Chúng tôi gặp ông ông Phạm Ngọc Sơn và bà Chu Thị Mận tại Ủy ban nhân dân phường Điện Biên (Q. Ba Đình, Hà Nội) khi ông bà được mời lên để vận động vào trung tâm bảo trợ xã hội 1 an dưỡng. Tuy nhiên, đáp lại tấm chân tình đó, hai ông bà một mực từ chối vào trung tâm với lý do: “Chúng tôi còn khỏe, còn tự làm tự ăn được. Giờ vào đó chỉ mang gánh nặng cho nhà nước".
Đó là hoàn cảnh của hai vợ chồng ông Phạm Ngọc Sơn (83 tuổi), bà Chu Thị Mận (74 tuổi) hiện đang trú ngụ trong túp lều chưa đầy 2m2, được chắp vá từ những mảnh bạt không còn lành lặn, nằm cạnh đường tàu (đoạn giao cắt giữa đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Thái Học).
Ký ức của hai con người đau khổ
Hai hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung một số phận bất hạnh, trước khi dọn về ở với nhau, cả ông Sơn và bà Mận đều đã từng có gia đình riêng. Nhưng số phận trớ trêu đã không cho ông bà được sống trọn đời với gia đình như bao người khác.
Theo lời kể của bà Mận, bà quê ở xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Bà là người con gái duy nhất trong gia đình có ba anh em. Vì cái nghèo nên ba anh em không được học hành, quanh năm kiếm sống bằng nghề mò cua bắt ốc.
Năm 18 tuổi, bà được gả cho một trai làng. Chồng bà là con mẹ kế nên hai vợ chồng thường xuyên bị gia đình ghẻ lạnh. Lấy nhau được 2 năm thì ông nhà đi bộ đội. Kể từ đó, cuộc sống của bà càng trở nên nghiệt ngã. Xa chồng, một mình bà phải cáng đáng vừa phận dâu, vừa thay chồng chăm sóc, vun vén gia đình.
Tuy nhiên, vì không có của hồi môn nên hai bà mẹ hợp lực lại chửi bới, đánh đập bà. Không thể chịu đựng thêm được nữa, bà nuốt nước mắt, thu dọn đồ bỏ về sống cùng mẹ chờ ngày chồng xuất ngũ. Sau đó, bà xin lên nông trường chè Hoàng Liên Sơn ở Lào Cai làm công nhân.
Từ khi rời bỏ nhà chồng thậm chí khi hay tin chồng hy sinh nơi chiến trường, bà chưa một lần quay trở về ngôi nhà đó.
Làm công nhân chè được 3 năm, vì một số nguyên nhân bà lại dạt lên Hà Nội sống bằng nghề mò cua bắt ốc ở Hồ Tây. Hàng ngày, ngoài việc mò cua, bắt ốc bà còn tranh thủ quét rác ở khu vực cửa Nam. Tối về lại trải manh chiếu rách ngả lưng tại đây sau một ngày vất vả.
Tay mân mê chén nước chè còn ấm, bà Mận tiếp lời, bà quen ông Phạm Ngọc Sơn cũng rất tình cờ. Ông Sơn vốn là một người lính, đi bộ đội từ năm 1949, đến năm 1983 ông xuất ngũ trở về với những mảnh đạn còn găm trên đầu.
Gần 34 năm cống hiến cho cách mạng, gian khổ nào cũng từng trải, kẻ thù nào cũng từng đối mặt nhưng chưa một lần ông chịu khuất phục. Ấy vậy mà, người đàn ông đó đã phải nhắm mắt, ký vào đơn xin ly dị khi biết tin vợ ông ở nhà có người khác.
Quá đau khổ vì chuyện gia đình, vết thương của ông tái phát ngày càng nặng. Ông được chuyển lên Hà Nội điều trị bệnh rồi ở lại làm nhân viên gác chắn tàu từ đó.
Rổ rá cạp lại
Bản thân ông Sơn làm nhân viên gác chắn tàu lương cũng chỉ 900 nghìn/tháng. Những ngày không phải gác tàu, ông lại ra đường Lê Duẩn theo dõi tình hình an ninh trật tự, số tiền phụ cấp hàng tháng cũng được 300 nghìn.
Tình cờ biết đến hoàn cảnh của bà Mận, thương cảm trước hoàn cảnh éo le của người đàn bà bất hạnh, ông bèn gửi bà hàng nước cho bà Mận 20 nghìn đồng mỗi ngày. Lâu dần, cũng chính bà hàng nước đã se duyên cho hai người.
Không giấy tờ đăng ký kết hôn, không thủ tục rườm rà, hai ông bà dọn về ở cùng nhau trong túp lều nhỏ chỉ đủ chỗ cho một người nằm. Hễ bà nằm là ông ngồi mà hễ ông nằm thì bà phải thức.
Tuy nhiên, 16 năm kể từ ngày hai ông bà dọn về ở chung dù thiếu thốn về vật chất nhưng ở đó có sự quan tâm, sẻ chia lẫn nhau – thứ mà cả ông và bà đều khao khát có.
Ban ngày bà Mận dậy từ 2 giờ sáng đi nhặt rác, còn ông Sơn đi làm gác chắn tàu. Từ năm 2013, căn bệnh tắc mạch máu lưu thông lên não của ông ngày một nặng hơn, ông thường xuyên ngất xỉu nên không đi làm được nữa. Bà Mận vì thế cũng không thể đi nhặt rác ở xa vì lo cho ông.
“Ngày nhiều cũng ngất 6, đến 7 lần. Khi ông ngất thì chỉ gục đầu xuống, tư thế ngồi vẫn y nguyên nên thỉnh thoảng tôi vẫn phải đặt tay lên ngực xem ông còn sống hay không”, buông một tiếng thở dài, bà Mận cho biết.
Hiện tại, do mất giấy tờ nên ông Sơn không còn được hưởng lương thương binh. Hàng tháng, ngoài việc kiếm tiền trang trải cuộc sống, hai ông bà còn thu nhận đồ từ thiện từ các nơi gửi về rồi đem gửi đến địa chỉ 82 Nguyễn Du.
“Ngày trước được các cô chú cho nhiều đồ, dùng không hết nên tích lại. Lâu dần nghĩ ra đem đi làm từ thiện. 16 năm qua, chúng tôi vẫn thu nhận đồ từ thiện và cất gọn chờ ngày đem đến địa chỉ 82 Nguyễn Du”, bà Mận cho biết.
Trao đổi với chúng tôi bà Đặng Thị Lại – Phó Chỉ tịch Ủy ban nhân dân phường Điện Biên cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của thành phố, phường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng từ thành phố xuống quận tiến hành một số hoạt động nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng cũng như mỹ quan đô thị. Không để các ông bà nhất là những trường hợp cao tuổi trên địa bàn phường phải sống ở vỉa hè. Tuy nhiên, trường hợp của ông bà Sơn không muốn vào trung tâm. Đối với trường hợp này, chúng tôi sẽ cố gắng vận động bởi ông Sơn hiện sức khỏe không đảm bảo khi sinh sống ở ngoài vỉa hè”.