Bên lề Hội thảo quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông vừa diễn ra tại Hà Nội, GS Carlyle Thayer (đại học New South Wales, học viện Quốc phòng Australia), một trong các chuyên gia về Việt Nam, đã chia sẻ những góc nhìn của mình về hai tân phó thủ tướng mới được bổ nhiệm của Việt Nam.
GS Carlyle Thayer. Ảnh Tiền Phong
Việc ông Nguyễn Thiện Nhân thôi giữ chức phó Thủ tướng và Quốc hội phê chuẩn hai ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh trở thành các phó Thủ tướng mới thì hiện tại Chính phủ Việt Nam có ba phó Thủ tướng từng được đào tạo ở phương Tây. Cụ thể ông Hoàng Trung Hải từng học tập tại CH Ireland, ông Vũ Đức Đam tại Bỉ và ông Phạm Bình Minh tại Mỹ.
Đây là một sự phát triển đáng chú ý đối với Việt Nam. Tháng 4 vừa qua bộ Chính trị đã ra nghị quyết về hội nhập quốc tế. Giờ đây các bạn đã có thêm hai phó thủ tướng là các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và quan hệ quốc tế.
Nếu nhìn lại những dấu ấn trong lĩnh vực đối ngoại có thể thấy ông Phạm Bình Minh đã có những thành công trong thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam được đề ra từ Đại hội XI. Hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược/đối tác chiến lược toàn diện với 13 trong số những nước quan trọng nhất trên thế giới gồm có Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc (2009), Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức (2011).
Trong năm 2013 là Ý, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Pháp. Cũng trong năm nay, Việt Nam và Mỹ đã nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác toàn diện. Đáng chú ý là Việt nam đã có quan hệ đối tác chiến lược hoặc tương đương với tất cả năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược với các thành viên của hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.
Thành công lớn thứ hai của chính sách đối ngoại Việt Nam là trong việc xử lý các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông. Việt Nam đã khéo léo sử dụng các đặc phái viên để đạt được các mục tiêu của mình và tránh làm ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam đã tránh không để vấn đề Biển Đông chi phối quan hệ song phương với Trung Quốc. Chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Lý Khắc Cường tháng 10 năm nay cho thấy Việt Nam và Trung Quốc có thể hợp tác trong các vấn đề trên biển.
Việc được đề cử và bổ nhiệm cho thấy ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh đã có được sự ủng hộ cao trong Đảng. Họ có lẽ là những nhân vật được hoạch định cho tầm nhìn tương lai, cho sự hội nhập của Việt Nam.
Việt Nam cần hội nhập với kinh tế thế giới. Hiện Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc nhưng xuất siêu sang Mỹ. Việt Nam cũng có quan hệ kinh tế quan trọng với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và đang trong giai đoạn cuối cùng của việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU cũng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Có thể thấy Việt Nam muốn đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ chứ không muốn đứng giữa sự lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Vấn đề khoa học công nghệ cũng là rất quan trọng. Ông Vũ Đức Đam là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Tôi cho rằng ông Đam sẽ thu hút và kéo theo những gương mặt trẻ và năng động để thúc đẩy lĩnh vực khoa học, công nghệ ở Việt Nam.
Còn ông Phạm Bình Minh có rất nhiều kinh nghiệm trong làm việc với các tổ chức quốc tế, như tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Liên hiệp quốc (UN), những lĩnh vực đòi hỏi các kinh nghiệm khác biệt. Kinh nghiệm quốc tế của ông Phạm Bình Minh sẽ rất quý báu trong việc xử lý các mối quan hệ của Việt Nam với những cường quốc lớn và thúc đẩy hội nhập kinh tế nhằm giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua tình trạng trì trệ hiện nay.
Tôi không nghĩ những nhân tố mới này sẽ tạo ra những thay đổi hoàn toàn trong chính sách phát triển của Việt Nam nhưng tôi mong đợi sẽ có những tư vấn tốt hơn cho Thủ tướng và sự hiện diện mạnh mẽ và thực chất hơn trong các chính sách đối ngoại của Việt Nam.