Hà Nội thông qua quy hoạch xử lý rác thải và nghĩa trang

synam |

(Soha.vn) - Hà Nội vừa thông qua quy hoạch xử lý chất thải rắn và quy hoạch nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa tang đến năm 2030.

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa 14, sáng nay, 6/12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 và thông qua Nghị quyết về quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại kỳ họp thứ 6.

Hơn 107 tỷ cho quy hoạch xử lý rác thải

Theo quy hoạch, sẽ có 3 giai đoạn: triển khai giai đoạn đầu đến năm 2020; giai đoạn quy hoạch đến năm 2030; giai đoạn định hướng quy hoạch từ năm 2030-2050. Theo quy hoạch, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại, thu gom và xử lý theo các công nghệ: tái chế, sản xuất phân hữu cơ, đốt và chôn lấp hợp vệ sinh theo 3 vùng:

Hà Nội thông qua quy hoạch xử lý rác thải và nghĩa trang 1

Bãi rác Nam Sơn đang trong tình trạng quá tải vì lượng rác thải thải ra hằng ngày quá lớn. (Ảnh minh họa)

Vùng 1 gồm đô thị nội đô lịch sử; khu vực từ vành đai 2 đến sông Nhuệ, khu đô thị Mê Linh - Đông Anh, khu đô thị Đông Anh, khu đô thị Yên Viên - Long Biên - Gia Lâm, khu đô thị Sóc Sơn, thị trấn Kim Hoa, thị trấn Nỉ, thị trấn Phù Đổng, khu vực nông thôn huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm. Chất thải rắn vùng 1 được xử lý tại các khu xử lý: Nam Sơn, Việt Hùng, Kiêu Kỵ, Phù Đổng, Cầu Diễn.

Vùng 2 gồm một phần chuỗi đô thị từ sông Nhuệ đến vành đai 4 (gồm đô thị thuộc các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, quận Hà Đông), đô thị Phú Xuyên, các thị trấn Thường Tín, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa và khu vực nông thôn các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên. Rác vùng này được xử lý tại các khu Cao Dương, Châu Can, Mỹ Thành, Hợp Thanh, Vân Đình, Đông Lỗ.

Vùng 3 gồm một phần chuỗi đô thị từ sông Nhuệ đến vành đai 4 (gồm đô thị thuộc các huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức), đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai; các thị trấn sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn; các thị trấn Tây Đằng, Phùng, Liên Quan, Phúc Thọ cũ và các khu vực nông thôn các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, ngoại thị Thị xã Sơn Tây. Rác thải vùng này được xử lý tại các khu Đồng Ké, Núi Thoong, Lại Thượng, Đan Phượng, Xuân Sơn.

Thành phố dự kiến quy hoạch 17 khu xử lý chất thải rắn cho toàn thành phố và 29 bãi chôn lấp phế thải xây dựng và bùn thải. Đồng thời, xây dựng 6 trạm trung chuyển chất thải rắn phục vụ cho các loại chất thải rắn. Thành phố sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến (đốt, tái chế) đảm bảo vệ sinh môi trường phù hợp với từng loại chất thải rắn, hạn chế việc chôn lấp nhằm giảm nhu cầu đất cho chôn lấp.

Tổng mức đầu tư để thực hiện Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến là khoảng 107.573 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động tổng hợp từ các nguồn lực đầu tư: vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại từ Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển của TP Hà Nội, mở rộng các hình thức BOO, BOT, PPP. Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2020, Thành phố sẽ xây dựng 13 bãi đổ bùn thải thoát nước; xây mới hoặc mở rộng 15 khu xử lý chất thải rắn.

Tổng quỹ đất cho nhu cầu xử lý chất thải rắn đến năm 2020 là 171,40 ha. Năm 2030 là 365,97 ha và đến năm 2050 là 719,49 ha. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại, thu gom và xử lý theo các công nghệ như tái chế, sản xuất phân hữu cơ, đốt và chôn lấp hợp vệ sinh theo 3 vùng: Chất thải rắn sinh hoạt vùng 1 được xử lý tại các khu xử lý Nam Sơn, Việt Hùng, Kiêu Kỵ, Phù Đổng và Cầu Diễn.

Năm 2020: Hà Nội sẽ có 32 nhà tang lễ

Theo quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Hà Nội xác định đến năm 2020, toàn thành phố có 32 nhà tang lễ, đến năm 2030 là 38 nhà tang lễ và đến năm 2050 là 44.

Hà Nội thông qua quy hoạch xử lý rác thải và nghĩa trang 2

Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Thanh Tước, Yên Kỳ sẽ được mở rộng diện tích phục vụ nhu cầu của nhân dân. (Ảnh minh họa)

Thành phố sẽ quy hoạch mở rộng các nghĩa trang Thanh Tước, Vĩnh Hằng, Yên Kỳ. Ở khu vực phía Bắc, sẽ xây mới các nghĩa trang thuộc huyện Đông Anh, với diện tích 20 ha, các nghĩa trang ở Minh Phú – Sóc Sơn, diện tích 100 ha để phục vụ nhu cầu của nhân dân các khu đô thị huyện Đông Anh, Sóc Sơn…

Khu đô thị Mê Linh sử dụng nghĩa trang Thanh Tước. Khu vực phía Đông xây mới nghĩa trang Trung Màu diện tích 53 ha phục vụ các khu đô thị Long Biên, Gia Lâm.

Khu vực phía Nam xây dựng nghĩa trang xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) diện tích 21 ha. Khu vực phía Tây xây dựng nghĩa trang tại xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) diện tích 22 ha; nghĩa trang Mai Dịch 2 tại huyện Thạch Thất diện tích 100 ha.

Hà Nội cũng sẽ từng bước đóng cửa các nghĩa trang hiện có đã hết khả năng khai thác.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại