GS Phan Huy Lê: Chính nghĩa và pháp lý thuộc về Việt Nam

Chính nghĩa thuộc về Việt Nam. Nước ta phải biết phát huy thế mạnh chính nghĩa và công cụ pháp lý để tạo nên sức mạnh dân tộc.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã trở thành một Hiến chương của tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là đối với quốc gia biển và hải đảo. Trung Quốc là nước đã tham gia ký kết Công ước này.

Tuy nhiên, việc đưa giàn khoa Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm Luật Biển năm 1982, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Hơn nữa, Trung Quốc còn đem theo một đoàn tàu hộ tống lớn, trong đó có tàu chiến và dùng tàu tàu đâm, phun vòi rồng với tần suất cao vào tàu Việt Nam là hành động dùng vũ lực đe dọa trực tiếp Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc trong quan hệ giữa các nước và đặc biệt là Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với các nước ASEAN năm 2002. Đây là một sự vi phạm luật pháp quốc tế đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa ra hai lập luận hết sức phi lý và phi pháp để biện hộ cho hành động của mình. Đó là việc coi giàn khoan nằm gần đảo Tri Tôn thuộc chủ quyền của Trung Quốc và nằm trong “đường lười bò” là vùng biển lịch sử của nước này.

  • Đảo Tri Tôn - một lập luận “tráo trở”

Giáo sư (GS) Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhắc lại các căn cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của Việt Nam đối với quần đào Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn.

Năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Chính quyền Sài Gòn đã cực lực phản đối, lên án hàng động xâm lược này. Từ năm 1975, đất nước thống nhất, chính quyền Việt Nam liên tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Nay Trung Quốc lại lấy hàng động xâm lược trong quá khứ làm lập luận biện hộ cho hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam hiện nay. Về lịch sử, đấy là một sự tráo trở trắng trợn, hết sức phi pháp.

“Đường lưỡi bò”- một yêu sách phi lý và ngang ngược

Theo Giáo sư Phan Huy Lê, việc đưa ra lập luận “đường lưỡi bò “ hay “đường chín đoạn” phản ánh tham vọng mang tính bàng trướng rất phi lý và ngang ngược của Trung Quốc. Năm 1947, một cán bộ Cục Nội chính của Trung Hoa dân quốc tự tiện vẽ lên bản đồ Trung Quốc “đường 11 đoạn” bao quát đến gần 80% Biển Đông, ăn sâu cả vào vịnh Bắc Bộ và xâm lấn lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển Đông Nam Á, mà sau này quen gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chữ U”. Điều ngạc nhiên là từ năm 1948, Trung Hoa dân quốc rồi CHND Trung Hoa đưa “đường lưỡi bò” vào trong bản đồ Trung Quốc, chỉ có một chỉnh sửa là bỏ hai khúc ăn sâu vào vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, còn lại 9 đoạn nên cũng được gọi là “đường 9 đoạn”.

Năm 2009, Trung Quốc trình bản đồ đó lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ngay lập tức, Việt Nam và nhiều nước ASEAN cũng như dư luận quốc tế đã kịch liệt phản đối. Tại nhiều Hội nghị quốc tế về Biển Đông, nhiều học giả đã chất vấn và Trung Quốc không thể đưa ra được bất cứ bằng chứng nào kể cả lịch sử và pháp lý để giải thích cho tấm bản đồ “đường lưỡi bò”. Trên thực tế, họ không có một bằng chứng nào hết, ngay cả tọa độ cũng không xác định. Đây là một đòi hỏi cực kỳ ngang ngược, phi lý, phi pháp.

Bất chấp sự phản đối của thế giới, Trung Quốc vẫn đưa “đường lười bò” vào các bản đồ chính thức của họ và từng bước thăm dò rồi áp đặt vào thực tế, hiện thực hóa tham vọng bàng trướng của họ.

GS Phan Huy Lê cho rằng, cần coi đây là một chiến lược độc chiếm Biển Đông hết sức nguy hiểm, không chỉ đe dọa chủ quyền biển đảo của Việt Nam và nhiều nước ASEAN, mà còn đe dọa an ninh, an toàn của con đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông. Đây là một trong những con đường hàng hải sầm uất bậc nhất của thế giới với khoảng 1/3 lưu lượng hàng hóa giao thương từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.

  • Giáo sư Phan Huy Lê
  • GS Phan Huy Lê khẳng định, việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chính là một bước thăm dò để hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò”. Chắc chắn Trung Quốc không dừng lại ở đây mà còn lấn tới và mà tùy theo sức đấu tranh của quốc gia bị xâm lấn và phản ứng quốc tế để mở rộng sự áp đặt đối với các quốc gia ven biển khác.

Theo GS Phan Huy Lê, chúng ta cần vạch trần, phê phán tham vọng bành trướng xuống Biển Đông của Trung Quốc mà việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một bước thăm dò. Đây là một hành động có tính toán rất kỹ của Trung Quốc nhằm từng bước thực hiện chiến lược bành trướng xuống Biển Đông mà yêu cầu bảo vệ độc lập chủ quyền của các quốc gia, yêu cầu bảo vệ hòa bình, an toàn của khu vực Đông Nam Á, yêu cầu bảo đảm an toàn và tự do hàng hải quốc tế đòi hỏi dư luận quốc tế và các nước trong khu vực và trên thế giới cần lên tiếng và tham gia cuộc đấu tranh chung.

Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại sẽ làm nên thắng lợi

GS Phan Huy Lê nhấn mạnh, trong cuộc đấu tranh chống hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, chính nghĩa và pháp lý thuộc về chúng ta. Vấn đề đặt ra là Việt Nam phải biết phát huy ưu thế đó để tạo nên sức mạnh của cuộc đấu tranh. Trên nguyên tắc đây là sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Trung Quốc là một nước lớn, đang trỗi dậy rất mạnh mẽ, đã đạt tới nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Nếu xét về lực lượng quân sự, quân số, trang thiết bị vũ khí, phương tiện chiến tranh, đất rộng dân đông, tiềm lực kinh tế, thì Việt Nam là một nước nhỏ. Trong tương quan lực lượng như vậy, người dân trong nước và bạn bè quốc tế, có người lo lắng cho Việt Nam.

Tuy nhiên, theo phân tích của GS Phan Huy Lê, về mặt lịch sử, trong quá khứ Việt Nam đã nhiều lần phải đấu tranh chống ngoại xâm, mà phần lớn là những đế chế hùng mạnh của phương Đông hay trên thế giới. Thời Trần nước Đại Việt đã ba lần đánh thắng quân xâm lược của đế chế Mông Cổ và đế chế Đại Nguyên, một đế chế lớn mạnh nhất trên thế giới đương thời, đã làm chủ một đế chế trải rộng từ Thái Bình Dương sang Hắc Hải, đánh bại biết bao quốc gia và đế chế khác kể cả nước Tống của Trung Quốc.

Hầu hết các cuộc kháng chiến của Việt Nam đều diễn ra trong tương quan lực lương rất chênh lệch như vậy. Từ thực tế đó, nhiều anh hùng dân tộc đồng thời là nhà chiến lược quân sự kiệt xuất đã tổng kết ta chiến thắng bằng cách “lấy ngắn chống dài” (Trần Quốc Tuấn) hay “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” (Nguyễn Trãi), “người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo chứ không phải lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hiếp ít” (Nguyễn Huệ)…

Trong lịch sử trường tồn của mình, dân tộc ta đã phải đấu tranh và đánh thắng nhiều kẻ thù lớn mạnh hơn mình nhiều lần. Gần đây, kháng chiến chống Pháp (1945-1954), kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) cũng diễn ra trong so sánh lực lượng như vậy. Đấy là một chân lý của lịch sử Việt Nam.

Về mặt sức mạnh của một dân tộc, quan niệm về sức mạnh có nhiều cách hiểu và lý giải khác nhau. Một quan niệm thông thường là tính toán bằng số lượng và trang bị của quân đội, bằng diện tích đất đai và dân số, bằng tổng thu nhập quốc nội… Nhưng trong lịch sử chống ngoại xâm thì sức mạnh của dân tộc còn bao hàm nhiều nhân tố khác quan trọng hơn nhiều.

Đối với dân tộc ta, đó là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần và ý chí độc lập, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của nền văn hóa, của trí thông minh sáng tạo. Chính bằng sức mạnh tổng hợp đó, Việt Nam đã giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Đóng góp thêm vào nội lực tiềm tàng đó, trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình, Việt Nam còn tranh thủ được sức mạnh của thời đại, sự ủng hộ của dư luận quốc tế, của nhân dân các nước kể cả nhân dân nước đi xâm lược.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, chúng ta phải tạo nên sự đồng lòng nhất trí của toàn dân, phát huy cao độ của tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết dân tộc. Đồng thời phải đẩy mạng cuộc đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý, tranh thủ sự động tình của dư luận quốc tế, sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước. Công cụ pháp lý cần được vận dụng một cách hiệu quả.

GS Phan Huy Lê nhận định, đây là cơ hội để Việt Nam tính toán việc kiện Trung Quốc ra trước Tòa án trọng tài quốc tế căn cứ vào Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Dĩ nhiên, việc này cần giao cho các chuyên gia pháp lý nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm của Philippines và đưa ra giải pháp tối ưu./.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại