Việc sinh viên năm thứ 3 mở cửa thoát hiểm khiến chuyến bay bị chậm 2 giờ hôm 6/11 vừa qua đang gây bức xúc trong dư luận về việc chấp hành quy định an toàn bay của hãng hàng không. Mức phạt 15-20 triệu đồng được coi là khá nặng đối với một sinh viên nhưng rất nhỏ so với số tiền 10.000 USD mà hãng vận chuyển phải bỏ ra để khắc phục sự cố.
Một lãnh đạo cấp cao thuộc Cảng hàng không Tân Sơn Nhất kể, thời gian gần đây ông đã phải ký không ít văn bản đề nghị xử lý đối với hành khách đi máy bay. Phổ biến nhất vẫn là hành vi "nói đùa có bom trên máy bay", "mở cửa thoát hiểm", thậm chí là sử dụng điện thoại di động hoặc latop khi máy bay đang lăn ra đường băng để cất cánh.
Hàng không lo đối phó với hành khách táy máy.
"Tất cả những sự cố nhỏ như vậy đều ảnh hưởng đến lịch trình đi lại của hành khách. Chuyến bay bị hoãn lại để xử lý còn hành khách thì phàn nàn nhà bay chậm chuyến", ông nói.
Trên thực tế, lâu nay, hành khách thường chú ý nhiều đến việc hãng vận chuyển gây khó khăn, thiếu chu đáo, chậm giờ bay, hoãn chuyến không báo trước... ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Thế nhưng, ít hành khách biết rằng lịch trình bay bị xáo trộn đôi khi nguyên nhân xuất phát từ chính họ.
Chẳng hạn chuyến bay mang mã hiệu VN1316 của Vietnam Airline chở theo 180 hành khách từ TP HCM đi Đà Nẵng hồi tháng 5/2011 đã phải hoãn gần 3 giờ vì một hành khách nói đùa cô bạn đi cùng có bom trong hành lý. Hành khách này sau đó bị phạt 15 triệu đồng nhưng nhà vận chuyển phải tốn tới vài trăm triệu đồng khi phải hoãn bay, sơ tán hành khách về nhà ga, đồng thời huy động lực lượng an ninh ra làm nhiệm vụ soi chiếu bom mìn.
Trước đó 3 ngày, một hành khách mang quốc tịch Australia đã bị trói tay vào ghế trên máy bay do anh này say rượu đã không làm chủ được mình, hành hung khách ngồi bên cạnh. Thậm chí, vị khách này còn đánh cả tiếp viên chuyến bay.
Một đại diện của Hãng Jetstar Pacific cho biết trên máy bay phi hành đoàn đều thực hiện việc thông báo yêu cầu hành khách tắt các thiết bị điện tử mang theo để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, vẫn có hành khách không tắt điện thoại, khi máy bay chuẩn bị cất cánh còn nói chuyện oang oang. Khi bị tiếp viên nhắc nhở hành khách còn lên giọng chửi bới, thậm chí văng tục rất khó nghe. Cách đây vài tháng, Vietnam Airlines từng phải "mời" một hành khách xuống máy bay do anh này vô tư điện thoại khi máy bay chuẩn bị cất cánh.
Jetstar Pacific không ít lần phải từ chối vận chuyển đối với hành khách say khướt khi lên máy bay và không nhớ nổi số ghế của mình.
Trên nhiều chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines, việc hành khách quá chén, say khướt đánh nhau trên máy bay cũng không còn là chuyện hiếm.
Khi sự cố xảy ra, đa số ý kiến nói rằng nên xử lý nghiêm đối với những hành khách thiếu ý thức, coi thường vấn đề an ninh an toàn. Tuy nhiên, không ít ý kiến đặt vấn đề rằng hành khách vi phạm quy định phải chăng xuất phát từ việc hãng vận chuyển chưa tuyên truyền, hướng dẫn đến nơi đến trốn.
Tuy nhiên, anh Hoàng - một doanh nhân thường xuyên tham gia các chuyến bay trong nước và quốc tế cho rằng rất nhiều người đi máy bay đã không chú ý đến hướng dẫn của tiếp viên.
Anh Hoàng dẫn chứng chuyến bay mang mã hiệu VN535 của Vietnam Airlines gặp sự cố nhiễu động thời tiết hồi tháng 10/2010 khiến 18 hành khách bị thương nhẹ. Cả 18 vị khách này khi kiểm tra đều là những người không thắt dây an toàn khi bay dẫn tới bị thương khi va đập.
Nguồn tin từ Vietnam Airilines - hãng gặp nhiều sự cố nhất với hành khách "quậy", cho biết đơn vị này đã tăng cường hướng dẫn cho khách hàng khi lên máy bay, đồng thời có các cảnh báo về những điều không được làm trên chuyến bay nhưng hiện tượng vi phạm của một số ít hành khách vẫn tiếp diễn. "Chúng tôi cũng rất đau đầu về vấn đề này bởi thiệt hại của hãng thường lớn hơn nhiều so với mức xử phạt hành khách. Hãng chúng tôi cũng không muốn điều đó xảy nhưng chưa tìm ra cách hạn chế hiệu quả nhất", một đại diện của hãng này chia sẻ.
Theo Hồng Anh
VNE