Hà Nội: Tạo điều kiện cho người khiếm thị vươn lên thoát nghèo

Hà An |

(Soha.vn) - Cùng với nghề sản xuất thủ công, hiện nay, tại Hà Nội, nghề xoa bóp tẩm quất của người khiếm thị cũng phát triển khá mạnh giúp họ vươn lên xóa nghèo.

Đa số người khiếm thị còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, trách nhiệm của tổ chức Hội người mù thành phố Hà Nội là phải huy động mọi nguồn lực từ cộng đồng và cả nội lực của người khiếm thị để từng bước cải thiện tình trạng này.

Tại Đại hội đại biểu Thành hội người mù Hà Nội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2013 – 2018), ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội người mù thành phố Hà Nội cho biết: Đến nay, quận/huyện/thị hội đều tổ chức các hình thức sản xuất khác nhau thu hút 612 lao động, trong đó 85% là người khiếm thị.

Các mặt hàng hiện nay gồm tăm trẻ, chổi chít, se dây thừng, cặp ba dây, khung bằng khen và một số sản phẩm đan lát thủ công, doanh thu của một số cơ sở sản xuất đạt hàng trăm triệu mỗi năm như tại Hà Đông, Thanh Oai, Sơn Tây, Thạch Thất,… Thu nhập của người lao động mù từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng.

Cùng với nghề sản xuất thủ công, hiện nay, nghề xoa bóp tẩm quất của người khiếm thị cũng phát triển khá mạnh. Theo số liệu thống kê của Hội người mù thành phố Hà Nội, nhiều quận huyện hội thành lập những cơ sở dịch vụ xoa bóp tẩm quất tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hội viên của các quận hội như Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy,… với thu nhập bình quân đạt 2,5 – 3 triệu đồng/người.

 
Hà Nội: Tạo điều kiện cho người mù vươn lên thoát nghèo
 

Trong thời gian tới, Hội người mù thành phố đặt ra mục tiêu mở thêm 30 lớp dạy nghề/năm cho hội viên.

“Tính đến nay, toàn Hội có 99 cơ sở xoa bóp tẩm quất thu hút trên 400 lao động là người khiếm thị” – ông Quyết chia sẻ.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp hội đã hướng dẫn và ra quyết định cho 335 dự án cho 9.958 lượt hộ vay, thu hút và tạo việc làm cho 13.617 lao động với số vốn quay vòng trên 14,2 tỷ đồng từ các nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ của Trung ương Hội và quỹ của tổ chức ADRA.

Các Hội cơ sở còn vận động được các nguồn vốn vay ngay tại địa phương với tổng số vốn trên 500 triệu đồng như tại Long Biên, Tây Hồ, Hà Đông, Đống Đa, Thanh Xuân.

Thông qua dạy nghề, truyền nghề, vay vốn tạo việc làm đã xuất hiện nhiều gương điển hình người mù Thủ đô làm kinh tế giỏi.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hội viên người mù thành phố Hà Nội khó khăn về đời sống, chỗ ở cũng như tạo việc làm, giúp hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội người mù thành phố đặt ra mục tiêu mở thêm 30 lớp dạy nghề/năm cho hội viên; 70% người khiếm thị trong độ tuổi lao động được tư vấn, hướng dẫn tìm việc làm; giảm từ 3% - 4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới; phấn đấu doanh thu các cơ sở sản xuất và thu nhập của người lao động tăng từ 10 – 15% mỗi năm; Huy động vốn vay tăng 20% đạt 17 tỷ đồng…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại