Đó là những chuyện bi hài của người dân sống tại các khu chung cư cao tầng ở Hà Nội.
Sau vụ cháy tại tòa nhà CT4, khu đô thị Xa La ngày 11/10 thì tối ngày 12/10, dân cư ở tòa CT5 Xa La lại một phen nháo nhác khi tiếng chuông báo cháy reo inh ỏi.
Vì vừa có vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản nên người dân khu CT5 hết sức lo sợ. Nghe tiếng còi báo cháy, họ vội vàng chạy xuống tập trung ở tầng 1.
Theo nhiều người dân cho biết, lúc đó, 2 xe cứu hỏa đã được điều đến tuy nhiên một lát sau thì mọi người phát hiện, đó chỉ là một vụ cháy... giả.
Tương tự, tối ngày 13/10, dân cư sống tại tòa nhà VP5, khu đô thị Linh Đàm cũng được phen hú hồn vì chuông báo cháy giả.
Khoảng 20h45, còi báo động cháy tại tầng 28 vang lên. Ít phút sau, các xe thang, xe chữa cháy, cứu hỏa lập tức được điều động đến.
Tuy nhiên sau đó, khu vực này hoàn toàn không có dấu hiệu của lửa và khói. Lực lượng cứu hỏa sau khi có mặt ở hiện trường đã quay về.
Phát điên vì các vụ báo cháy giả
Hầu hết mỗi tầng, thậm chí trong từng căn hộ tại các khu chung cư cao tầng ở Hà Nội đều lắp đặt hệ thống báo cháy. Chuông báo được lắp ở vị trí khá thấp và trẻ nhỏ, chỉ cần cao trên 1m là có thể với tay bấm loạn xạ.
Đôi khi chỉ vì nhỡ tay hoặc "nổi hứng" muốn thử độ "nhạy" của hệ thống báo cháy mà nhiều người đã vô tình làm khổ hàng nghìn người sống xung quanh, nhất là đối với người già, phụ nữ và trẻ em, những đối tượng dễ lo sợ và hoảng loạn vì tiếng chuông báo cháy.
Tối 12/10, hàng trăm người dân sống tịa tòa nhà CT5, KĐt Xa La được phen hốt hoảng vì tin báo cháy giả.
Bà Nguyễn Thị Tâm (sống tại tòa nhà VP5, KĐT Linh Đàm) cho biết, tối 13/10, một gia đình ở tầng 28 đốt vàng mã nên có khói nhẹ xuất hiện, nhiều người tưởng là cháy thật nên đã bấm còi inh ỏi khiến người già và trẻ nhỏ ở các tầng trên cao hoảng loạn, thi nhau chạy xuống nhưng kết quả là cháy đâu chẳng thấy, chỉ thấy rước bực mình vào người.
"Tôi đang cho cháu nội ăn tối thì nghe tiếng chuông báo reo ầm ĩ. Từ tầng 23, hai bà cháu vội vàng chen vào thang máy đi xuống tầng một vì sợ không đi nhanh, tòa nhà sẽ bị cắt điện.
Ai ngờ hai bà cháu xuống tới nơi mới biết chẳng có cháy nổ gì cả. Được phen hết vía".
Tòa nhà CT4A KĐT Xa La vẫn đang trong tình trạng khắc phục sự cố, đến chiều nay, điện nước vẫn chưa được cấp trở lại.
Chuông báo cháy của tòa nhà CT5 KĐT Xa La được thiết kế khá thấp và tiện cho ai cũng có thể bấm được. Bên cạnh những mặt tích cực, điều này cũng gây ra không ít phiền toái.
Tương tự, chị Thoa (sống tại tòa nhà CT5, KĐT Xa La) kể lại, tối hôm xảy ra tin báo cháy giả, chị cùng gia đình đang vui vẻ ngồi chuyện trò.
Tuy nhiên, khi nghe thấy chuông báo cháy, tất cả phải cuống quýt chạy xuống và một lúc sau thì lại lũ lượt kéo nhau lên.
"Buổi tối hôm đó, cả nhà đều bực mình vì vụ báo cháy giả. Mọi khi thì tôi và mọi người trong nhà cũng chủ quan nhưng vì mới đây, khu CT4 vừa xảy ra hỏa hoạn, rất sợ nên mới chạy xuống, cuối cùng là cháy giả".
Bà Tâm kể lại chuyện nháo nhác chạy xuống tầng 1 vì tin cháy giả.
Bi hài nhất là cảnh nhiều người đang ngâm mình trong bồn tắm hoặc vệ sinh cá nhân trong toilet, chỉ vì nghe tiếng chuông báo cháy mà hốt hoảng chạy xuống và rước bực mình vào người khi biết đó chỉ là "tin cháy vịt".
"Có lần mình đang tắm, nghe chuông báo cháy và tiếng mọi người hô hoán nên vội vàng mặc quần áo chạy ra ngoài trong tình trạng người vẫn chưa sạch hết sữa tắm.
Vừa chạy xuống tầng 1 thì mới biết tiếng chuông đó chỉ là do mấy đứa nhỏ tầng dưới nghịch ngợm bấm lung tung", chị Thúy (sống tại chung cư CT17, khu đô thị Văn Quán, Hà Đông) tâm sự.
Trong khi đó, anh Mạnh, một người dân khác cho biết, có lần vì nghe tin cháy mà anh vội vàng thu dọn những vật dụng có giá trị trong nhà và chạy xuống và kết quả là chỉ thêm mệt mỏi vì phải chen lấn giữa đám đông.
"Những lần như vậy rất mệt mỏi, báo cháy dễ quá nên nhiều khi có người hình như chỉ bấm chuông cho vui tay mà chẳng hề nghĩ hành động ấy gây ảnh hưởng như thế nào tới người khác"
Phớt lờ khi thấy chuông báo cháy reo
Bên cạnh tâm lý lo sợ mỗi khi nghe thấy tiếng chuông báo cháy, nhiều người lại chọn cách sống chung và phớt lờ việc này. Ông Vũ Ngọc Lâm (70 tuổi, sống ở tòa nhà CT4B KĐT Xa La) cho biết:
"Tôi quen với việc báo cháy giả rồi nên thấy không sợ hãi khi nghe tiếng chuông báo động nữa. Ngay cả hôm 11/10, khi tòa nhà CT4A bốc cháy ở tầng hầm, chuông báo reo lên mà tôi vẫn tưởng là cháy giả nên không chạy xuống.
Không chỉ có tôi mà nhiều người khác cũng như vậy, vì thế mới có hàng trăm người bị mắc kẹt trên cao".
Ông Lâm cho biết mình không hề lo lắng và có rất ít lòng tin vào tiếng chuông báo cháy. Và đó là lý do khiến tối ngày 11/10, ông bị mắc kẹt tại tòa nhà CT4B, KĐT Xa La khi xảy ra cháy thật.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Phương (nhân viên làm việc tại tòa nhà CT6 KĐT Mỹ Đình) chia sẻ: "Ở đây nhiều gia đình còn lắp hệ thống tự động cảnh báo cháy nổ, khi nhiệt độ trong phòng lên cao, thiết bị này cũng tự động rú còi.
Vì vậy tôi đã khá quen với tiếng chuông báo cháy".
Trong khi đó, chị Thúy cho biết, sau lần chạy loạn hụt vì còi báo cháy reo lúc đang tắm, những lần sau khi nghe tiếng hô hoán, chị rất thận trọng xác minh, nếu cháy thật thì mới chạy xuống.
"Các bác bảo vệ nói khi có cháy thật thì tòa nhà sẽ cắt điện, thang máy sẽ không sử dụng được. Họ cắt điện để bảo các thiết bị, đường dây điện không bị chập mạch.
Vì thế, sau này, khi chưa nghe loa bảo vệ phát đi thông báo hoặc không thấy bị cắt điện, nhất định mình sẽ không bao giờ chạy xuống như lần trước nữa", chị Thúy nói.
Ông Phương cho biết, nhiều hộ gia đình trong KĐT Mỹ Đình lắp cả chuông báo cháy tự động nên ông không lạ gì với loại âm thanh này.
Anh Phùng Văn Phước, nhân viên bảo vệ tại tòa nhà CT2 KĐT Linh Đàm, chia sẻ: "Thông thường tại các tòa nhà cao tầng, nhân viên bảo vệ đều được tập huấn cách PCCC, vì thế, nếu có vụ cháy nhỏ xảy ra, chúng tôi hoàn toàn có thể xử lý được.
Tin báo cháy giả hầu hết là do hộ dân tự gọi cứu hộ đến. Còn nếu bảo vệ tòa nhà gọi đến mà không cháy, chúng tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Chúng tôi chỉ báo cháy khi xác minh được là có vụ cháy nổ lớn ngoài tầm kiểm soát, khi đó sẽ cắt điện, phát loa cảnh báo, hỗ trợ người dân di chuyển xuống tầng 1 và gọi cứu hỏa tới".
Chuyện báo cháy giả nghe có vẻ vô thưởng vô phạt theo kiểu "giết nhầm còn hơn bỏ sót" nhưng nếu cứ lặp lại nhiều lần sẽ rất nguy hiểm bởi dần dần nó khiến người dân chủ quan, lúc có hỏa hoạn xảy ra vẫn ung dung là chuông báo giả mà không có bất cứ biện pháp phòng tránh nào kịp thời.
Việc bấm chuông báo cháy phụ thuộc nhiều vào ý thức của mỗi người dân, tuy nhiên, khi nghe tiếng chuông báo cháy, tốt nhất là nên xác minh xem có đúng hay không.
Nếu địa điểm có dấu hiệu cháy ở gần, mọi người có thể chủ động xem xét hoặc báo ngay cho ban quản lý, bảo vệ tòa nhà kiểm tra.
Điều này cũng hạn chế được tình trạng báo cháy giả và nhất là tránh được kiểu nháo nhác chạy mỗi khi còi báo cháy vang lên.
Ngoài ra, mỗi người nên chuẩn bị cho mình kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy như cách sử dụng bình cứu hỏa, cách tránh bị ngạt khói...
Thiếu tá Bùi Đăng Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 3 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, mỗi tuần, đơn vị tiếp nhận không dưới chục cuộc điện thoại báo cháy giả.
Theo Thiếu tá Tuấn, nhằm kết nối với người dân, để tiếp nhận thông tin hỏa hoạn được nhanh chóng, kịp thời, như các cơ quan khác, ngành Phòng cháy chữa cháy cũng có số điện thoại tổng đài, đồng thời mỗi Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khu vực đều có số điện thoại riêng để người dân liên lạc mỗi khi có sự cố.
Cũng vì thế, một số người dân có thói quen xấu gọi tới số tổng đài Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy để báo tin giả.
“Tình trạng này ngày trước rất nhiều, nhiều người có thói quen xấu là lôi máy điện thoại ra ấn số máy phòng rồi điện báo cháy giả nhưng đa phần dùng sim rác.
Việc báo cháy giả không chỉ khiến người dân tòa nhà hay khu vực xung quanh bức xúc lo lắng mà còn khiến lực lượng chức năng Phòng cháy chữa cháy mất thời gian công sức vì thế mọi người phải xác định được chính xác có phải cháy thật không trước khi báo”, thiếu tá Tuấn nói.