Hoa tươi…là xa xỉ
Những người giáo viên hàng ngày vẫn băng rừng, vượt đèo dốc nguy hiểm để gieo ước mơ cho học sinh miền núi; những người thầy cô bỏ nhà ra ra với hải đảo xa xôi để dạy chữ, rèn người cho đứa trẻ sông nước…
Họ là những chiến sỹ âm thầm lặng lẽ cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Ngày 20/11 đối với họ không cầu kỳ, khoa trương, đôi khi chỉ là những bó hoa rừng học sinh tự hái hay chỉ là lời chúc mừng chân thành từ các em cũng đủ ấm lòng.
27 năm công tác trong nghề giáo, cô Nguyễn Thanh Thiêm (Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Đất Mũi, Cà Mau) đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ 20/11. Vì ở đây không có hoa tươi nên cô Thiêm chỉ nhận được những bông hồng bằng giấy, nhựa từ những học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thanh Thiêm trong buổi tuyên dương 28 nữ giáo viên tiêu biểu vùng cao, vùng xa, hải đảo do Bộ GD&GD tổ chức (ảnh Thiên Di).
“Trong thư em ấy nói rằng lúc này em đã lớn khôn, không còn thơ bé như ngày xưa…và bày tỏ tình cảm ôn lại kỷ niệm thầy trò. Đọc xong bức thư, mình rất xúc động và hạnh phúc”, cô Thiêm kể lại.
Cũng giống như cô Thiêm, cô giáo Đàm Thị Nhạc (giáo viên Trường Tiểu học Đại Tiến, Hòa An, Cao Bằng) tâm sự, học trò của mình không có điều kiện tặng hoa nên đã tự hái hoa rừng về bó thật đẹp để tặng thầy cô.
Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên bước vào nghề, cô Nhạc kể: “Bao nhiêu học sinh là có bấy nhiêu hoa, không phải hoa đắt tiền hay món quà gì cả mà đó là tấm lòng. Có em còn mang cho cô rau rừng, đồ ăn cho cô nấu cơm vì ở đó 5 ngày mới có phiên chợ, 5 ngày mới có một chuyến xe nên điều kiện rất khó khăn cho các cô sinh hoạt. Mình nhận thấy tình cảm học sinh, người dân là đáng quý nhất đối với mỗi người giáo viên”.
Tâm sự về ngày tôn vinh nhà giáo Việt Nam, cô giáo Lường Thị Phong (Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Bon, huyện Phù Yên, Sơn La) nói: “Trên này người dân đều bận việc nương rẫy và họ không nhận thức tặng hoa cho thầy cô giáo ngày 20/11 nên họ chúc mừng thôi. Chợ ở xa nửa ngày mới đến, đường đi khó nên chẳng bao giờ thầy cô trên này nhận được hoa tươi”.
Cô khóc vì chưa hiểu được tiếng Dao
Ôn lại những kỷ niệm trong nghề, cô giáo Nhạc kể năm đầu tiên (1999) được phân công dạy 6 năm ở trường của huyện Bảo Lạc, Cao Bằng (huyện vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn). Lúc đó, cô dạy lớp 1, vì không biết tiếng Dao, bất đồng ngôn ngữ nên cô làm việc cô, trò làm việc trò. Không biết phải làm thế nào, cô ngồi khóc và sau đó gọi học sinh lớp trên “phiên dịch” để dạy.
Đó là những ký ức không bao giờ quên, là nguồn động lực cho mình cố gắng hơn nữa, cô Nhạc chia sẻ: “Mỗi ngày đi dạy là một niềm vui. Đến bây giờ mình chưa thấy hối hận vì chọn nghề này”.
Dù vất vả khó khăn chồng chất, nhưng những người giáo viên "gùi chữ lên non" vẫn đam mê nghề, yêu trẻ.
Nhân ngày 20/11, những giáo viên ấy mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm hơn đối với giáo dục ở vùng cao, vùng sâu, xa về cơ sở vật chất, mức thu nhập phải đảm bảo cho giáo viên và có nhiều chế độ, chính sách thu hút giáo viên dạy học vùng khó khăn.
Cô Thiêm nói rằng 27 năm công tác, chưa bao giờ có tư tưởng bỏ nghề. Xác định vào ngành là vất vả nên mọi khó khăn đều nỗ lực vượt qua. Không chỉ cô giáo Thiêm, mà rất nhiều những giáo viên "bỏ chồng, bỏ con", xa nhà vẫn tiếp tục “bám dân, bám trường” dạy học sinh từng nét chữ, nết người ở những nơi địa đầu của tổ quốc.