GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi cũng được “hối lộ”…

Thiên Di |

(Soha.vn) - Cuối năm, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng trò chuyện về nạn hối lộ, đời sống giáo viên, chương trình SGK và khi bàn về thưởng Tết giáo viên, GS phải thốt lên: "Họ ăn Tết với 100 nghìn đồng à?".

PV: Xin chào Giáo sư! GS có thấy không khí Tết ở Hà Nội kém hào hứng, tươi vui hơn năm trước bởi năm nay nền kinh tế khó khăn hay là vì người ta không coi trọng cái Tết cổ truyền như trước nữa?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Không hẳn như vậy. Tôi thấy Hà Nội vẫn đông vui, tấp nập lắm, hàng hóa ê hề, người mua cũng vẫn nhiều, quà cáp vẫn tới tấp chuyển từ cấp dưới lên cấp trên (!). Bao giờ hết tệ nạn hối lộ nhỉ?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng mặc dù tuôi đã cao nhưng vẫn luôn trăn trở, tâm huyết với mong muốn thay đổi Chương trình Sách giáo khoa Sinh học, lo lắng đời sống người dân, người giáo viên.

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng mặc dù tuôi đã cao nhưng vẫn luôn trăn trở, tâm huyết với mong muốn thay đổi Chương trình Sách giáo khoa Sinh học, lo lắng đời sống người dân, người giáo viên.

Tôi cũng được "hối lộ", nhưng chỉ là những cành đào, cành mai rất đẹp do nông dân những nơi tôi giúp đỡ gửi tặng. 

Hối lộ chỉ đáng chê trách khi là việc bó buộc phải tặng cấp trên để họ "nhớ mặt, nhớ tên". Điều này thật là nghịch cảnh khi khắp nơi đang triển khai việc học Nghị quyết Trung ương 4 (!). 

Dù sao dạo một vòng đến các khu chợ lao động vẫn thấy thật bức xúc. Bao nhiêu trai tráng vui lòng nhận bất kỳ việc làm gì với giá 40.000đ/ 1 giờ. Và có khi cả ngày họ không kiếm được giờ nào. Rất nhiều người cố ở lại làm đến tận 30 Tết để có ít tiền mang về quê. 

Lại nhớ đến những câu thơ chua xót của nhà thơ tật nguyền Trần Hồng Giang (Nam Định):

Áo cơm năm tháng mỏi mòn

Đói lòng đành phải gửi hồn lại quê

Lơ ngơ xớn xác vỉa hè

Sức dài vai rộng muốn khoe với đời

Bán lẻ từng giọt mồ hôi

Sẻn so cả những nét cười héo hon…

Thung thăng chiếc điếu cày con

Bụm môi thả những vòng tròn quẩn quanh

Hỏi rằng có muốn lợi danh?

Xua tay thôi chả muốn thành thị dân!

Giàu sang thấy rõ là gần

Mà như con lũ cứ bằn bặt trôi

Phấn son có trát lên môi

Xác thân cũng vẫn thế thôi… ích gì!...

Cần chi tính toán, so bì

Của trong thiên hạ có gì mà tham!

Cơ hàn thì đã cơ hàn

Phung phí chi tiếng thở than với đời

Đưa tay quệt ngang mặt người

Bao khó nhọc chợt như vơi ít nhiều.

Lang thang như một con diều

Tấm thân quăng quật bao chiều bão giông

Thoảng buồn rồi lại như không

Nhà quê vẫn cứ một lòng nhà quê

Vẫn cười vẫn nói hả hê

Kiếm tiền đủ sẽ lại về làng thôi!

Thật là những vần thơ rất hay nhưng rất đáng để suy nghĩ.

PV: Và cuối năm người ta hay nhắc đến thưởng Tết, nhất là lương thưởng giáo viên là “tâm điểm” của nhiều cuộc trò chuyện. Là một nhà giáo nhân dân, GS có buồn không?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi gặp một đồng chí Bí thư huyện ủy thân quen, anh ấy tâm sự: "Tôi đang lo quá anh ạ, làm sao có quà Tết kịp cho các thầy cô giáo trong Huyện". 

"Anh định tặng mỗi giáo viên bao nhiêu?". 

" Chỉ 100 nghìn thôi anh ạ!". 

"Họ ăn Tết với 100 nghìn đồng à?". 

"Anh ơi Huyện tôi có tới 2.000 thầy cô giáo cơ mà, tôi đào đâu ra 200 triệu đồng ngay bây giờ?".

Đấy, thực tế ở một huyện đồng bằng còn như vậy. Không hiểu với các thầy cô giáo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn đến đâu. Họ có đủ tiền mua vé tàu xe về quê thăm cha mẹ anh em khi cả năm mới chỉ có một dịp duy nhất này hay không? Bao giờ chúng ta thực thi chế độ luân chuyển giáo viên?

Có lần tôi đến thăm một trường rất đẹp (do có tiền tài trợ của nước ngoài) cách thị trấn Sa Pa khoảng 10 km. Gặp mấy cô giáo rất trẻ trung, năng động. Các cô cực kỳ vất vả vì phải đi rất xa lấy nước về rửa mặt mũi, chân tay cho học sinh trước khi vào lớp (!). 

Gian khổ các cô không ngại ngần nhưng chỉ bẽn lẽn tâm sự: "Chúng em ế hết thôi Thầy ạ. Ở đây thanh niên người dân tộc họ đâu có lấy chúng em!". Nghe thật chua xót quá.

Sáng nay xem TV thấy người ta tặng nhau trong dịp Tết này những dược phẩm quý giá đắt tới hàng tỷ đồng (!). Bao giờ hạnh phúc mới được chia sẻ cho đồng khắp cho mọi người trong xã hội?

PV: Có ý kiến nói rằng, lương giáo viên thực ra là ổn định và không hề ít nếu tính theo thời gian làm việc, vậy quan điểm của GS là như thế nào?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Hiện nay có trên 7 triệu người ăn lương giáo viên nên nghĩ đến chuyện tăng lương để nâng cao mức sống cho giáo viên là điều... không tưởng. 

Các Tiến sĩ trẻ tuổi ở các nước phát triển có lương thấp ra cũng khoảng 6.000 USD. Con gái tôi có bằng Tiến sĩ tại Mỹ và về làm việc tại Viện chúng tôi lương chỉ có 3 triệu đồng theo quy định chung (khoảng 150 USD!). 

Vấn đề là lương ai cũng thấp nhưng không thấy ai "dứt bữa", bởi vì ai cũng nghĩ cách làm thêm bằng đủ mọi cách.

Lương giáo viên, đời sống giáo viên luôn là vấn đề xã hội quan tâm.

Lương giáo viên, đời sống giáo viên luôn là vấn đề xã hội quan tâm.

Viện chúng tôi đang phấn đấu xây dựng một phân xưởng pilot để đưa các kết quả nghiên cứu thành hàng hóa, nhằm góp phần cải thiện mức sống cho mọi thành viên trong Viện. Nhưng với các giáo viên phổ thông thì biết làm gì thêm, trong khi sở trường là "dạy thêm" lại đang bị dư luận ồn ào lên án (!). Đây đúng là chuyện rất cần thảo luận để tìm cách tháo gỡ.

PV: Liệu chúng ta có đang dư thừa nguồn nhân lực không? Trong một hội thảo giáo dục gần đây, ông có nói, tại sao không mở ngành chuyên trồng nấm. Vậy, có phải chúng ta đang thiếu người làm trong ngành này?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Đấy là tôi nói ví dụ cho vui thôi. Ham muốn học đại học của đông đảo học sinh và phụ huynh nước ta trong điều kiện kinh tế của hầu hết mọi gia đình đang còn rất khó khăn là điều quá quý chứ. Đâu phải nước nào cũng được như vậy? 

Nhưng học gì cho có nghề, cho sau khi tốt nghiệp có thể tìm được việc làm đúng với nội dung được đào tạo. Đó là chuyện cần suy nghĩ để có thể chuyển đổi càng sớm càng tốt.

PV: Để hội nhập, nâng tầm giáo dục, chúng ta phải giỏi ngoại ngữ?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ nếu cả nước giỏi ngoại ngữ cũng đâu có thừa. Biết ngoại ngữ có thể tự tìm kiếm trên Internet những bằng phát minh đã quá thời hạn bảo hộ và thừa sức triển khai vào sản xuất nếu có đủ một số vốn tối thiểu. Tôi biết một số bạn trẻ đang rất thành công trong xu thế này. 

Ngoài ra nếu học một nghề nào đến nơi đến chốn, chẳng hạn như nghề trồng nấm, nghề nuôi tảo, nghề trồng hoa, nghề nuôi ong... đều có thể trở thành một chủ doanh nghiệp thành đạt. 

Bạn nào còn nghi ngờ xin mời thăm trang trại trồng hoa của anh thanh niên tỷ phú chưa vợ Hồ Việt Hoa tại xã Liên Sơn (Tân Yên, Bắc Giang).

PV: Trong năm qua, sự kiện, vấn đề giáo dục nào khiến GS trăn trở, bức xúc nhất?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Một chương trình giảng dạy Sinh học vừa rất nặng nhưng lại rất thấp (!), và hầu như chả giống nước nào (!). Nhẽ nào mọi môn học ở đại học đều được co lại để bắt trẻ em học. Cần sửa gấp Chương trình sao cho không khác biệt nhiều so với thế giới và có thể sử dụng ổn định lâu dài, vừa có ích cho thanh thiếu niên nhưng lại nhẹ nhàng, dễ hiểu , dễ nhớ.

Hôm qua, trong buổi gặp mặt đầu Xuân với hai đồng chí trong Bộ Chính trị, tôi đã kiến nghị Bộ GD&ĐT nên tận dụng năng lực của các Hội khoa học chuyên ngành để nhanh chóng xây dựng một bộ Chương trình thích đáng. 

Khi đã có bộ Chương trình tốt rồi thì việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa chỉ còn là chuyện của các nhóm tác giả, các nhà xuất bản (như ở rất nhiều nước khác), Nhà nước không cần tốn rất nhiều tiền vào chuyện này.

PV: Tạm gác lại chuyện của năm cũ, sang năm mới Qúy Tỵ 2013, GS mong muốn điều gì cho giáo dục?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Chỉ cần ghi ghi nhớ một lời dạy của Bác Hồ: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua Dạy tốt, Học tốt". 

Tôi mong Bộ GD&ĐT liên kết với Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam để chỉ cần trong 1 năm có thể hoàn thành Bộ Chương trình Giáo dục phổ thông trước khi đưa ra thảo luận rộng rãi sau đó có thể thông qua tại một Hội đồng đủ quyền lực cấp Nhà nước. 

Chỉ tập trung một việc này thôi cũng đủ tạo ra một bứt phá rõ rệt trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục. Tôi nhớ tới lời phát biểu của bạn tôi - thầy Văn Như Cương: "Trừ các nhà Toán học ra còn thì trong xã hội chả có ai dùng đến đạo hàm, tích phân. Vậy bắt học sinh học để làm gì?".

Trân trọng cảm ơn Giáo sư! Năm mới, thay mặt bạn đọc yêu mến thầy kính chúc thầy sức khỏe!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại