Hà Nội: Tắc đường, 4 giờ đi được... 6km

camnhung |

Tuần qua, nhiều tuyến đường ở Hà Nội rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng, hỗn loạn kéo dài suốt 2-3 tiếng.

Từ cơ quan về nhà chỉ 3 km, nhưng tối thứ sáu (2-12) vừa qua anh Trần Minh Ánh, sống tại tập thể Kim Liên (quận Đống Đa) phải đi hết gần 1 giờ. Theo anh Ánh, từ cơ quan về nhà phải đi qua các tuyến đường Lê Duẩn - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch nhưng tối thứ sáu vừa qua tất cả các tuyến đường này đều tắc cứng.

“Với quãng đường này bình thường tôi chỉ đi hết 10 đến 15 phút, nhưng những ngày cuối tuần vừa qua mỗi khi về nhà tôi thường phải mất từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ”, anh Ánh phàn nàn.

Cảnh tắc đường suốt 3 giờ tại phố Chùa Bộc chiều tối ngày 2-12-2011

Anh Nguyễn Văn Diện ở Khương Trung (Thanh Xuân) cho biết, đi từ đường Lê Duẩn về đến phố Khương Trung, quãng đường khoảng 6km hết gần 4 tiếng đồng hồ. Tương tự, chị Lan sống trên phố Tôn Thất Tùng đi đón con tại trường Tiểu học Kim Liên cách đó chưa đầy 2 km mà mất tới hơn 2 tiếng đồng hồ, từ 16h30 tới tận 18h40 mới đưa được cháu về nhà.

“Chưa bao giờ tôi gặp cảnh tắc đường khủng khiếp đến thế. Tất cả mọi ngả đường khu vực này đều kẹt cứng” - Chị Lan cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên và phản ánh của người dân, những ngày qua trên các tuyến đường Thái Hà - Chùa Bộc, Tây Sơn - Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học, Láng Hạ - Giảng Võ, Thụy Khuê - Bưởi; thậm chí các tuyến đường đang phân làn như Đại Cồ Việt - Xã Đàn, Giải Phóng... thường xuyên xảy ra ùn tắc với mức độ ngày càng nghiêm trọng vào các khung giờ, sáng từ 7h30 và chiều từ 17h30.

Riêng tuyến Đại Cồ Việt - Xã Đàn chiều thứ sáu vừa qua, xảy ra ùn ứ trên 2 tiếng đồng hồ. Thời điểm 19h phóng viên Tiền Phong có mặt, ùn tắc vẫn diễn ra trên diện rộng, ô tô xe máy xếp thành hàng dài, đặc kín trên toàn tuyến đường, hầm Kim Liên hoàn toàn bị tê liệt do hai đầu lên xuống đông cứng phương tiện.

“Chưa phải dịp cuối năm hoặc thi cử nhưng nhiều tuyến đường Hà Nội những ngày vừa qua đã bị ùn tắc như vậy thì rất khó hiểu, điều này đang ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và công việc của chúng tôi”, chị Nguyễn Thị Trâm, người dân ở khu nhà D7, tập thể Trung Tự lo lắng.

Phương tiện đặc kín gần như đứng im cả trên và dưới hầm Kim Liên

Tắc đường gia tăng, vì đâu ?

Lý giải về tình trạng ùn tắc trên một số tuyến phố và nút giao thông vừa qua, Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội CSGT số 3, Công an Hà Nội cho biết, vào các ngày cuối tuần vừa qua, đặc biệt là chiều tối thứ sáu do trên địa bàn quận Đống Đa bị mất điện, dẫn đến hệ thống đèn tín hiệu trên các tuyến phố ở đây không hoạt động.

Trung tá Ngô Minh Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho rằng, ngoài yếu tố đèn tín hiệu, những ngày qua, gần dịp cuối năm nên lượng phương tiện bắt đầu tăng trên các tuyến đường, nhất là với các trục giao thông ra vào thành phố.

Theo ông Tiến, cùng với phương tiện buôn bán nhỏ, các bến xe tuy nằm ngoài khu vực ngoại thành nhưng khi di chuyển khách từ bến xe này đến bến xe khác, hành trình của các xe lại đi qua các tuyến đường trung tâm.

Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hiện hầu hết hệ thống đèn tín hiệu điều tiết giao thông đang sử dụng chung hệ thống điện sinh hoạt với người dân. Khi điện sinh hoạt của người dân mất cũng đồng nghĩa với hệ thống đèn tín hiệu không hoạt động. Trên một số tuyến phố có lưu lượng phương tiện lớn nếu đèn tín hiệu không hoạt động thì việc ùn tắc sẽ xảy ra.

Cùng với đó, Sở GTVT cũng cho biết, hiện trên một số trục giao thông lớn như Giảng Võ - Láng Hạ, Tây Sơn - Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến - Vành đai 3... đang thực hiện các dự án giao thông trọng điểm của thành phố như đường trên cao và đường sắt đô thị... nên lòng đường nhiều đoạn bị thu hẹp, gây ảnh hưởng đến giao thông.

Cảnh tắc đường lúc 21 giờ ngày 2-12 tại phố Tây Sơn

Mơ 5 năm sau giao thông Hà Nội chỉ tắc như hiện nay

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng - Chủ nhiệm bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Đại học GTVT) nói: Phân làn về mặt kỹ thuật hiện nay là không đúng, cần phân làn theo tiêu chuẩn quốc tế phải có biển báo, phải kẻ vạch, biển báo kèm hình ảnh, đèn báo, phải kẻ vạch đường cho người đi bộ. Sở GTVT đi làm việc tách làn cho từng loại phương tiện ở trong khu vực nội thành không phù hợp.

Sở Giao thông bảo ý nguyện của người dân là phân làn, tôi thì tôi chưa thấy việc đó có ý nghĩa gì với người dân, Tiến sỹ Hùng đánh giá.

Vừa qua Tiến sỹ Hùng đã có cuộc khảo sát và nghiên cứu cho thấy, tất cả các đường đủ rộng cho 3 làn, người ta đều đi theo kiểu ô tô, xe máy, xe đạp (trong cùng). Vì vậy, cho đến nay đã hơn 2 tháng thực hiện việc phân làn nhưng không thấy có chút thành tựu nào về việc phân làn.

“Số liệu của chúng tôi nghiên cứu từ năm trước đến nay, phân làn hay không nó vẫn thế, vì vậy phân làn nó không có tác động gì hết” - Tiến sỹ Hùng nói. Những tuyến đường xe tải chạy sang làn xe con, xe máy… thường xuyên xảy ra tai nạn như Trần Duy Hưng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến cần phân làn thì không làm, lại đi làm ở phố Huế, Bà Triệu…

Nếu không hạn chế phương tiện ô tô một cách quyết liệt, các tuyến đường của Hà Nội sẽ ngày một ách tắc khủng khiếp, chúng ta không thể tránh được. Nó không chỉ tắc ở Thái Hà, Tây Sơn…, mà nó tắc vào tới Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng… rồi. Chỗ nào xuất hiện càng nhiều ô tô, ô tô càng to chỗ đó càng ách tắc nghiêm trọng.

Việc ở các nước họ bố trí vỉa hè, lòng đường làm bãi đỗ xe là đã có tính toán, và là lẽ đương nhiên, ở mình đường hẹp trước khi thiết kế không bố trí bãi đỗ xe, bây giờ lại làm bãi đỗ xe thì sao tránh khỏi việc quá tải. Nhà dân thì kinh doanh, cơ quan công sở thì đỗ xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường như thế thì sao tránh khỏi chuyện ùn tắc.

“Tôi mơ 5 năm sau giao thông Hà Nội chỉ tắc như hiện nay”, Tiến sỹ Hùng nói.

Theo Minh Đức - Trọng Đảng (Tiền Phong)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại