"Hà cớ gì hỏi ông nọ bà kia ca sĩ, diễn viên sao ứng cử ĐBQH?"

Ngọc Lương |

"Làm ĐBQH, đại biểu HĐND cũng là để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chính vì thế, hà cớ gì chúng ta lại đặt dấu hỏi ông nọ bà kia làm ca sĩ, diễn viên tại sao lại ra ứng cử ĐBQH?", TS Nguyễn Viết Chức đặt câu hỏi.

­­­TS Nguyễn Viết Chức (ảnh)- Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa xã hội của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nói với PV NTNN/Dân Việt rằng: “Chúng ta không nên định kiến với người ra ứng cử đại biểu Quốc hội về nghề nghiệp của họ mà vấn đề cần quan tâm là họ có đủ tiêu chuẩn hay không”.

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV khi có rất nhiều người thuộc đủ các thành phần xã hội tham gia?

- Tôi không đi vào từng trường hợp cụ thể thế nào. Tôi nghĩ xu hướng tự ứng cử rồi sẽ còn phong phú hơn nữa, bởi tự ứng cử là trách nhiệm công dân.

Đã là công dân thì dù làm bất cứ ngành nghề gì, ở giai tầng hay địa vị nào, miễn là công dân có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn đều có quyền ra ứng cử ĐBQH.

Chúng ta phải hoan nghênh những người thuộc nhiều thành phần khác nhau khi họ ra ứng cử ĐBQH. Đừng đặt vấn đề ông này làm diễn viên hài thì không làm được ĐBQH.

Diễn viên hài là nghề của ông ấy, còn nếu đã là ĐB thì ông ấy phải thực hiện chức trách của người ĐB.

Hay người đó là doanh nhân, ca sĩ cũng vậy. Là ca sĩ thì không phải họ ứng cử ĐBQH để vào đó hát.

Chúng ta là những cử tri thì không nên định kiến với nghề nghiệp của người ra ứng cử ĐBQH mà điều cần quan tâm là họ có đủ tiêu chuẩn hay không.

Hiện nay chúng ta vẫn chưa tạo điều kiện để người ứng cử có điều kiện được tranh cử, vận động tranh cử một cách bài bản. Điều này có làm ảnh hưởng tới chất lượng của người ra ứng cử và sự lựa chọn của cử tri không, thưa ông?

- Ở nước ta chương trình đó chưa phải là kéo dài nhưng cũng dành một thời lượng nhất định để vận động bầu cử. Trong lúc vận động bầu cử, người đó sẽ phải báo cáo trước cử tri, như ở các nước gọi là tranh cử.

Anh phải có cuộc vận động bầu cử, phải có chương trình hẳn hoi.

Lúc đó cử tri đánh giá xem hoạt động quá khứ của người ứng cử là gì, hoạt động hiện tại là gì, nhân thân thế nào, năng lực trình độ đến đâu thông qua vận động bầu cử để cử tri lựa chọn.

Tôi cho rằng lượng người ra ứng cử càng phong phú càng tốt. Bởi như vậy có nhiều người ở các tầng lớp xã hội khác nhau, ngành nghề khác nhau đều quan tâm đến chính trị, như vậy là rất tốt.

Như thế càng làm phong phú hơn, sinh động hơn trong hoạt động bầu cử.

Nếu đại diện cho nhân dân càng có nhiều thành phần khác nhau trong xã hội thì tiếng nói trong Quốc hội càng đa dạng, sâu sắc, xác thực hơn với tâm tư nguyện vọng của người dân.

Ngày 15.3, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, dự kiến ngày 17.3 sẽ tiến hành hiệp thương lần hai. Lần hiệp thương này sẽ lập danh sách sơ bộ những người ứng cử sau đó gửi về địa phương lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi người ứng cử cư trú.

Làm ĐBQH, đại biểu HĐND cũng là để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chính vì thế, hà cớ gì chúng ta lại đặt dấu hỏi ông nọ bà kia làm ca sĩ, diễn viên tại sao lại ra ứng cử ĐBQH?

Thưa ông, chúng ta không định kiến với người tự ứng cử nhưng làm sao để tránh trường hợp ra ứng cử chỉ để nhằm đánh bóng tên tuổi?

- Chỗ này là chỗ rất là tế nhị, chính vì thế mới có hiệp thương.

Hiệp thương để đánh giá, cân nhắc trên chính hoạt động của người ứng cử đó. Bản thân của người đó hoạt động quá khứ thế nào, hiện tại thế nào và cũng có thể xem điều kiện của họ có thể tham gia hoạt động Quốc hội có đảm bảo hay không.

Còn nói ông tự ra ứng cử là để đánh bóng tên tuổi là rất là khó, vì rất khó có căn cứ để trả lời việc đó.

Tôi tin những người được lựa chọn để làm hiệp thương là những người có trọng trách, có đủ trình độ năng lực trình độ, để làm sao việc hiệp thương đạt mục đích, không phạm luật, không mắc phải những lỗi kỹ thuật. Việc trao đổi phải rất tinh tế, có thể là gợi ý cho người ứng cử nên hay không nên ứng cử.

Nói tóm lại là quá trình hiệp thương là muôn hình vạn trạng, có một nghìn lẻ một trường hợp khác nhau. Chúng ta phải đặt niềm tin vào những người được tổ chức phân công làm công tác hiệp thương.

Cuối cùng tôi muốn nói là phải tin vào lá phiếu của cử tri. Tôi cũng muốn nhắn nhủ rằng mỗi cử tri đừng đánh mất quyền của mình khi nhờ người khác đi bầu hộ.

Có nhiều ý kiến cho rằng ở kỳ Quốc hội khóa XIII có 2 trường hợp tự ứng cử và trở thành ĐBQH nhưng sau đó bị Quốc hội miễn nhiệm vì vi phạm pháp luật. Chính vì thế khi hiệp thương cần phải có lựa chọn một cách kỹ lưỡng, đặc biệt với những trường hợp tự ứng cử, ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ những người tham gia vòng hiệp thương không có khả năng làm được việc đó. Đừng đặt vấn đề một người hôm nay tốt thì ngày mai vẫn sẽ tốt.

Ở một xã hội năng động như hiện nay, có thể nói mỗi người luôn có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức, cám dỗ. Chúng ta phải chia sẻ rằng hôm nay có thể họ đúng, nhưng ngày mai có thể không tỉnh táo, có thể sai lầm.

Một người là người tốt, thậm chí là anh hùng rồi nhưng không có nghĩa ngày mai ngày kia họ vẫn là anh hùng, nếu họ không tiếp tục rèn luyện bản thân.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại