Hai câu hỏi "cực khó" trong vụ giông lốc khủng khiếp tại Hà Nội

Hoàng Đan |

Trận giông lớn ở Hà Nội đã gây ra thiệt hại nặng nề, cây xanh đổ đè chết người và hư hỏng nhiều xe ôtô, xe máy... Vậy đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Cây đổ đè hỏng ôtô có được bồi thường?

Cơn giông lớn chiều 13/6 tại Hà Nội đã gây ra thiệt hại nặng với hàng trăm cây xanh, cột điện, biển quảng cáo... bị đổ, nhiều ngôi nhà bị tốc mái.

Cùng với đó, rất nhiều xe máy, ôtô đã bị hư hại nặng do cây xanh, cột điện đổ đè, thậm chí hai người đã thiệt mạng vì nguyên nhân này.

Trước những thiệt hại lớn như vậy, câu hỏi được rất nhiều người dân quan tâm đặt ra, đó là, với những thiệt hại về tài sản như ôtô, xe máy... trong trường hợp giông lớn như vừa qua ở Hà Nội gây ra thì liệu có được bồi thường không?

Nếu có thì cơ quan nào sẽ chiụ trách nhiệm bồi thường?

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc giông lốc xảy ra bất ngờ  gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội là thiên tai bất ngờ.

Do vậy ở đây không phải lỗi của con người nên không thể xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại được.

Đối với những thiệt hại vật chất của chủ tài sản hay thiệt hại về tính mạng, sức khỏe chỉ có thể được bồi thường nếu tài sản hay con người đó có tham gia bảo hiểm và trong Quy tắc bảo hiểm không loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

"Như vậy chủ tài sản là xe ô tô, xe máy có thể được bồi thường nếu họ có mua bảo hiểm cho phương tiện, tài sản của mình.

Còn đối với người bị nạn thì cũng vậy, nếu họ mua sản phẩm bảo hiểm mà trong Hợp đồng bảo hiểm có điều khoản bồi thường khi xảy ra các sự kiện pháp lý tương ứng.

Nhà nước chỉ hỗ trợ cho những trường hợp đặc biệt khi người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...", Luật sư Thiệp nói.

Ô tô bị cây đổ đè nát trong trận giông lốc ngày 13/6

Cũng theo Luật sư Thiệp, các cơ quan quản lý nhà nước hay các đơn vị liên quan chỉ phải chịu trách nhiệm khi họ không làm tròn nhiệm vụ, chức trách của mình.

Tuy nhiên thì thiên tai là trường hợp bất khả kháng, không có căn cứ để cho rằng các cơ quan hữu quan đã thiếu trách nhiệm trong vụ việc vừa xảy ra.

Cùng với đó, trao đổi với chúng tôi, đại diện bảo hiểm BIDV, Viễn Đông, Bảo Việt, PJICO... đều khẳng định, trong trường hợp nếu xe ôtô, xe máy hoặc tài sản khác của người dân có mua bảo hiểm thì đều sẽ được đền bù khi bị cây đổ đè hỏng hay do thiên tai gây ra.

"Trong quy định của bảo hiểm ôtô toàn diện cũng đã nói rõ phần bảo hiểm vật chất đối với xe sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm trong trường hợp:

Đâm va, lật đổ, rơi toàn bộ xe; hỏa họan, cháy, nổ; những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên: bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá, sóng thần; mất cắp, mất cướp toàn bộ xe; tai nạn rủi ro bất ngờ khác...

Nên trong trường hợp xe ôtô của khách hàng mua bảo hiểm mà bị cây đổ đè vào gây hư hại sẽ được hưởng bảo hiểm chi trả", đại diện bảo hiểm BIDV cho hay.

Đại diện bảo hiểm BIDV cũng cho biết, sau trận giông lớn vừa qua, họ cũng đã tiếp nhận thông báo của khoảng gần 10 trường hợp khách hàng mua bảo hiểm của hãng cho ôtô về việc bị hư hại.

Các trường hợp này đang được lập danh sách, làm các thủ tục cần thiết để tiến hành bồi thường theo quy định.

Cây xanh, cột điện đổ gây chết người có thể khởi tố hình sự không?

Một câu hỏi khác cũng được nhiều người đặt ra đó là, nếu xảy ra chết ngưới do cây đổ, cột điện đổ thì có thể khởi tố hình sự được không? Và nếu được thì chủ thể chịu trách nhiệm hình sự ở đây là ai?

Trả lời về vấn đề này, Luật sư Thiệp cho rằng, theo quy định của pháp luật, phải có dấu hiệu hình sự, tức là hành vi nguy hiểm của con người xâm hại đến các quan hệ xã hội mà Luật hình sự bảo vệ, có lỗi và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, thiên tai xảy ra bất ngờ, gây thiệt hại lớn nhưng thực tế không có dấu hiệu hình sự.

"Bởi lẽ, không có căn cứ cho rằng đã có hành vi thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền liên quan.

Ví dụ như thấy cây có nguy cơ đổ, đã có yêu cầu chặt bỏ hay các thiết bị lắp đặt ngoài trời gồm biển quảng cáo tấm lớn xây dựng không có giấy phép.

Hoặc đã được giao nhiệm vụ cảnh báo nhưng không thực hiện dẫn đến hậu quả đổ cây, sập biển quảng cáo, thiết bị khác gây chết người thì khi đó mới xem xét mối quan hệ nhân quả, lỗi, trách nhiệm, năng lực chịu trách nhiệm hình sự...

Trong vụ việc này thì quan điểm của tôi là không có dấu hiệu hình sự, mà là hậu quả của thiên tai, không hình thành quan hệ pháp luật hình sự", Luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đó, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng nhấn mạnh, không thể khởi tố hình sự được.

"Không khởi tố được bởi ở đây, việc đổ cây hay đổ cột điện nếu gây chết người là do thiên tai chứ không phải do lỗi cố ý của con người", Luật sư Hòe nhận định.

Đồng thời, Luật sư Hòe cũng bày tỏ, qua sự việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi thiên tai xảy ra.

"Các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp kịp thời nhằm giữ gìn an toàn, tính mạng, tài sản của nhân dân khi thiên tai xảy ra", Luật sư Hòe nói.

Giám đốc Công ty Luật Inteco
Luật sư Hà Huy Phong
Trường hợp người, tài sản do cây xanh, cột điện đổ đè trúng nói trên là bất khả kháng, do thiên tai tự nhiên gây ra. Chính vì vậy, rất có thể các nạn nhân phải tự chịu thiệt hại mà không có cơ quan nào phải có trách nhiệm bồi thường. Đối với ô tô bị hư hỏng và có bảo hiểm thì tùy từng công ty bảo hiểm, gói báo hiểm, giới hạn bảo hiểm được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Nếu có quy định bồi thường ngay cả trong trường hợp thiệt hại do thiên tai gây ra thì chủ phương tiện mới được công ty bảo hiểm thanh toán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại