GS Cù Trọng Xoay: Sinh viên cần phải biết mình là ai

kimngan |

(Soha.vn) - Bằng những câu chuyện dí dỏm, GS Cù Trọng Xoay đã đưa ra lời khuyên về định hướng cho các sinh viên ĐH Ngoại thương.

Hiện nay, nhiều sinh viên Việt Nam thiếu tính định hướng trong tương lai, băn khoăn về những dự định, ước mơ và về bản thân. Nhìn nhận thực tế đó, CLB Kỹ năng sống, ĐH Ngoại thương đã tổ chức talk show “Chạm đến tương lai” vào ngày 22/11.

Đặc biệt, bằng cách nói dí dỏm, cách so sánh hài hước, thực tế của vị khách mời GS Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng đã giải đáp phần nào vô vàn thắc mắc của các bạn sinh viên về tương lai, mục đích, ước mơ, đam mê về ngành học, nghề nghiệp…

GS Cù Trọng Xoay: Sinh viên cần phải biết mình là ai 1
GS Cù Trọng Xoay -Đinh Tiến Dũng chia sẻ những bài học thực tế nhằm định hướng cho sinh viên bằng những câu chuyện dí dỏm, ấn tượng. (ảnh Thiên Di).

Phải hiểu rõ bản thân mình là ai

Mở đầu bằng câu chuyện, GS Xoay cho rằng tương lai là quan trọng nhất. Ước mơ và thần tượng như ngôi sao dẫn đường, là ngọn hải đăng để chỉ lối cho con thuyền của bạn vào bờ. Trước khi chạm đến tương lai, bạn phải chạm đến quá khứ. Muốn làm được điều ấy, bạn phải hiểu rõ bản thân thì mới hiểu được cuộc sống. Nếu chưa hiểu thì sẽ không biết bạn là ai trong tương lai.

GS Xoay ví von: “Nhiều cư sỹ lên chùa 20 – 30 năm, không facebook, không internet…nhưng họ vẫn hiểu được triết lý của cuộc sống bởi họ hiểu được chính họ. Bản thân tôi, tôi được sinh ra là trở thành người gặp gỡ mọi người. Từ ngày bé, bố mẹ tôi xác định tôi phải học giỏi, đi du học, làm bác sỹ… Nhưng cuối cùng tôi vẫn trở về với đam mê của mình là chơi nhạc”.

Nói về vấn đề thần tượng, GS Xoay nói, thần tượng rất quan trọng trong mỗi người nhưng lựa chọn thần tượng là một vấn đề khác. Mình không bao giờ trở thành họ nhưng nó là ngọn hải đăng.

“Tôi khuyên các bạn sinh viên, nếu muốn thành danh trong tương lai thì hãy nên trở thành hai người đó là người tốt và người hạnh phúc. Còn về kỹ năng thì học kỹ năng sống sót”, GS Xoay chia sẻ.

GS cho rằng, cuộc sống có nhiều cái bất ngờ không lường trước được, bạn có biết làm thế nào để tránh côn trùng trong rừng rậm? làm sao để sống sót khi gặp đầm lầy….

“Tôi cho rằng có ba kỹ năng mà các bạn phải học. Đó là kỹ năng bơi; kỹ năng ngoại ngữ tốt và cuối cùng là vài kỹ năng khác như lái ô tô, võ thuật văn phòng (tránh bị sàm sỡ nơi công sở)…”, GS Xoay dí dỏm bật mí.

Sinh viên thiếu định hướng?

Đa phần các câu hỏi của sinh viên đều xoay quanh chủ đề làm thế nào để xác định được mục tiêu, định hướng được tương lai cho bản thân.

Băn khoăn về lựa chọn giữa đam mê thật sự và khả năng làm được, một sinh viên khoa Kinh tế Đối ngoại chia sẻ thẳng thắn, học Ngoại thương có nhiều sức ép, áp lực và có nhiều kỳ vọng từ gia đình, thầy cô, bạn bè. Hoặc không ít bạn thất vọng vì môi trường đại học không như mình mong đợi…

Giải đáp cặn kẽ những thắc mắc đó, GS Xoay cho biết: “Hơn 51% sinh viên Việt Nam ra trường không làm đúng ngành nghề, điều quan trọng là học cái gì ở trong trường. Học là quá trình bắt buộc, áp lực rất quan trọng, đôi khi nó không phải là tệ để sinh viên đó biết phấn đấu. Bạn vẫn có thể chọn đam mê – khả năng làm được, chứ không phải 1 trong 2. Ở đại học, điều quan trọng mà cần phải học đó là: ngoại ngữ, tính tự lập, cách giao tiếp với cộng đồng và trách nhiệm với bản thân…

Hiện nay, phần lớn kỹ năng làm việc của sinh viên chưa tốt nếu chỉ dựa vào những gì đã học. Và có bằng đại học đã làm được việc chưa? Thực tế, hướng nghiệp của nước ta chưa tốt nên sinh viên thiếu tính định hướng. Thậm chí nhiều sinh viên mới ra trường cầm bằng giỏi, khá nhưng vẫn không kiếm được việc bởi còn chờ lương cao. Vậy, bạn vẫn phải xin tiền bố mẹ?"

Lấy ví dụ từ chính bản thân mình, GS Cù Trọng Xoay kể rằng, khi mới ra trường điều đầu tiên là phải làm ra tiền để nuôi bản thân bất kể làm việc gì… “Tôi làm trợ lý nhưng tôi làm tất cả mọi việc từ việc rửa ống nghiệm, đóng dấu... Bạn không thể tưởng tượng được, lương ra trường của tôi chỉ có 400 nghìn đồng. Tôi đi làm thêm đủ thứ việc như gia sư và kiếm được 542 nghìn đồng/tháng. Điều quan trọng là tôi không bao giờ từ bỏ đam mê của mình”.

Thêm nữa, theo GS Xoay thì sinh viên phải biết nắm bắt cơ hội, phải xác định được mục đích sống của bản thân. Thứ nhất là cần phải sống sót. Thứ hai là đủ tiền để thực hiện đam mê và mục tiêu của chính mình.

Buổi giao lưu, trò chuyện với GS Cù Trọng Xoay – người chuyên giải đáp thắc mắc của khán giả trong chương trình “Hỏi xoáy, đáp xoay” không chỉ mang lại nhiều tiếng cười, sự sảng khoái mà thực sự đã đem đến nhiều bài học thực tế và nhiều ấn tượng cho sinh viên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại