Theo Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, sau khi báo cáo lần cuối và nhận được chỉ đạo từ Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đã quyết định điều chỉnh phương án đổi giờ học, giờ làm. Thay vì thực hiện từ 1/1/2012, Hà Nội đề xuất lùi lại một tháng với lý do có thêm thời gian tuyên truyền, phổ biến về quy định đổi giờ; hạn chế khó khăn phát sinh cho những người thuộc diện phải điều chỉnh giờ, nhất là trong thời điểm cuối năm.
Như vậy, nếu thực hiện từ mốc 1/2/2012, việc đổi giờ sẽ có hiệu lực từ sau Tết Nguyên đán (từ mùng 10 tháng giêng năm Nhâm Thìn).
Theo đề xuất của Hà Nội gửi Thủ tướng, việc đổi giờ sẽ được thực hiện từ sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngoài ra, so với phương án được UBND Hà Nội dự định thực hiện gần đây, phương án trình Thủ tướng lần này có điều chỉnh chút ít về thời gian đối với các nhóm chịu ảnh hưởng. Theo đó, nhóm sinh viên, học sinh THPT thời gian học buổi sáng bắt đầu trước 7h và buổi chiều kết thúc sau 19h (phương án cũ là 6h30 và 19h).
Nhóm học sinh mầm non, tiểu học, THCS thời gian học ca sáng bắt đầu từ 8h và ca chiều kết thúc vào 17h (phương án cũ: 7h30 và 17h30); bố trí giáo viên đón các cháu từ 7h30 và trả đến 17h30.
Nhóm công chức, viên chức (cả Hà Nội và trung ương) giữ nguyên giờ làm từ 8h đến 17h. Nhóm trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu làm từ 9h sáng, kết thúc sau 19h. Các nhóm khác không thay đổi.
Pham vi điều chỉnh giờ học, giờ làm được Hà Nội thống nhất thực hiện ở 10 quận và hai huyện Thanh Trì, Từ Liêm như trước.
Theo UBND Hà Nội, phương án đổi giờ làm này tạo được sự chênh lệch thời gian giữa các nhóm khoảng một giờ, đủ để đảm bảo giãn mật độ phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm. Việc điều chỉnh giờ làm sẽ được thành phố triển khai đồng bộ với các giải pháp làm giảm ùn tắc giao thông khác.
Theo Nguyễn Hưng
VNE