Hiện nay, tình hình người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp đang là vấn đề búc xúc tại Hàn Quốc, làm đau đầu cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách lao động và quản lý người nước ngoài. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Theo thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc, có gần 8.800 người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử. Nghiêm trọng hơn là tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng tăng lên trong thời gian gần đây.
Ngành xuất khẩu lao động đứng trước nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc.(Ảnh minh họa: Internet)
Cùng đó, người lao động Việt Nam cũng bị phía Hàn Quốc xếp vào tốp dẫn đầu so với các nước khác về yêu cầu đòi chuyển đổi chỗ làm việc với các lý do không chính đáng. Một bộ phận người lao động ta chưa có ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, kỹ năng giao tiếp tiếng Hàn còn nhiều hạn chế.
Đây là nguyên nhân khiến Hàn Quốc đã áp dụng việc tạm dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang quốc gia này. Ngành xuất khẩu lao động Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ đánh mất thị trường Hàn Quốc, một thua thiệt lớn cho nguồn lao động nội địa của ta.
Những năm trước đây, nhận được sự đánh đánh giá cao của chủ sử dụng lao động về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo, số lượng người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao chọn luôn dẫn đầu so với lao động của 14 quốc gia phái cử khác. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2011 đến nay, tại một số công ty đã có nhiều người lao động Việt Nam chuyển việc, xu hướng tuyển dụng lao động Việt Nam đang có dấu hiệu giảm dần, chủ sử dụng lao động chuyển sang lựa chọn người lao động của các quốc gia khác.
Theo Dân Trí