Hiện nay, các bãi đỗ xe đang được khai thác ở thủ đô mới đáp ứng được 8% nhu cầu của người dân khiến ôtô, xe máy phải đỗ tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường gây cản trở và ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Để giảm ùn tắc, Hà Nội đưa ra hàng loạt giải pháp như điều chỉnh giờ học giờ làm, cấm trông giữ xe trên hàng trăm tuyến phố... Tuy nhiên, giải pháp mấu chốt nhất là quy hoạch và xây dựng những bãi đỗ xe công cộng thì từ nhiều năm nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Nhiều khu đất được quy hoạch làm bãi xe hiện bị biến thành trung tâm thương mại, trụ sở... càng khiến ùn tắc gia tăng.
Một trong những bãi đỗ xe hiếm hoi của Hà Nội được xây dựng năm 2003 nay lại biến thành trụ sở của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Phương Sơn.
Năm 2003, Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội từng được giao lập 9 dự án trông giữ xe bằng vốn ngân sách, với tổng diện tích 42 ha. Nhưng 3 năm sau, khi thành phố có chủ trương xã hội hóa công tác đầu tư điểm đỗ, 9 dự án này được chuyển giao cho các chủ đầu tư khác.
Trên thực tế chủ trương xã hội hóa đã bị bóp méo, nhiều dự án bãi đỗ xe bị sử dụng sai mục đích. Đơn cử, điểm đỗ Gia Thụy rộng 10 ha ở phường Gia Thụy (quận Long Biên) nay đã trở thành trung tâm thương mại Savico Megamall sầm uất.
Bãi xe Kim Ngưu rộng 2 ha hiện trở thành điểm buôn bán sắt thép và trạm trung chuyển hàng nông sản của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Chỉ một phần nhỏ diện tích được sử dụng làm bãi đỗ xe.
Vốn được quy hoạch, làm bãi đỗ xe tuy nhiên tòa nhà 3 tầng trên đầu phố Phan Kế Bính, biến thành những của hàng kinh doanh xe máy, quần áo và làm quán cà phê. Ảnh: Phương Sơn
Năm 2007, UBND TP Hà Nội cho phép cống hóa mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình) để làm bãi đỗ xe công cộng theo phương thức xã hội hóa. Sau khi hoàn thành, tòa nhà 3 tầng rộng hàng nghìn m2 nằm ở vị trí bắt mắt này đã bị biến thành khu bán xe máy, quán cà phê, shop thời trang... với giá thuê mỗi m2 lên tới hàng chục đôla một tháng. Trong khi khu vực trông giữ xe thì chẳng thấy đâu.
Anh Trần Văn Xuân (phố Phan Kế Bính) bức xúc: "Thành phố quy hoạch xây bãi để xe nhưng xây xong không thấy phục vụ người dân mà chỉ thấy quán cà phê, quần áo, khiến con phố vốn đã lộn xộn nay lại thành điểm ùn tắc".
Tương tự, UBND TP Hà Nội thu hồi hơn 6.500 m2 đất để xây bãi đỗ xe Sông Hồng (68 đường Lê Văn Lương). Công trình này khánh thành được 2 năm nhưng diện tích để làm điểm trông giữ ôtô, xe máy chỉ được xây 2 tầng rộng khoảng 200 m2 nằm gọn tại một góc tiếp giáp với đường Khuất Duy Tiến. Phần diện tích còn lại giờ trở thành chuỗi văn phòng, cửa hàng kinh doanh ôtô, xe máy...
Phần lớn diện tích tại bãi đỗ xe Sông Hồng 86 Lê Văn Lương trở thành văn phòng, ngân hàng, điểm kinh doanh ôtô, xe máy. Ảnh: Phương Sơn.
Ngay tại trung tâm thủ đô vốn luôn đông đúc, nhiều khu đất "vàng" vốn được quy hoạch làm điểm đỗ cũng trở thành văn phòng và chung cư. Điển hình, lô đất gần 1.500 m2 tại ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Bài đang được xây dựng thành tòa văn phòng, nhà ở cao cấp. Điểm đỗ xe Thái Phiên rộng 3.500 m2 nay trở thành trung tâm thương mại, chung cư cao cấp Vincom 2...
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, theo quy hoạch, điểm đỗ Thái Phiên sẽ có một gara cao 9 tầng song thành phố lại điều chỉnh, cho phép xây dựng tòa nhà Vincom2. Do đó, việc thiếu điểm đỗ xe và ùn tắc xung quanh khu Vincom là tất yếu.
Theo Bá Đô - Đoàn Loan
VNE