Theo Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ tập trung phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng: xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào.Tổ chức giao thông hợp lý tại các nút giao, các tuyến đường, đảm bảo lưu thông trong nội đô và các cửa ngõ của đô thị, góp phần giải quyết ách tắc và tai nạn giao thông.
Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đất giao thông trong các đô thị trung tâm sẽ chiếm 20-26% đất đô thị xây dựng. Vận tải hành khách công cộng vào năm 2020 sẽ đáp ứng 35% lượng hành khách, năm 2030 là 55%.
Theo quy hoạch từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ xây dựng nhiều tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào.Theo quy hoạch đã được duyệt, đến năm 2030 việc liên kết các đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh của thành phố sẽ được thực hiện bằng các loại phương tiện vận tải công cộng:đường sắt nội ô, ô tô buýt.
Để phục vụ đối ngoại, liên kết với các tỉnh xung quanh, Hà Nội sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống 7 đường cao tốc hướng tâm: Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hạ Long, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Hòa Bình, cao tốc Tây Bắc – quốc lộ 5 và Hà Nội – Thái Bình – Thanh Hóa. Hoàn thiện các tuyến đường vành đai 3,4,5. Cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ: 1A, 6, 21B, 26, 2, 3,5.
Xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng: Ngọc Hồi – Phú Xuyên, Hà Đông – Xuân Mai, trục Hồ Tây – Ba Vì, Tây Thăng Long, Đỗ Xá – Quan Sơn, trục kinh tế Bắc – Nam, Miếu Môn – Quan Sơn, Lê Văn Lương kéo dài – Chúc Sơn và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng.
Cảnh thường thấy trên các tuyến đường nội đô Hà Nội.
Cùng với việc mở mang đường sá, phát triển hạ tầng giao thông công cộng, Thủ đô sẽ đầu tư xây mới 8 cầu và hầm vượt sông Hồng. Xây dựng mới 3 cầu, cải tạo và hoàn chỉnh 2 cầu vượt sông Đuống.
Với giao thông đường sắt: xây dựng và cải tạo hệ thống đường sắt và ga đường sắt quốc gia, quốc tê: Hà Nội – TPHCM, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hạ Long, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên. Xây dựng mới đường sắt dọc theo đường vành đai 4. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt trên cào Hà Nội – Vinh; các tuyến đường sắt nội vùng: Hà Nội – Hòa Bình, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Hải Dương…Thành phố sẽ đầu tư nâng cấp sân bay Nội Bài để đến năm 2030 đạt 50 triệu hành khách/năm.
Theo kế hoạch, thành phố sẽ tăng cường xây dựng hệ thống các bãi đỗ xe ngầm, tại các công viên, vườn hoa, dưới các tổ hợp công trình quy mô lớn; bố trí các bãi đỗ xe tập trung kết hợp với các chức năng sử dụng đất khác trên cơ sở quỹ đất chuyển đổi các khu công nghiệp, trụ sở cơ quan, trường học nội đô để giải bài toán thiếu điểm đỗ trong thành phố.
Mới đây, với mục tiêu từng bước xóa các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã trình lãnh đạo thành phố khoản kinh phí hơn 7 tỷ USD dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, mở mang đường sá cho giai đoạn từ nay đến 2015.Theo đó, số vốn trên sẽ được ưu tiên tập trung xây dựng một loạt các tuyến đường vành đai: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4 và 5; phát triển hệ thống khung hạ tầng đường bộ, các tuyến đường hướng tâm và kết nối liên thông theo mạng, giả quyết các nút thắt, điểm nghẽn trong mạng lưới giao thông…
Theo đó, với các tuyến đường hướng tâm, quốc lộ, thành phố sẽ tập trung thi công để hoàn thành các tuyến đường: Quốc lộ 32 (đoạn Diễn – Nhổn), đường nối Nhật Tân – Nội Bài, đường 1A, quốc lộ 2 (đoạn Phủ Lỗ - Nội Bài), quốc lộ 6 (Ba La – Yên Nghĩa – Xuân Mai. Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng một số tuyến đường trên cao trên các tuyến vành đai để chống ùn tắc cho các tuyến đường nội đô...
Theo VnMedia.vn