Mái đầu bạc trắng nhưng đôi mắt ông Vũ Văn Viễn (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn còn tinh anh. 86 tuổi, giọng nói của vị giám đốc xí nghiệp truyền thanh Hà Nội vẫn sâu lắng và đầy đủ âm vực.
Trong 8 năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, xí nghiệp truyền thanh Hà Nội đã chuyển tải thông tin mọi mặt của đất nước thường ngày đến nhân dân và phục vụ đắc lực chỉ huy chiến đấu của Bộ Tư lệnh thủ đô.
Giám đốc Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội Vũ Văn Viễn kể về những năm tháng hào hùng. Ảnh: Hoàng Thùy.
Trong xí nghiệp truyền thanh, khi nam thanh niên phụ trách đường day thì những nữ công nhân có nhiệm vụ nhấn nút máy điện tử, kiểm tra đồng hồ chỉ thị của máy, điều khiển nó hoạt động ở chế độ tốt nhất.
Công việc nhẹ nhàng, chiến đấu tại chỗ nhưng đòi hỏi các chị phải tập trung cao độ, thao tác kĩ thuật chính xác, huy động thường trực mọi giác quan để bất cứ lúc nào cũng nhận được nhanh chóng mệnh lệnh báo động của Bộ tư lệnh thủ đô, kịp thời phát ra toàn thành phố.
"Dù nhắc nhở người dân 'hãy xuống hầm trú ẩn', thế nhưng những nữ công nhân truyền thanh vẫn phải trực bên máy, tập trung điều khiển chính xác để máy phát ra đầy đủ và rõ ràng mệnh lệnh chiến đấu của thành phố", ông Viễn cho hay.
Vị giám đốc xí nghiệp truyền thanh nhớ lại, ngày đó ông có 4 phát thanh viên gồm hai nam, hai nữ. Trong số đó, giọng nói được xem là "nổi tiếng nhất thủ đô" lúc bấy giờ là Nguyễn Thị Thìn.
Trong tâm trí ông Viễn, chị Thìn là người rất tích cực và có trách nhiệm với công việc. Chị có giọng kim, rất thanh nên được chọn là người phát thanh báo động cho nhân dân.
Khi có thông tin từ hầm chỉ huy của Bộ tư lệnh thủ đô là máy bay đến gần Hà Nội, phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn lại thông báo: "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội ... cây số. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn...".
Phát thanh viên báo động máy bay B52 gần Hà Nội:
Nữ phát thanh viên đọc lời báo động máy bay B52.
Khi máy bay ngừng phá hoại, phát thanh viên lại báo an để nhân dân rời hầm tiếp tục công việc. Loa truyền thanh được lắp vào tận xã, thậm chí tận nhà dân.
Đợt cao điểm có đến hơn 1.700 km đường dây khắp nội, ngoại thành và 6 vạn loa trong các gia đình, ngoài ngõ xóm. Thế nên mọi thông tin từ thương nghiệp, mua bán, tem phiếu, báo động, báo an... nhân dân đều được biết kịp thời. Cũng vì thế, giọng nói của cô phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn trở nên thân thuộc với người dân Hà Nội.
"Tôi nhớ có hai lần người dân gọi điện đến số máy của xí nghiệp truyền thanh và nói với tôi: Chào bác, tôi cảm ơn bác quá, nếu không có loa truyền thanh thì gia đình nhà tôi không được toàn vẹn như bây giờ", ông Viễn kể và cho hay, có thời điểm hàng trăm người dân tự đến xí nghiệp xin được mắc loa để nghe phát thanh viên báo động.
Lời nói của chị Thìn có khi được phát trực tiếp, có khi mở băng thu âm bởi khi báo động có càng ít người trực máy càng tốt, tránh trường hợp bị máy bay ném bom. Tuy nhiên, với sự việc bất ngờ thì phát thanh viên phải nói trực tiếp.
Trong hoàn cảnh máy bay ném bom phá hoại liên tục, ông Viễn đã suy nghĩ nhiều cách để đảm bảo truyền thanh thông suốt. Ông sang hầm chỉ huy của bộ tư lệnh thủ đô, nơi bản đồ Hà Nội luôn có người theo dõi.
Khi thông báo máy bay địch đi theo hướng nào, nhân viên trực sẽ vẽ theo trên bản đồ. Bản đồ này được chia làm nhiều vòng tròn lấy tâm từ Hà Nội, ứng với mỗi vòng tròn là một khoảng cách tỉ lệ máy bay địch vào Hà Nội theo hướng nào và khoảng cách bao xa, đến vòng nhất định thì phải thông báo báo động đến khắp thành phố.
"Tôi làm hai đường dây ngầm nối liên thông từ Bộ tư lệnh thủ đô đến trung tâm phát thanh của Hà Nội, thiết kế ở 2 đầu dây là các rơ le tự động. Khi bên kia bấm nút báo phát thanh thì bên này sẽ tự động phát thanh ngay", ông Viễn nói và cho hay, ở bên đài phát thanh, nhân viên trực 24/24.
Máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Ảnh tư liệu.
Máy truyền thanh của Liên Xô có đặc thù là khi bật lên phải 3-4 phút sau mới phát được. Do vậy, ông Viễn phải bật máy ở chế độ chờ (bật máy một nửa công suất) hâm nóng máy, để khi có tín hiệu cần báo động là máy có thể phát ngay.
Ngoài phụ trách các đài truyền thanh trong nội thành, xí nghiệp truyền thanh còn phải phụ trách truyền thanh ra bốn huyện ngoại thành (Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm). Tại bốn huyện này hệ thống truyền thanh khép kín do nội thành chỉ huy.
Bốn đường dây kết nối với tổng đài ở nội thành bằng bốn rơ le tự động, khi bộ tư lệnh thủ đô ấn út báo động thì đồng thời các đài truyền thanh trong nội thành cũng như ngoại thành được kết nối và truyền thanh ngay lập tức.
Hệ thống truyền thanh lúc này đóng vai trò chính trong việc báo động phòng không, vì còi nhà hát lớn thành phố có khi hỏng đến 8 ngày nhưng hệ thống truyền thanh vẫn hoạt động bình thường.
Có những lúc máy bay B52 trải thảm, hàng nghìn chiếc loa bị hỏng, đường dây bị đứt ở nhiều nơi, nhưng công nhân của xí nghiệp truyền thanh vẫn không ngại mưa bom, bão đạn đi sửa đường dây.
Họ tâm niệm phải luôn đảm bảo truyền thanh thông suốt, kịp thời báo động cho dân xuống hầm trú ẩn an toàn. Vì thế, truyền thanh dù không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng nắm trong tay sinh mạng hàng triệu người dân.
40 năm trôi qua, người có giọng nói nổi tiếng nhất thủ đô giờ đã không còn. Những nữ công nhân nhiệt tình và dũng cảm như Nguyễn Thị Chắt, Đoàn Thị Diên, Trần Thị Tân Minh, Phạm Thị Ngân, Đỗ Thị Ngọc, Vũ Thanh Vân, Nguyễn Thị Thoa, Ngô Thị Thoa, Mai Thị Huệ... cũng người còn người mất. Nhưng ông Viễn tự hào thế hệ của ông đã làm nên hệ thống báo động phòng không được các chuyên gia phương Tây đánh giá là "hoàn hảo".