Hàng trăm cựu SV "ngã ngửa" vì bị "đòi nợ" sau 2 năm ra trường

Thiên Di |

Hàng trăm cựu sinh viên Trường ĐH Lâm Nghiệp bức xúc phản ánh việc nhà trường gửi thư về nhà thông báo còn nợ học phí sau khi họ đã ra trường được 2 năm.

Không trả sẽ bị "xử lý theo quy định hiện hành"

Một sinh viên tên Th. khoa Quản lý đất đai K54 (ĐH Lâm Nghiệp) phản ánh: “Dù đã ra trường được 2 năm nhưng nhà trường vẫn "nghĩ ra" thêm được khoản gì đó 86.000 đồng để gửi giấy về gia đình của tôi”.

Th. đã ra trường từ tháng 7/2013 nhưng vừa qua, Th. "ngã ngửa" khi được bố mẹ thông báo Trường ĐH Lâm Nghiệp gửi thư về tận nhà thông báo còn nợ học phí là 86.000 đồng và yêu cầu nộp trước ngày 29/4/2015.

Hỏi bạn bè cùng khóa, Th. được biết họ cũng vừa nhận được thông báo của nhà trường gửi về nhà với nội dung hoàn thành học phí còn nợ.

Số tiền không lớn nhưng chúng tôi cảm thấy khó hiểu. Khóa tôi đã ra trường được 2 năm rồi và đã cam kết hoàn thành học phí trước khi lấy bằng nhưng đến giờ nhà trường vẫn nói nợ là sao?”, Th. băn khoăn.

Thông báo gửi về tận nhà yêu cầu sinh viên nộp học phí mặc dù đã ra trường được 2 năm.
Thông báo gửi về tận nhà yêu cầu sinh viên nộp học phí mặc dù đã ra trường được 2 năm.

Thắc mắc điều này, Th. gọi điện lên trường theo số ghi trong phong bì thư và nhận được câu trả lời từ phía nhà trường như sau: "Trong quá trình học, một số môn học phí đã tăng nhưng vẫn chưa cập nhật tại thời điểm ấy (thời điểm đang học).

Hiện nay soát lại thấy thiếu hụt nên nhà trường tính toán lại và gửi giấy về. Các em ra trường đi làm rồi khoản tiền đó cũng không đáng bao nhiêu nên cố gắng nộp trả lại".

Khi Th. hỏi lại tại sao không thông báo thì được người tiếp nhận điện thoại trả lời rằng: “Liên hệ phòng tài chính để rõ thêm”.

Cũng giống như trường hợp trên, H. (K54, ĐH Lâm Nghiệp) chia sẻ trên trang cá nhân: “Hôm 6/4, mẹ mình nói có giấy báo của trường VFU (ĐH Lâm Nghiệp) gửi về thông báo nợ 86.000 đồng học phí. Mình ra trường tận 2 năm rồi mà!".

Ban đầu, H. không tin nhưng liên hệ bạn bè cùng lớp, H.mới biết có bạn còn nợ nhiều hơn thế, từ 220.000 đồng đến 500.000 đồng…

Nội dung thông báo của H. như sau: “Nếu sau ngày 29/4/2015, sinh viên trên vẫn còn nợ học phí nhà trường thì sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Gia đình có thể nộp tiền còn nợ học phí cho sinh viên theo hình thức chuyển tiền vào tài khoản học phí của trường ĐH Lâm nghiệp”.

H. bức xúc nói: “Mình ra trường đúng hạn và đã lấy toàn bộ hồ sơ cá nhân, bằng tốt nghiệp cách đây gần 2 năm trước. Mà theo quy định nếu không hoàn thành học phí thì nhà trường không trả bằng.

Vì vậy, mình thấy việc thông báo nợ học phí là vô lý hết sức. Tuy nhiên, mình không hề nhận được lời giải thích rõ ràng từ phía nhà trường”.

Không nhầm lẫn, không có chuyện “lừa gạt” sinh viên

Khi PV liên hệ với nhà trường, một nhân viên phòng tài chính cho biết: “Tôi không biết rõ chuyện này” và xin phép cúp máy vì đang bận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu phó Trường ĐH Lâm Nghiệp xác nhận việc trường gửi thư về từng gia đình sinh viên cũ yêu cầu hoàn thành học phí còn thiếu.

Ông nói đó là những trường hợp chưa hoàn thành học phí của trường, kỳ cuối học môn bổ sung nhưng nộp còn thiếu nên yêu cầu hoàn thành khoảng vài chục hay vài trăm nghìn đồng.

Khi được hỏi liệu khoảng thời gian quá lâu (1 - 2 năm sau khi sinh viên tốt nghiệp) mới thông báo thiếu học phí thì có vô lý không, ông Tuấn khẳng định:

“Chúng tôi theo dõi trên toàn bộ hệ thống, sau khi nhà trường tổng kiểm kê học phí sinh viên còn nợ đọng, chúng tôi gửi giấy thông báo để các em thực hiện hết nghĩa vụ.

Tôi chẳng thấy vô lý gì cả, kể cả 10 năm thì chúng tôi vẫn đòi. Đúng ra là sinh viên nào chưa hoàn thành học phí thì không được cấp bằng nhưng chúng tôi đã nhân nhượng cho các em.

Chúng tôi cũng thương sinh viên, nhiều em có khó khăn nhất định nên nới lỏng cho các em nợ học phí 1 kỳ để tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập mà không lo lắng hay bị áp lực về việc học phí”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Hiệu phó Trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam (ảnh TTO).

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Hiệu phó Trường ĐH Lâm Nghiệp (ảnh: Tuổi Trẻ).

Ông cũng thừa nhận rằng, quản lý nhà trường có phần “thoáng” nên đã xảy ra tình trạng tồn đọng học phí sinh viên còn nợ.

Số lượng này chỉ xảy ra ở vài chục trường hợp chứ không phải toàn bộ sinh viên hai khóa K54, K55 (hai khóa ra trường từ 1 - 2 năm).

Vị lãnh đạo này cũng khẳng định không có chuyện “lừa gạt” hay “nhầm lẫn” tính toán học phí để “đòi nợ” cựu sinh viên như phản ánh.

“Do các em điều chỉnh quy trình học kỳ cuối, có nhiều trường hợp đã đăng ký làm khóa luận nhưng giữa chừng đổi sang đăng ký môn 10 tín chỉ bổ sung thay thế nên chúng tôi chưa cập nhật tính học phí tín chỉ.

Còn nếu sinh viên phản ánh, chúng tôi sẽ chứng minh chi tiết từng tín chỉ đóng bao nhiêu tiền một cách minh bạch, rõ ràng.

Từ khóa K53, chúng tôi chuyển sang đào tạo tín chỉ nên việc nộp học phí không theo học kỳ, tháng như niên chế mà theo tín chỉ nên quản lý khó. Nhưng giờ thì không vấn đề gì”, vị hiệu phó này cho biết.

Ông Tuấn cũng thừa nhận: “Chúng tôi quản lý lỏng lẻo quá. Đó là cái cần phải rút kinh nghiệm ở những khóa sau. Đợt vừa rồi, chúng tôi đã kiểm tra chặt chẽ hơn, dứt khoát không nhân nhượng, nếu còn nợ học phí thì không xét tốt nghiệp”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại