Xã Nhật Tân là một xã đa làng nghề, các hộ dân ở đây chủ yếu sống bằng các nghề như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, dệt, mộc, gia công cơ khí, sơn mài xuất khẩu… Tất cả nước sinh hoạt đều đổ về các ao, hồ nằm xung quanh xã. Khiến môi trường sinh thái ở đây bị ô nhiễm nặng. Những ao nước thải không thoát được, chất thải hữu cơ đặc quánh như đầm lầy.
Sau khi trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên môi trường Hà Nam đã về lấy mẫu nước tại hai địa điểm tập trung nước thải của xã. Kết quả cho thấy, nhiều thông số vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt hàng trăm lần. Như: chỉ số BOD5, tiêu chuẩn cho phép là 50mg/lít nhưng đo ở hố ga trước xử lý trạm số 1, con số này lên tới 240mg/lít; ở trạm số hai chỉ số BOD5 lên tới 400mg/lít…
Hai công trình xử lý nước thải vừa xây xong đã bỏ hoang
Để khắc phục và xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại xã Nhật Tân. Chương trình hợp tác phát triển trong lĩnh vực môi trường Việt Nam – Đan Mạch đã chọn xã Nhật Tân làm thí điểm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực đông dân nghèo với hai trạm xử lý nước thải. Chương trình này do nguồn vốn của Văn phòng hỗ trợ Chương trình DCE của Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ và chủ đầu tư là Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Hà Nam.
Sau khi lên kế hoạch, hai trạm xử lý nước thải này được khởi công vào tháng 6/2010 và hoàn thành vào tháng 12/2010 , với t ổng mức đầu tư là 5,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân xã Nhật Tân cho biết sau khi hoàn thành thì hai nhà máy này chỉ chạy thử nghiệm khoảng 1 tuần thì hoàn toàn “im tiếng” cho đến nay thì tình vẫn không hề hoạt động
Theo quan sát, thì hai trạm nước thải đã có dấu hiệu xuống cấp do không được hoạt động cũng như bảo dưỡng thường xuyên. Hai trạm xử lý nước thải hiện nay được đóng cửa khóa cẩn thận. Đường dẫn vào trạm và khuôn viên bên trong không được dọn dẹp thường xuyên đã phủ đầy rêu và cây cỏ.
Trạm xử lý nước khóa cửa im ỉm.
Một số người dân sống xung quanh trạm xử lý nước thải bức xúc : “Khi khởi công xây dựng họ bảo khi xử lý nước sẽ trong như nước giếng khoan. Mà hai cái trạm này chỉ chạy được có gần 1 tuần thử nghiệm. Hai trạm thì xây tiền tỷ , xây xong lại bỏ hoang, trong khi ô nhiễm thì vẫn còn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Tình, Chủ tịch UBND xã Nhật Tân cho biết: “Sau khi được bàn giao hai trạm xử lý nước thải này, do không có kinh phí hoạt động nên chúng tôi không thể vận hành được.
Nếu vận hành các trạm này một cách thường xuyên, thì kinh phí khoảng 5 triệu đồng/tháng gồm tiền mua hóa chất, tiền điện, nhân công... Nhưng hiện nay, nguồn kinh phí không có, cũng không thể huy động được từ người dân”.
Mặc dù có trạm xử lý nước thải, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra do cả hai công trình không hoạt động
Ông Tình còn cho biết thêm, vào tháng 4/2012, sét đã đánh trúng các trạm làm hỏng đồng hồ điện của một trạm, trạm còn lại thì bị hỏng rơ - le trong máy, từ đó đến nay các trạm không thể hoạt động cũng bởi lý do này.
Từ khi dự án được hoàn thành đến nay hai công trình tiền tỷ này vẫn “đắp chiếu” nằm đấy. Trong khi trạm xử lý nước thải tại các địa phương khác hoạt động hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường sống của người dân thì tại Nhật Tân, một khu vực tổng hợp rất nhiều nguồn nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt thì hai trạm lại đóng cửa để đấy.
Thiết nghĩ, để không lãng phí một công trình tiền tỷ, đồng thời, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, các cấp lãnh đạo, ngành chức năng tỉnh Hà Nam cần phải vào cuộc tích cực, sớm đưa công trình đi vào hoạt động.