Về hiện tượng này, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM (đơn vị đại diện UBND TP làm chủ đầu tư công trình) cho biết sẽ kiểm tra và có câu trả lời trong thời gian sớm nhất.
Mới đưa vào sử dụng 9 tháng, hầm Thủ Thiêm đã bắt đầu duy tu và xuất hiện các vết trám (ảnh góc phải, phía trên) khiến nhiều người nghi vấn nhà thầu đang khắc phục tình trạng rạn nứt, thấm nước
Hầm Thủ Thiêm là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án Đại lộ Đông- Tây, phần chính gồm có 4 đốt hầm dìm. Mặt cắt ngang hầm rộng 33,3 m bao gồm hai hướng lưu thông với 3 làn xe mỗi bên.
Giữa năm 2008, ngay khi được đúc xong, cả 4 đốt hầm dìm đều xuất hiện nhiều vết rạn nứt kéo dài 2m- 3m ở hai vách và nắp hầm. Sau thời gian dài kiểm tra và tìm biện pháp khắc phục, đến tháng 6/2009, công tác sửa chữa các vết nứt được tiến hành và hoàn tất vào tháng 9/2009. Tháng 12/2009, Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra thông qua, cho phép đơn vị thi công tiếp tục công đoạn bơm nước kiểm tra thả nổi, chống thấm.
Đến ngày 7/3/2010, đốt hầm đầu tiên được lai dắt từ bãi đúc ra vị trí dìm và đánh chìm xuống đáy sông. Trong thời gian từ tháng 3/2010- 6/2010, cả 4 đốt hầm lần lượt được dìm xuống đáy sông. Trong thời gian này, hầm Thủ Thiêm tiếp tục bị phát hiện có dấu hiệu thấm nước.
Ngày 28/4/2010, báo cáo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho biết, hai đốt hầm số 1 và số 2 dưới đáy sông đã xuất hiện hiện tượng thấm cục bộ nhìn thấy bằng mắt thường tại 1 số vị trí (thời điểm đó chỉ mới có 2 đốt hầm được dìm). Đến ngày 28/5/2010, sau khi hoàn tất công tác dìm đốt hầm số 3, đơn vị tư vấn giám sát công trình hầm Thủ Thiêm (Oriental Consultalts) cho biết, đốt hầm dìm số 3 cũng bị thấm nước tại 109 vị trí. Tuy nhiên, theo đơn vị tư vấn giám sát thì tình trạng thấm này trong giới hạn cho phép.
Các vết trám khắc phục rạn nứt, thấm nước trong giai đoạn hoàn thành hầm Thủ Thiêm (ảnh chụp tháng 8/2011)
Cũng kể từ đó, việc thi công hầm Thủ Thiêm được giới hạn tiếp cận nghiêm ngặt, các cơ quan báo chí chỉ có thể vào hầm trong các dịp lễ quan trọng như hợp long đốt cuối cùng, theo các đoàn tham quan khi chuẩn bị khánh thành hầm dìm… Trong các đợt tham quan này, PV cũng phát hiện nhiều vị trí rạn nứt được xử lý bằng cách trám keo nhưng chưa có dấu hiệu thấm nước.
Đến ngày 18/11/2011, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước kết luận hầm Thủ Thiêm đủ tiêu chuẩn để khánh thành và đưa vào khai thác giao thông. Ngày 19/11/2011, 1 ngày trước khi hầm Thủ Thiêm được khánh thành, các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát công trình này cùng tổ chức buổi họp báo khẳng định hầm Thủ Thiêm đã hoàn toàn hết thấm nước.
Theo đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu đã sửa chữa các vết rạn nứt, thấm nước bằng cách tận dụng cơ chế tự hàn gắn của bê tông, dùng PU hoặc dung dịch keo Epoxy bơm vào theo phương pháp bơm cao áp và phủ một lớp vật liệu hàn gắn Epoxy. Đến thời điểm thông hầm,hầm Thủ Thiêm hoàn toàn khô ráo, không còn 1 giọt nước.
Tuy nhiên, sau đúng 9 tháng đưa vào khai thác, Sở Giao thông Vận tải TPHCM thông báo sẽ bắt đầu duy tu, bảo dưỡng định kỳ hầm Thủ Thiêm trong thời gian từ ngày 21/7/2012- 24/8/2012. Trong thời gian bảo dưỡng này thì các cơ quan truyền thông phát hiện các vết trám trét nói trên.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 19/11/2011, đại diện đơn vị tư vấn giám sát cho biết là việc thấm nước tại các công trình hầm dìm vượt sông, vượt biển là chuyện bình thường nếu nằm trong giới hạn cho phép (5ml/m2/giờ). Tuy nhiên, nếu công trình tiếp tục thấm, nứt trong thời gian sử dụng sẽ khiến nhiều người lo ngại về tính an toàn khi lưu thông qua hầm. Do đó, cần 1 lời giải thích thỏa đáng từ cơ quan quản lý cho người dân yên tâm khi sử dụng hầm Thủ Thiêm.