Biểu đồ sự mất cân đối tiết kiệm và đầu tư tại Việt Nam giai đoạn 2001 - 2011.
Ông Hà Văn Hiền lần chót ký vào bản kiến nghị “Kinh tế VN - những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn” với tư cách Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH khóa XII. Bản kiến nghị được gửi đến QH khóa XIII trong bối cảnh lạm phát, bất ổn kinh tế đã trở thành thách thức lớn nhất đối với Chính phủ, đất nước trong năm nay. 10 kiến nghị cụ thể được đưa ra:
Kiến nghị 1:Để nền kinh tế phát triển bền vững trong trung và dài hạn cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
UB Kinh tế chỉ ra nghịch lý: dưới áp lực của chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng phải đánh đổi bằng bất ổn vĩ mô. Vì vậy, việc hình thành một “chủ thuyết phát triển kinh tế” riêng cho Việt Nam trong đó ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu và xuyên suốt sẽ là tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong những giai đoạn (chu kỳ) tiếp theo.
Kiến nghị 2:Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững là một yêu cầu cấp bách để giải quyết tận gốc rễ các nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô trong ngắn hạn.
Theo đó, bất ổn vĩ mô tái diễn có tính chu kỳ trong vài năm qua chứa đựng nguy cơ tạo vòng xoáy bất ổn và xu hướng suy thoái trong trung và dài hạn rất đáng lo ngại. Trong giai đoạn 2006-2010, bằng phép tính cộng dồn đơn giản, một số chuyên gia chỉ ra rằng lạm phát (CPI) đã tăng gần 60% trong khi tổng tăng trưởng GDP chỉ đạt 35,1%. Chưa tính đến việc phân bổ lợi ích và thành quả của tăng trưởng đang có xu hướng tập trung cho nhóm người giàu và đầu cơ, chỉ hai con số nêu trên đã đủ chứng tỏ thu nhập 7 thực tế và mức sống thực của người dân, nhất là người nghèo, đã bị giảm sút rất mạnh.
UB Kinh tế cho rằng cần tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, loại bỏ những ngân hàng quá yếu kém, là tác nhân của các cuộc đua lãi suất, gây bất ổn và rủi ro cho toàn hệ thống.
Kiến nghị 3:Thay đổi chiến lược phát triển công nghiệp dựa chủ yếu vào khu vực kinh tế nhà nước mà không xét tới yếu tố lợi thế so sánh, khuyến khích các ngành và khu vực có lợi thế so sánh và hiệu quả hơn.
Thêm một “nghịch lý” khác được chỉ ra: các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nhận được nhiều ưu đãi về tín dụng và chiếm tỷ trọng chi phối trong các dự án đầu tư công lớn. Trong khi đó, khu vực tư nhân dù được đánh giá là hiệu quả hơn so với khu vực nhà nước trong tạo việc làm và xuất khẩu, lại đang bị “lấn át”. Điều này sẽ không thể mang lại cho các ngành công nghiệp Việt Nam cạnh tranh quốc tế.
Kiến nghị 4:Để giải quyết triệt để thâm hụt thương mại, một trong những cân đối vĩ mô quan trọng trong nền kinh tế, bên cạnh chính sách tỷ giá, công cụ hành chính hay phát triển công nghiệp hỗ trợ thì vấn đề mấu chốt cần xử lý trong trung và dài hạn là chênh lệch tiết kiệm và đầu tư trong nền kinh tế.
Căn nguyên gốc rễ của thâm hụt thương mại là sự chênh lệch tiết kiệm - đầu tư trong nước chưa được giải quyết triệt để. Chừng nào chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư còn chưa được thu hẹp thì vấn đề nhập siêu chắc chắn sẽ tiếp tục kéo dài. Trong thập niên qua, do tiết kiệm trong nước thấp không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư tăng cao nhưng kém hiệu quả dẫn đến tình trạng thâm hụt kéo dài và sâu sắc hơn.
Kiến nghị 5:Kiên quyết cắt giảm đầu tư công và tăng cường kỷ luật tài khóa để giảm thâm hụt ngân sách và ổn định nợ công là yếu tố quan trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.
Biểu đồ tỷ lệ lạm phát năm 2011 so với các năm trước đó.
Kiến nghị 6:Xây dựng nguyên tắc và cơ chế phối hợp trong việc hoạch định và thực thi sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách nhất quán và cùng hướng tới các mục tiêu ưu tiên của đất nước.
Trong nhiều năm, các mục tiêu và định hướng chính sách thay đổi và chuyển hướng khá nhanh: từ ưu tiên cho tăng trưởng trong năm 2007, đến kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô trong năm 2008, đến kích thích kinh tế trong năm 2009, phục hồi tốc độ tăng trưởng, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2010 và kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô trong năm 2011. Điều này thể hiện, việc điều hành chính sách có biểu hiện bị động, chạy theo tình thế, nặng về đối phó, xử lý những mục tiêu ngắn hạn.
Kiến nghị 7:Tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm nhiệm vụ cơ bản là khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng thay vì đóng vai trò “chủ đạo” bằng cách đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay.
UB Kinh tế cho rằng, cần tạm dừng thành lập Tập đoàn kinh tế nhà nước mang tính hành chính không phù hợp với quy luật phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Đánh giá toàn diện hiệu quả những tập đoàn đã thành lập trong các năm qua làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện chủ trương này.
Kiến nghị 8:Phát triển đồng bộ và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, giảm thiểu rủi ro thông qua hệ thống giám sát an toàn thị trường tài chính nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng là nền tảng cơ bản để ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
Kiến nghị 9:Kiểm soát hiệu quả các dòng vốn vào - ra (đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, hỗ trợ phát triển chính thức - ODA, và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài - FII) là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm ổn định vĩ mô cũng như giảm thiểu rủi ro khủng hoảng tài chính trong trung và dài hạn.
Giải pháp đề ra là sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính cho Việt Nam để phát hiện kịp thời những rủi ro liên quan đến khu vực tài chính và sự dịch chuyển của các dòng vốn vào nền kinh tế.Kiến nghị 10:Trong trung và dài hạn, phát triển nông nghiệp, nông thôn cần được coi là chính sách ưu tiên trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể.
Theo Dân Trí