Hàng Đào – Con đường tơ lụa giữa kinh thành Thăng Long

Theo VOV |

Hàng Đào con đường tơ lụa trung tâm buôn bán tấp nập giữa kinh thành Thăng Long, cái nôi của văn hóa và phong trào yêu nước chống Pháp của dân tộc ta.

Hàng Đào nằm ở phía Bắc Hồ Hoàn Kiếm, phố dài khoảng 260m, kéo dài theo hướng Bắc - Nam, được coi là trục chính của 36 phố phường Hà Nội. Phía Nam Hàng Đào tiếp giáp với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phía Bắc nối phố Hàng Ngang.

 

Cảnh mua bán thường thấy trên phố Hàng Đào

Hàng Đào cũng như bao con phố khác trong khu phố cổ, tên gọi của phố cũng mang trong mình ý nghĩa lịch sử gắn liền với 1 thời kỳ phát triển của riêng nó.

Phố Hàng Đào đã có từ lâu đời. Tại Hoa Lư xưa cũng đã có phường Hàng Đào. Phố Hàng Đào tại thành Thăng Long xưa thuộc phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương đời Hậu Lê.

Phố mang tên gọi Hàng Đào, bởi xưa kia, phố chuyên bán các loại vải nhuộm hồng, nhuộm đỏ cùng những màu khác xen lẫn.

Thời kỳ thế kỷ 15, 16 người dân ở nhiều nơi, đặc biệt từ Đan Loan Hải Dương, tới Hà Nội đã lập nên phường Đại Lợi chuyên nghề nhuộm tơ lụa. Hàng Đào lúc bấy giờ trở thành 1 trung tâm tơ lụa sầm uất của kinh thành Thăng Long, mà trong tác phẩm Dư địa chí từ thế kỷ 15, Nguyễn Trãi ghi: “Phường Hàng Đào nhuộm điều”.

Về sau này nghề nhuộm màu chuyển dần sang phố Cầu Gỗ, Hàng Đào trở thành phố chuyên bán các loại hàng tấm tơ lụa, lượt, là, đũi, sa, xuyến…

Cũ – mới song hành

Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Khi đó dọc phố có lắp đặt đường ray tàu điện bánh sắt chạy từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vườn hoa Hàng Đậu. Ngày nay đường ray tàu điện không còn nữa.

Thời kỳ sau Thế chiến thứ nhất (1914-1918), phố Hàng Đào bắt đầu mang dáng dấp của một con phố hiện đại. Người Ấn ở các thành phố thuộc Pháp trên đất Ấn Độ đã đến đây mở cửa hàng vải ka ki, cát bá trắng…

Cửa hàng lưu niệm với nhiều mặt hàng thủ công truyền thống giữa phố

Quần áo là mặt hàng kinh doanh chủ yếu

Xưa nhiều cửa hàng lớn buôn bán các loại tơ lụa, nay nhiều loại mặt hàng xuất hiện dọc 2 dãy phố

Quãng thời gian những năm 1925, vải Tây thắng thế, quá nửa phố cho thuê bán loại hàng này, khiến hàng truyền thống vắng hẳn. Dần dần, phố không còn bán vải nhuộm màu nữa mà thay vào đó là các mặt hàng cao cấp, xa xỉ.

Đến năm 1930, hàng loạt các cửa hàng tạp hóa bán đồ hiệu sang trọng của Pháp bắt đầu xuất hiện khắp các con phố như nước hoa, mỹ phẩm, mũ dạ, mùi xoa...

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thuc nơi nhuộm máu đào các chí sỹ, anh hùng yêu nước 1 thời…

Về lịch sử cách mạng, Hàng Đào nằm ở trung tâm mua bán tấp nập, nhưng phố lại được coi là cái nôi của văn hóa và phong trào yêu nước chống Pháp.

Năm 1907 tại ngôi nhà số 10, cụ Lương Văn Can cùng các sĩ phu yêu nước đã lập nên phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, nhằm thực hiện cải cách xã hội Việt Nam dưới thời thuộc Pháp.

Mục đích của phong trào là khai trí cho dân qua những lớp học không lấy tiền và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động trong dân chúng.

Tuy nhiên sau đó phong trào đã bị thực dân Pháp đàn áp, cụ Lương Văn Can đã bị đày đi Côn Đảo, con trai cụ là Lương Ngọc Quyến cũng hi sinh anh dũng trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917.

Đình Đồng Lạc số 38, nay là trụ sở ban quản lý phố cổ Hà Nội

Đình bị lấn chiếm phần lớn, nay đã tu bổ nhiều đổi khác so với hình dánh xưa cũ

Ngày nay trên phố Hàng Đào còn vết tích Đình Hoa Lộc Thị ở số 90A, nguyên là ngôi đình của những người làng Đan Loan thờ vọng thành hoàng làng Đan Loan là Triệu Xương và phu nhân Phương Dung, và ông tổ nghề nhuộm vải xưa.

Dọc phố còn có Miếu Đồng Lạc số nhà 31, Đình Đồng Lạc ở số nhà 38 thờ các vị thần trong Tứ trấn của Thăng Long Hà Nội thần Bạch Mã trấn phía Đông, Linh Lang vị thần trấn phía Tây, Cao Sơn vị thần núi non trấn phía Nam kinh thành xưa.

Một di tích quan trọng nằm ở số nhà 10 là trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nơi khởi nguồn phong trào yêu nước gây được tiếng vang lớn thời Pháp thuộc.

Hàng rong cuộc sống mưu sinh giữa phố phường tấp nập

Nét rêu phong phố cổ Hà Nội

Ngày nay diện mạo của phố cổ Hàng Đào đã thay đổi nhiều. Phố vẫn đóng vai trò là trung tâm buôn bán chính, sầm uất, đông đúc nhất Hà Nội. Hàng Đào nay chuyên bán quần áo, sản phẩm du lịch, tiêu dùng như: kim hoàn, thời trang, đồng hồ… phục vụ du khách và người dân Thủ đô.

Bên trong cửa hàng đồng hồ 77 Hàng Đào với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng

Những cửa hiệu trên phố Hàng Đào thời Pháp thuộc

Đóng hàng buôn cho khách tỉnh xa

Những hàng quà vặt rất đắt khách trong phố cổ

Nét xưa cũ lưu giữ trên 1 đoạn phố Hàng Đào

Hàng hóa đổ về phố, chuẩn bị chợ tết cuối năm…

Hàng Đào cuộc sống thường ngày

Hàng Đào nằm trong tuyến phố đi bộ Chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân họp chợ vào các đên thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, bán nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, một số đặc sản của Hà Nội… tạo nên một nét văn hóa mới của Thủ đô, thu hút được sự quan tâm của nhân dân thủ đô và du khách đến Hà Nội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại