Hệ thống an toàn của Camry bạc tỷ có thực sự an toàn?

Kiều Oanh |

Sau hàng loạt sự cố liên quan tới lỗi túi khí của xe Toyota, các chuyên gia về ô tô “mổ xẻ” về tình trạng an toàn của dòng xe Camry bạc tỷ do hãng xe Nhật Bản sản xuất.

Ngày 13/5/2015, hãng xe hơi Nhật Bản Toyota đã thông báo triệu hồi 5 triệu xe với lý do túi khí có nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập bên trong thiết bị. Điều này khiến túi khí không hoạt động hiệu quả khi xảy ra va chạm.

Tính đến nay, Toyota đã có đợt thu hồi xe lớn kỷ lục với 8,1 triệu xe dính lỗi túi khí trên toàn cầu.

Có thể nói, những mẫu xe của Toyota luôn được người tiêu dùng Việt ưu ái bởi sức bền, khả năng tiết kiệm nhiên liệu và sự thân thiện.

Tại Việt Nam, đầu tháng 9 vừa qua, Toyota Việt Nam cũng đã thông báo triệu hồi gần 4.000 xe Vios và Corolla do “dính” nguy cơ lỗi túi khí có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng cho hành khách trong một vụ tai nạn.

Điều này đã khiến không ít người Việt đang sở hữu các dòng xe của hãng ô tô đến từ Nhật Bản hoang mang về mức độ an toàn "thực" của xe.

Đặc biệt, sau sự cố chiếc xe bạc tỷ Toyota Camry 2.5Q của khách hàng Nguyễn Anh Kết (nguyên Giám đốc Công ty Thanh Hà) bị đâm "nát đầu" nhưng xe không bung túi khí khiến dân “chơi” ô tô bày tỏ sự lo ngại.

“Khi nào nguy hiểm tới tính mạng thì túi khí mới nổ”?!

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hiếu, từng là giám đốc của một showroom ô tô danh tiếng tại Hà Nội cho rằng, đối với xe Camry hay nhiều loại xe khác, không phải đâm vào bất cứ cái gì thì túi khí sẽ mở.

Bởi va chạm nhẹ thì túi khí sẽ không mở. Hơn nữa, điều kiện để túi khí bung ra phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản: Lực va đập của xe (gây nên gia tốc giảm dần của xe), vùng và hướng va đập (điểm và hướng va chạm xuất phát đầu tiên).

Ví dụ như xe đâm vào khối bê tông sẽ khác với việc xe đâm vào một chiếc xe khác đang chạy.


Hình minh họa (Nguồn internet)

Hình minh họa (Nguồn internet)

Do đó, trong một số trường hợp, sau khi bị tai nạn, vẻ ngoài xe trông bị hư hỏng rất nhiều nhưng túi khí không nổ vì gia tốc giảm dần của xe chưa đạt giới hạn cho phép để kích nổ túi khí.

Với những trường hợp này, hệ thống dây đai an toàn đã đủ để giữ hành khách tránh khỏi những chấn thương nghiêm trọng.

Vì vậy, trong tất cả các hướng dẫn sử dụng của tất cả các hãng sản xuất xe đều yêu cầu hành khách luôn đeo dây đai an toàn khi ngồi trên xe.

Đây cũng là luật lệ bắt buộc của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

“Có những tai nạn xảy ra liên hoàn không chỉ 1 va chạm. Nếu như ngay ở va chạm đầu tiên (va chạm nhẹ), xe đã mở túi khí thì biết đâu người lái xe lại có thể bị chết ở va chạm thứ 2.

Ở xe Camry, khi nào nguy hiểm tới tính mạng thì túi khí mới nổ” – ông Hiếu nói.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, anh Chiến, cố vấn dịch vụ Toyota lý giải:

"Theo nguyên lý của nhà sản xuất, túi khí chỉ bung ra khi hệ thống cảm biến của xe xác định được độ nguy hiểm tới tính mạng của người ngồi trong xe để lái hoặc ghế bên cạnh".

Anh Chiến đưa ra ví dụ, khi lái xe đang đi trên đường cao tốc đột nhiên xảy ra một va chạm như đâm uỳnh vào một vật thể phía trước, xe có thể bị va chạm liên hoàn, các bộ phận tiếp theo sẽ không còn gì để bảo vệ nữa thì túi khí mới bung ra.

Theo thông tin từ anh Chiến, thông thường túi khí là một hệ thống hoạt động tự động, người lái xe cũng không thể sờ mó hay tác động gì để túi khí bung ra được.

Tuy nhiên, có một số dòng xe đời mới hoặc xe nhập khẩu, có một nút khóa túi khí ở bên ghế phụ để dành cho người điểu khiển đi một mình.

Khi người chủ xe khóa nút túi khí ở bên ghế phụ thì túi khí sẽ không bung ra nữa.

“Còn túi khí chính của người lái xe thì họ ít khi động chạm vào hay cài đặt gì dẫn đến hỏng hay lỗi được!” – anh Chiến phân trần.

Một số dòng của Honda, túi khí dễ nổ hơn Camry Toyota

Dưới góc độ là một chuyên gia về kỹ thuật, ông N.V.Đạt – bộ phận kỹ thuật của một gara ô tô ở Hà Nội cho rằng, túi khí nổ là do người dùng va chạm vào cảm biến.

Túi khí thiết kế ra nhằm giảm thiểu chấn thương quá nặng cho người lái xe, tuy nhiên, nếu va chạm mạnh nhưng không chạm vào đầu của cảm biến thì túi khí sẽ không nhận, từ đó không hoạt động.

“Bất kể xe nào cũng vậy chứ không riêng gì xe Camry sang trọng tiền tỷ.

Điều kiện để túi khí nổ là có va chạm, có đủ lực tác động vào cảm biến được đặt trên đầu của xe thì nó mới bung túi khí.

Còn va chạm vào sườn xe rất nặng, không va chạm đến cảm biến thì túi khí vẫn không bung ra được” – ông Đạt giải thích.

Các dòng Honda như Civic, City mới,… túi khí lại dễ nổ hơn vì cảm biến được đặt ngay bên ngoài, 2 dòng xe này chỉ cần va chạm nhẹ thôi cũng nổ (Ảnh minh họa)
"Các dòng Honda như Civic, City mới,… túi khí lại dễ nổ hơn vì cảm biến được đặt ngay bên ngoài, 2 dòng xe này chỉ cần va chạm nhẹ thôi cũng nổ" (Ảnh minh họa)

Cũng theo chia sẻ của ông Đạt: Thông thường xe ở Việt Nam chỉ được trang bị túi khí cho 2 ghế ở vô-lăng và ghế bên cạnh người lái, còn mấy ghế sau thì không có.

“Về độ an toàn, xe Camry đã được thử nghiệm nhiều nhưng trong tai nạn có nhiều tình huống có thể xảy ra nên mình không thể lường trước được hết tất cả.

Ví như xe của Châu Âu, nó có trang bị thêm túi khí ở 2 bên dọc 2 sườn xe, có cả túi khí của người ngồi đằng sau nhưng ở xe Việt Nam thì thường trang bị mỗi túi khí cho 2 ghế trên thôi!” – ông Đạt chỉ ra sự thiếu an toàn đối với xe ô tô ở Việt Nam.

Ông Đạt cũng lưu ý thêm: Các dòng Honda như Civic, City mới,… túi khí lại dễ nổ hơn, 2 dòng xe này chỉ cần va chạm nhẹ thôi cũng nổ.

Còn xe Camry để đảm bảo độ an toàn thì người ta đặt cảm biến ở trong nên túi khí nếu nổ thì phải chạm vào đúng cảm biến mới nổ được.

“Tôi cũng đã theo dõi thông tin trên báo liên quan tới các sự cố lỗi túi khí của Camry trong thời gian qua nhưng nếu người sử dụng không va chạm vào cảm biến thì túi khí không bao giờ nổ được!” – ông Đạt nhấn mạnh.

Sau hàng loạt sự cố “húc” mạnh, xe “chồm” lên tông thẳng vào chiếc xe khác gây thương tích cho người lái nhưng túi khí vẫn không hề hoạt động, nhiều người tiêu dùng đã cân nhắc, đắn đo hơn trước khi quyết định bỏ tiền tỷ ra để “tậu” về chiếc xe hào nhoáng Camry.

Thậm chí, trên một số diễn đàn của dân chơi ô tô, một số thành viên đã tự trấn an nhau rằng, túi khí chỉ là một thiết bị an toàn thụ động.

Bản thân túi khí nổ cũng gây sát thương cho người lái trong các trường hợp va chạm không đột ngột.

Vì vậy, “túi khí không phải sẽ bung trong mọi trường hợp nguy hiểm và cứ bung túi khí là bạn sẽ được an toàn.

Cách an toàn nhất là bạn nên nâng cao kỹ năng lái xe và xử lý tình huống, không lái xe trong tình trạng say xỉn, chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông” – nicknameTùng Nguyễn, một người am hiểu về ô tô nhắn nhủ.

Ngày 30/8, khi đang lưu thông trên đường từ Hải Phòng xuống Đồ Sơn, chiếc xe Camry 2.5Q của khách hàng Nguyễn Anh Kết va chạm mạnh với một chiếc xe máy.

Do hệ thống túi khí trên xe không hoạt động, đồng thời dây đai an toàn không căng khiến người ngồi ghế phụ bị thương.

Ngày 28.4 tại giao lộ đường Bà Nà Suối Mơ với đường tránh Nam Hải Vân (TP.Đà Nẵng) đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc giữa chiếc xe khách hãng Tiến Thành và chiếc xe Camry BSK 43A – 123.15.

Hậu quả, trong 7 người trên xe Camry, 4 người chết tại chỗ, 2 người chết tại bệnh viện và 1 người nguy kịch, tất cả đều là người trong một gia đình

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại