ Thị Sai - mẹ ông Đàm chua xót nhớ lại: “Tôi cứ nghĩ nó bị ngã chỉ xây xát nhẹ qua loa rồi khỏi, ai ngờ mỗi ngày bệnh càng nặng hơn. Nhiều lúc nhìn con nằm bất động trên giường mà bất lực không làm gì giúp con được. Vất vả nuôi con đến tuổi trưởng thành những mong trông cậy tuổi già, giờ lại chăm con như chăm con thơ. Không biết khi chết đi, lấy ai nuôi nó”, rứt lời bà ôm mặt khóc nức nở.
Do lo chạy chữa cho con, tài sản trong nhà bà cứ dần dần “đội nón ra đi”, gia cảnh lâm vào bần hàn. Thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà, một cơ sở chăn nuôi lợn đã cho mượn 1 lán trại để gia đình làm chỗ chui ra chui vào. Hàng ngày, các anh chị cùng bố mẹ ra đồng làm còn ông Đàm thì loay hoay ở nhà một mình, có những hôm mưa bão, gió giật tung cả mái nhà lên. Mưa như trút nước vào ông. Khi cả nhà về ông đã ngất lịm đi, sau đợt đó ông ốm trận thập tử nhất sinh. Từ đó, mỗi khi gia đình đi làm đều cắt cử một người ở nhà trông coi ông.
Gần 40 năm nay, cụ Sai chăm sóc ông Đàm như con thơ.
Từ chỗ làm chủ đôi chân đến nay không thể đi lại được, ông Đàm đã nhiều lúc nghĩ đến cái chết để không còn là gánh nặng của gia đình. Và không ít lần ông đã tuyệt thực và đập đầu xuống giường. Năm nay, ông đã bước sang tuổi 50 nhưng căn bệnh đã bào mòn cả thể xác nên thân hình ông nhỏ bé như đứa trẻ lên năm với cân nặng chỉ 18kg. Đau khổ trước hoàn cảnh của con, không lâu sau bố ông cũng qua đời, để lại gánh nặng cho vợ.
Lớn lên chứng kiến các anh em mình được bố mẹ dựng vợ gả chồng, ông càng tủi thân hơn. Nhiều lần cụ Sai đi khắp vùng tìm mối cho con nhưng chả có ai đồng ý lấy người liệt về làm chồng. Ông Đàm tâm sự: Tôi cũng chẳng còn sống được bao nhiêu, giá có người chịu lấy tôi về làm chồng thì mẹ tôi đỡ khổ nhưng mình xấu xí lại nằm liệt giường như thế này thì ai chịu lấy. Vậy là, hàng ngày vẫn phải ở trong ngôi nhà cấp 4 cùng người mẹ già gần 80 tuổi hàng ngày bươn trải lo miếng cơm cho đứa con tật nguyền 50 tuổi qua ngày. Và gánh nặng càng nặng hơn khi sức khỏe của cụ ngày càng yếu lại đang phải mổ mắt đục thủy tinh thể.
Tự tay làm xe lăn
Do nằm giường liệt gần 40 năm nên thân hình biến dạng nhưng tinh thần ông vẫn minh mẫn. Năm 2011, trong một lần ngủ, ông Đàm nằm mơ ông tự ngồi dậy đi được xe lăn. Sáng hôm sau, ông kể chuyện với mẹ mình nhưng cụ cho là viển vông, rồi cái giấc mơ đó dần bị lãng quên. Nhưng vài hôm sau, ông lại mơ giấc mơ tương tự.
Trong những ngày tiếp sau, nhờ mẹ đỡ dậy, ông cố gắng nhổm người bám vào thành giường nhưng 2 mẹ con ngã xuống đất sưng hết chân tay. Sau nhiều lần tập luyện, ông dần ngồi dậy được. Mặc dù chỉ ngồi dậy trên giường được một lúc nhưng 2 mẹ con mừng rơi cả nước mặt. Suốt ngày hôm đó, mặc dù chân tay bị bầm tím nhưng ông chăm chỉ luyện tập quên cả ăn, cả đau.
Câu chuyện ông Đàm bị liệt gần 40 năm bỗng ngồi dậy được làm người dân trong xóm ngoài làng tò mò. Một hôm khi ông đang tập luyện thì có một người ở làng bên nghe tin tìm đến gia đình và tặng 2 chiếc bánh xe đạp. Với bản chất thông minh, sau nhiều đêm nằm suy nghĩ, ông đã tự thiết kế trên giấy một chiếc xe lăn phù hợp bản thân với 2 bánh bằng xe đạp.
Chiếc xe do chính ông Đàm tự chế.
Vậy là, ông tích cóp số tiền trợ cấp người tàn tật hàng tháng để mua một số phụ tùng kèm theo. Sau vài tháng ông cũng sắm đủ những thứ cần dùng. Việc đầu tiên là lắp ráp sao cho phù hợp với mình, mọi công việc hoàn thiện, ông nhờ cửa hàng cơ khí đầu làng. Sau vài tuần sửa đi sửa lại, chiếc xe lăn cũng được hoàn thành. Những ngày đầu lóng ngóng ngồi xe lăn, không ít lần 2 mẹ con ngã bổ ngửa trước bậc nhà. Từ chỗ tập đi loanh quanh trong nhà, ông tự đi ra ngoài đường tới nhà hàng xóm chơi.
Ông tâm sự: Cảm giác mình ngồi dậy được trên giường tôi đã mơ ước từ lâu, giờ còn đi được xe lăn, cảm giác thật thích thú, mình có thể tự đi trên đôi chân mình và tha hồ hít thở không khí ngoài trời. Tôi nghĩ mình còn may mắn hơn nhiều so với những người cùng hoàn cảnh, dự định của tôi sẽ làm một việc gì đó hợp sức mình để chia sẻ gánh nặng với mẹ già.
Ước mơ đó thật nhỏ nhoi nhưng hi vọng với nghị lực của mình, ông Đàm sẽ làm được gì đó giúp mẹ già.