Tự tử vì mắc bệnh hiểm nghèo
Trời nắng như đổ lửa, căn phòng chật hẹp của vị Đội trưởng đội Điều tra tội phạm trật tự xã hội (PC45)- Công an quận Lê Chân, TP.Hải Phòng lại càng trở nên ngột ngạt với mớ án từ mà ông và các đồng nghiệp đang điều tra dang dở.
Trò chuyện với PV, Thượng tá Cao Văn Hùng- Đội trưởng trầm tư: "Thời gian gần đây, trên địa bàn quận liên tiếp xảy ra các vụ tự tử khiến các điều tra viên của chúng tôi phải dày công thu thập chứng cứ, nhân chứng... để đưa ra kết luận vụ án. Trong số đó, có vụ án, ban đầu giả thiết được đặt ra là nạn nhân bị chính tình nhân của mình sát hại.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, mới dần lộ rõ chân tướng sự thật. Người phụ nữ tự sát là do mắc bệnh ung thư phổi, không muốn người thân biết, lo lắng".
Theo lời kể của một điều tra viên, ngày 31/3/2013, khi nhận được tin báo về việc người đàn ông tên Phạm Văn T. (SN 1964) chết tại nhà riêng ở 12/196 Tô Hiệu - Trại Cau - Lê Chân (Hải Phòng) không rõ nguyên nhân trong tư thế treo cổ, điều tra viên của đội đã tức tốc đến hiện trường. Nhiều giả thuyết được đặt ra xung quanh cái chết của người đàn ông này như: Mâu thuẫn tình cảm gia đình, nợ nần hoặc bị người khác sát hại, nhưng dựng hiện trường là vụ tự tử...
Kết quả khám nghiệm tử thi, hiện trường vụ việc cho thấy, ông T. tử vong hồi 21h30' ngày 30/3/2013 do treo cổ. Trong quá trình thu thập lời khai của người thân trong gia đình, công an quận Lê Chân được cung cấp một tài liệu quan trọng nhằm "giải mã" cái chết bí ẩn của ông T.
Trước khi tìm đến cái chết, ông T. đã viết thư tuyệt mệnh để lại cho con cháu. Qua tìm hiểu, PV được biết, trong lá thư tuyệt mệnh ông T. căn dặn người nhà không làm ồn ào sau khi ông mất. Trong lá thư gửi người thân, ông T. nói rõ nguyên nhân tìm đến cái chết là do bị bệnh hiểm nghèo kéo dài, dẫn đến buồn chán, nên ông quyết định tìm đến cái chết để giải thoát bản thân và không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình.
Vị điều tra viên này cho biết thêm, cái chết của ông T. chưa tạm lắng thì sau đó ít ngày, trên địa bàn quận Lê Chân lại xảy ra một vụ tự tử khác, nạn nhân cũng trong tư thế treo cổ. Vụ án xảy ra khiến dư luận đặc biệt quan tâm, bởi người xấu số là một thiếu phụ nhan sắc, nổi tiếng với giọng hát chèo mượt mà.
Những ngày cuối tháng 4, các hộ dân cư trong ngõ 266 đường Trần Nguyên Hãn (phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, Hải Phòng) xôn xao bàn tán vì một mùi lạ rất khó chịu, không khí ngột ngạt. Sau nhiều ngày tìm kiếm, mọi người bó tay và nghĩ rằng đó là mùi chuột chết. Lúc ấy, không ai chú ý đến ngôi nhà số 34 của bà H.
Một phần vì bấy lâu nay thiếu phụ này thường có một vị khách nam bí ẩn đến chơi, hàng xóm cũng ngại tiếp xúc. Hơn nữa dù có gọi cửa, nhà khóa trong mà không thấy ai ra mở nên nghĩ hoặc bà H. đang có khách hoặc đi vắng. Chỉ đến ngày 28/4, khi vị khách Nguyễn Văn P. (Văn Chương, Hà Nội) đến nhà bà Bùi Thị H. (47 tuổi) chơi, mới phát hiện thi thể bạn gái treo lơ lửng.
“Mở khoá” để hiểu những nỗi đau sâu kín
"Nạn nhân chết một mình trong căn nhà, sau 6 ngày mới được phát hiện. Tư thế chết không giống ai càng làm cái chết thêm bí ẩn, khiến các điều tra viên đau đầu. Mọi chuyện chỉ kết thúc khi ông P. đến thăm, gọi cửa mãi không thấy, trèo cổng vào, ghé mắt nhìn qua lỗ cửa thì phát hiện thi thể treo lơ lửng trong nhà. Điều khiến chúng tôi đau đầu tranh cãi, là tại hiện trường, thi thể người xấu số ở tư thế khá kỳ lạ: Chân đã bị trói, sao vẫn có thể tự tròng đầu vào thòng lọng?.
Ngoài bất thường đó, không có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ đã có án mạng xảy ra. Sau đó, thi thể nạn nhân được đưa lên nhà xác bệnh viện phục vụ khám nghiệm tử thi và điều tra. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân bị ngạt thở, không có dấu hiệu của ngoại lực tác động, nên nghi vấn nạn nhân bị hãm hại là không đủ cơ sở", Thượng tá Hùng nói.
Theo lời kể của điều tra viên, phía gia đình thiếu phụ, mọi người dù rất đau xót, nhưng cũng không tìm thấy điểm đáng nghi nào. Một vài người hàng xóm cho biết, cách đây hai năm bà H. đã có lần tâm sự rằng bà mắc bệnh ung thư vú giai đoạn đầu và trong vòng hai tuần trước khi xảy ra sự việc, bà H. có vẻ buồn buồn bất thường.
Theo lời đánh giá của nhiều người, một năm trở lại đây, ông P. là người thường xuyên qua lại căn nhà này, hai người sống với nhau như vợ chồng. Ông P. vẫn đi làm ở Hà Nội và về thăm bà H. thường xuyên. Nhiều lần người dân thấy hai người chở nhau đi ra từ trong hẻm, vừa đi vừa cười nói rất tình cảm. Người đàn ông này sau khi phát hiện xác bạn gái, đã có mặt tại cơ quan công an để trả lời mọi vấn đề liên quan.
Căn nhà nơi xảy ra vụ việc là nhà riêng của bà H. Bà và chồng đã ly hôn từ năm 2002. Chồng bà là Việt kiều Đức. Hai người con trai của bà đều không ở cùng mẹ, một người ở cùng bố, một người học xa nhà. Sau cái chết của mẹ, hai người con trai thay phiên nhau đến căn nhà để thu dọn, lo hương khói.
Cả hai đều khá mệt mỏi và đau buồn trước sự ra đi bất ngờ, đầy đau đớn của mẹ. Sau vụ án, từ ngoài nhìn vào, căn nhà như nỗi ám ảnh với những người xung quanh. Khi được hỏi thăm về cái chết của mẹ, hai người con trai đều lảng tránh, chỉ nói ngắn gọn mẹ mình trước khi chết không được khỏe.
Cái chết không phải lối thoát!
Nhìn lại các vụ tự tử trên, Thượng tá Cao Văn Hùng nhận định: Hầu hết các ca tự sát như thế này rất khó xác định trước. Nguyên nhân tự tử thường bắt nguồn từ những bất đồng trong cuộc sống, bế tắc, những mâu thuẫn nội tại không được tư vấn kịp thời, do khó khăn kinh tế hay bất mãn. Cũng có những trường hợp bi quan, nghĩ quẩn vì mắc bệnh hiểm nghèo... Để lý giải về nguyên nhân vì đâu họ tìm đến cái chết thì khó có thể định lượng được.
Có nhiều trường hợp, họ đã không còn tìm ra được cách giải quyết cho vấn đề mà mình gặp phải. Có những lúc, cô đơn và mệt mỏi đến nỗi muốn buông xuôi tất cả. Họ nhìn mọi người xung quanh có việc làm ổn định, có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc nên nghĩ, chắc mình sẽ chẳng bao giờ làm được chuyện gì cả.
Những bế tắc của bản thân, họ không tự giải quyết được. Họ nghĩ, căn bệnh của mình trước sau cũng phải nhận "án tử"... nên chết là hết?! Thế nhưng, mọi bế tắc không chỉ có một con đường là tự tìm đến cái chết. Bởi nỗi đau đằng sau mỗi vụ án tự tử thực sự lại là một "bản án" dành cho người đang sống.
TS. tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng, số vụ tự tử xảy ra thời gian qua (trên phạm vi cả nước-PV) liên quan đến các vấn đề tâm lý cao nhất, so với các nguyên nhân khác, mà các nguyên nhân còn lại cũng ít nhiều liên quan đến yếu tố tinh thần như: Sức ép trong công việc và gia đình, suy sụp vì bệnh tật, khó khăn kinh tế, đã làm cho họ bế tắc về tâm lý và tìm đến cái chết để giải thoát.
Thực tế, tự tử được xem là một vấn nạn mang tính xã hội khiến nhiều nước trên thế giới cũng rất đau đầu tìm cách giải quyết. Bất lực của bản thân là trạng thái mà rất nhiều người trong chúng ta gặp phải.
Những khó khăn trong cuộc sống, những tiêu cực đọng lại, tất cả làm cho chúng ta có cảm giác mình không còn chút sức lực nào để cố gắng và bước tiếp con đường đã chọn. Nhưng mọi bế tắc đều có cách giải quyết và cái chết không phải là lối thoát!
Theo các chuyên gia tâm lý, chính vì những bế tắc không được giải tỏa kịp thời nên họ thêm mặc cảm, quanh quẩn với những suy nghĩ bi quan, dẫn đến hành động đáng tiếc.
Biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nạn tự sát, theo các chuyên gia, là nâng cao trình độ dân trí cũng như đời sống của người dân. Những mâu thuẫn gia đình, bệnh tật, nghèo đói, cần được các tổ chức, đoàn thể tại địa bàn kịp thời tư vấn, giúp đỡ.