(Ảnh minh họa)
Tại sao lại “cống rãnh hoá”? Bởi lẽ, Hà Nội là thành phố độc đáo nhất cả nước (và có lẽ cỡ thế giới) không thích sông ngòi. Nói không thích nghe hơi lạ tai, nhưng một khi cả thành phố quay lưng ra sông thì gọi là gì? Đã quay lưng lại với nhau là không thích nhau chứ còn gì nữa.
Lẽ dĩ nhiên quay lưng ra sông có nghĩa là phố phường hai bên xả thải xuống sông. Cả triệu người và hàng nghìn cơ sở sản xuất cùng thải rác, nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp thì đến sông giời cũng sẽ chết.
Từ năm 2001 nước ta mới có Pháp lệnh khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi, tức là các dòng sông tự nhiên. Còn trước nữa không hiểu sao chẳng ai nói gì. Sông chảy qua miền quê là con sông quê hương, sông chảy qua thành phố (nhất là Hà Nội) thì chỉ là cống thôi!
Tính ra đã có 14.500 vụ vi phạm thuỷ lợi ở Hà Nội, nếu kể cả các thành phố mới mọc lên thì hai bên bờ các con sông thành phố đã lấp kín nhà. Cây đa bến nước là cổ tích. Xử thế nào đây? Năm ngoái, TP xây cống điều tiết Liên Mạc (sông Đáy) có 7 hộ dân xây nhà trên lòng sông. Phải đền bù mãi mới “dọn lên bờ”. Thế còn hàng nghìn vạn nhà cùng ý theo, nếu muốn cải tạo dòng chảy thì sao?
Dám chắc đây là câu hỏi vượt qua tầm nhìn thành phố có đến 2030 hay 2050, dù có những nhà lãnh đạo tài ba cũng không thể “di sơn đảo hải” để cứu các con sông Hà Nội được!