Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng thôn 2, xã Lâm Trạch thông tin trên báo Quảng Bình: "Toàn thôn có hơn 100 ha rừng thông. Đây là những diện tích mà Dự án trồng rừng Việt - Đức hỗ trợ và đã chuyển giao hết cho người dân. Toàn bộ diện tích nói trên đều được trồng vào năm 2001. Khoảng 3 tháng trở lại đây, sâu róm đã "tấn công" ồ ạt vào các khu rừng trồng thông của người dân trong xã. Thôn tui là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ nạn sâu róm tàn phá rừng thông, với khoảng 90% diện tích bị sâu róm phá hoại, không thể khai thác nhựa được. Các chú cứ nhìn vào mấy vạt thông cháy đen, trơ trụi lá là biết "dịch sâu róm" khủng khiếp như thế nào.
Người dân trong thôn đã tiến hành phun thuốc và thực hiện các biện pháp diệt trừ sâu theo sự hướng dẫn của chính quyền xã, nhưng chẳng mấy hiệu quả. Hầu hết các hộ dân trong thôn đều phun thuốc diệt trừ sâu từ 2-3 đợt (mỗi đợt tiêu tốn khoảng 1 triệu đồng/ha), nhưng hễ lá non mọc lên thì sâu lại ồ ạt xuất hiện và ăn tiếp lá đến trơ trụi...".
Theo tường thuật của tờ Vietnamnet, tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, hàng trăm hộ dân như đang ngồi trên đống lửa. Trên cành, dưới đất của rừng thông lúc nhúc sâu róm, ai nhìn cũng ớn lạnh. Con nhỏ thì như đầu đũa, con lớn thì bằng ngón tay út. Hễ có mầm xanh nào của cây thông trồi lên là lũ sâu róm ăn sạch, nhìn hàng trăm héc ta thông không còn cái lá nào, vàng xơ xác khiến cả xã rơi nước mắt.
Một khu rừng thông ở thôn 2, xã Lâm Trạch bị sâu róm phá hoại. (Ảnh: Báo Quảng Bình)
Nguyễn Sỹ Hùng (thôn 2, xã Lâm Trạch) chia sẻ trên báo Nhân Dân, mỗi đợt phun thuốc cho một ha tốn cả triệu đồng chứ không ít. Đã vậy, cứ phun thuốc vào thì từ trên cao, sâu róm rớt như mưa, thấy mà phát ớn. Nhiều con bắn vào người về nhà tắn rửa hai lần mà không hết ngứa ngáy.
Dân bất lực trước tình trạng sâu róm ồ ạt tấn công rừng thông. (Ảnh: Nhân Dân)
Ông Nguyễn Sỹ Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch thông tin với báo giới, hiện phía xã đã báo cáo sự việc này lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch và các đơn vị nói trên đã cử người về phối hợp xử lý. Các đơn vị đã về kiểm tra tình hình, đồng thời hướng dẫn người dân phun thuốc. Tuy nhiên, sâu róm phát triển khá nhanh.
Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Quảng Bình Lê Xuân Tứ thừa nhận, việc đối phó với nạn sâu róm hại thông là vấn đề khó tại Quảng Bình trong nhiều năm nay.
Tháng 4/2014, hàng ngàn con sâu xanh tràn vào nhà người dân ở khu quy hoạch dân cư thuộc lô 90, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng. Sâu bám đầy cổng, tường, cửa nhà các hộ dân, tràn cả vào lớp học. Nhiều gia đình có con nhỏ phải đóng kín cửa suốt ngày.
Theo quan sát, loại sâu này có màu xám xanh, đầu hơi vàng, hai bên thân có sọc trắng, dài từ 3 - 5 cm. Theo kết luận ban đầu, đây là loại sâu muồng có tên khoa học Catopsilia pomona fabricius, thuộc họ bướm phấn (pieridae), bộ cánh vảy (lepidoptera). Chúng thường chỉ ăn lá của cây muồng hoa hường, còn lá các loại cây khác dường như chúng đụng đến. (Theo Người Lao Động)