Hà Nội: Giật mình ruột nắp hố ga làm từ... bao tải dứa

Kiên Trung – Lê Văn |

Nắp hố ga tại Hà Nội có vỏ bằng nhựa, lúc vỡ lộ ruột làm bằng… bao tải dứa, dễ gây nứt gãy, mất an toàn.

Ruột nắp hố ga làm bằng… bao tải dứa

Sáng 20/1, đang lưu thông trên Phố Huế thì xe bị xịt lốp, anh Nguyễn Văn Quân (quê Thái Bình) đành phải dừng xe lại. Ngẫu nhiên, vị trí xe hỏng của anh Quân gần với một nắp hố ga.

Thấy miệng nắp hố ga bị sứt mẻ, nhìn kỹ thì anh Quân phát hiện ra lớp lõi giữa trơ ra là bao tải dứa, hai mặt là nhựa cứng phủ bên ngoài.

 


Nắp hố ga bị vỡ, lộ ra lõi giữa được làm bằng bao tải dứa.

Nắp hố ga bị vỡ, lộ ra lõi giữa được làm bằng bao tải dứa.

“Tôi luôn nghĩ nắp hố ga làm bằng kim loại chứ không phải nhựa vì phải chịu tải trọng của xe đi qua. Đằng này lại làm bằng chất liệu nhựa tái chế như thế này thì rất không an toàn” – anh Quân đánh giá..

Đây không phải nắp hố ga duy nhất. Đi thêm một đoạn, anh phát hiện rất nhiều nắp hố ga bằng nhựa. Nhiều nắp hô ga nhựa này còn in lô-gô hai chữ “Thoát nước”, "Saodo", ....

Không riêng phố Huế, nhiều tuyến phố khác như phố Bảo Khánh, phố Huế, Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Yên Phụ, Nghi Tàm… đều có nắp hố ga bằng nhựa.


Theo khảo sát của PV VietNamNet, tình trạng này không phải là cá biệt.

Theo khảo sát của PV VietNamNet, tình trạng này không phải là cá biệt.

Bề mặt những nắp hố ga bị mài mòn dù ở trên vỉa hè không có xe qua lại; nắp hố ga composite bị vỡ để lộ ra những… bao tải dứa làm lõi bên trong. Vị trí được lắp cũng ở ngay đoạn giữa vỉa hè và lòng đường.

Tiếp tục khảo sát những tuyến phố khác, chúng tôi gặp nhiều nắp hố ga, nắp chắn rác, nắp đậy miệng cống thoát nước trên phố Lê Trọng Tấn (giao đường Lê Văn Lương kéo dài); đường nội bộ trong KĐT Việt Hưng, Sài Đồng; phố Phùng Hưng giao với Hàng Vải, Lý Nam Đế, ...


Nắp hố ga bằng nhựa bị cong vênh, không được xử lý sớm sẽ trở thành một chiếc bẫy đối với người tham gia giao thông.

Nắp hố ga bằng nhựa bị cong vênh, không được xử lý sớm sẽ trở thành một chiếc bẫy đối với người tham gia giao thông.

Tại phố Sài Đồng (KĐT Việt Hưng, quận Long Biên), hàng loạt nắp hố ga nhựa sứt mẻ, bị chìm sâu trong lòng bể chứa như một “chiếc bẫy".

Người dân cho biết tuyến đường này nối với QL1A mới và đường 5 nên mật độ xe rất nhiều. Dù con đường mới đưa vào sử dụng hơn một năm nhưng hầu hết những miệng hố ga đặt giữa lòng đường đã hư hại nghiêm trọng.

Trả lời báo chí, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết đơn vị này thí điểm từ năm 2008 tại hai tuyến đường đầu tiên là đường Phạm Hùng và Lê Văn Lương - hai điểm đen của tình trạng nắp hố ga kim loại bị mất trộm.

Theo đơn vị này, nắp hố ga bằng composite có nhiều tính năng mới như lắp đặt tùy theo tải trọng, chịu bào mòn và thời gian sử dụng dài. Khi thay thế thì 'tiêu chí chống mất trộm được đặt lên hàng đầu'!

"Là sản phẩm kém chất lượng!”

Thông tin với VietNamNet, PGS.TS Ngô Kế Thế (Phòng Vật liệu Polyme và Composit, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) nhận định:

“Nếu nắp hố ga composite mà bên trong là bao tải dứa thì rõ ràng là làm đểu. Như thế là giống trường hợp của đường ống nước sạch sông Đà.

Bởi vì dù nắp hố ga làm bằng composite sợi thủy tinh thì bên trong không thể có bao tải dứa được. Nếu bên trong là bao tải dứa thì rõ ràng đây là sản phẩm kém chất lượng, nứt hỏng là đương nhiên”.


Một nắp hố ga có ruột bằng bao tải dứa

Một nắp hố ga có ruột bằng bao tải dứa

Ông Thế phân tích: Vật liệu compostie có nhiều loại. Có những loại có chất lượng rất cao, chịu được lực rất lớn. Hiện nay 40% thành phần của máy bay là vật liệu composite với khả năng chịu lực rất tốt.

Nắp hố ga làm từ vật liệu compostie thì vẫn có thể sử dụng được nếu làm tốt, nếu không sẽ chịu lực kém, dễ bị gãy. Chẳng hạn như đường ống nước sông Đà làm không cẩn thận khiến nứt vỡ rất nhiều lần.

Việc nắp hố ga hiện nay làm từ composite sợi thủy tinh thì vẫn có thể sử dụng được nhưng khả năng chịu lực không cao.

Thông thường các đường ống hay nắp hố ga bằng composite phải được gia cố bằng kim loại bên trong để tăng khả năng chịu lực. Bởi lực tác động từ các loại xe đi trên mặt đường là rất lớn.

Ngoài ra người ta thường tránh làm hố ga vị trí ít bị tác động lực. Bởi vì, nếu như một chiếc xe tải đi lên nắp hố ga không cẩn thận là gãy ngay.

PGS.TS Lều Thọ Bách (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng) nhận định: “Trên mặt đường mà dùng vật liệu composite sợi thủy tinh thì không ổn vì vật liệu này giòn, khả năng chịu lực kém.

Thế giới người ta chỉ sử dụng composite làm ống thoát nước thải chứ bản thân tôi cũng chưa nghe thấy nơi nào sử dụng vật liệu này làm nắp hố ga. Tôi cho rằng (nắp hố ga bằng composite) rẻ thì có rẻ hơn nhưng như vậy thì không an toàn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại