Băn khoăn vì những điểm bất hợp lý
Theo công văn của Sở GD-ĐT Hà Nội gửi các đơn vị trường học, vớiHS các trường Mầm non, Tiểu học, THCS: Thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8h và kết thúc lớp học chiều vào 17h.HS, SV các trường THPT, ĐH, học viện, CĐ, Trung cấp Chuyên nghiệp và dạy nghề: Thời gian bắt đầu học buổi sáng từ trước 7h hàng ngày; kết thúc giờ học buổi chiều sau 19h hàng ngày. Với việc quy định cứng như thế này đã khiến lãnh đạo nhiều trường, đặc biệt là các trường THPT,băn khoăn vì những điểm bất hợp lý.
Không được tự ý định ra các giờ học trái quy định
Chiều ngày 31/1, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có thông báo nhấn mạnh tới các đơn vị giáo dục là không được được tự ý định ra các giờ học trái quy định của văn bản chỉ đạo điều chỉnh giờ làm việc và giờ học tập của thành phố và của ngành GD-ĐT.
Đối với những trường học 2 ca, giờ học buổi chiều với trường Mầm non, Tiểu học và THCS báo cáo với phòng GD-ĐT và UBND quận, huyện. với các trường THPT, TCCN, CĐ, TTGDTX, TTGDKTTH-HN báo cáo về Sở đồng thời căn cứ vào số tiết học của thời khóa biểu để định ra giờ học tiết 1 buổi chiều cho phù hợp đảm bảo khi tan học đúng giờ quy định của thành phố và Sở GD-ĐT
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, hiện tại mới có phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì, quận Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm và các trường TC sư phạm Nhà trẻ mẫu giáo, THPT Nguyễn Gia Thiều, Lý Thường Kiệt báo cáo về phương án đổi giờ học.Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, với quy định “rập khuôn” như vậy khiến các trường không biết phải thực hiện như thế nào đối với buổi học không phải là chính khóa.
Thầy Lâm cho rằng, đối với cấp THPT thì chỉ học một buổi, buổi còn lại thì các em có thể học thêm ở trường, hoặc học các môn hỗ trợ kỹ năng… Thông thường các buổi học như vậy chỉ kéo dài khoảng 1-2 tiếng và chia thành các ca. Kết thúc ca thì các em phải rời lớp để nhường cho các bạn học ca tiếp theo. Như vậy sẽ có những HS kết thúc việc học tập sớm chẳng nhẽ lại yêu cầu các em ngồi lại đến 19h mới về.
“Nếu là buổi học chính khóa thì chúng tôi có thế cố gắng để bố trí cho phù hợp. Còn đối với buổi học không chính khóa thì quy định quá gây khó khăn cho chúng tôi. Bên cạnh đó nếu đang học mà mất điện thì trường cũng chẳng biết xoay sở thế nào” - TS Lâm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, cô Hải - phó hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết (Q. Hai Bà Trưng) lo lắng: “Mùa này trời tối rất nhanh nên việc để cho các em tan học vào lúc 19h là điều rất nguy hiểm.Hơn nữa, không phải cung đường nào cũng an toàn và có đèn cao áp. Tôi không biết khi nghiên cứu lịch thay đổi giờ học những người nghiên cứu có tính đến việc này hay không”.
So với cấp THPT thì ở bậc mầm non, tiểu học và THCS có vẻ yên tâm hơn với lịch thay đổi giờ học. Điều mà các cấp học này lo lắng đó là việc các bậc phụ huynh có bố trí kịp thời gian để đến đón con hay không.
Nhiều phụ huynh lo lắng không biết phải sắp xếp thời gian làm việc thế nào để đón con khi tan học.
Nhiều trường ĐH, CĐ đứng ngoài cuộc
Trong khi các trường mầm non và phổ thông đang khẩn trương đưa ra các phương án cùng như thay đổi lịch trình làm việc tuân thủ theo quy định khung giờ mới thì các trường ĐH, CĐ khá "thờ ơ". Sở dĩ có hiện tượng này là số lượng các trường ĐH, CĐ chịu sự quản lý trực tiếp của UBND thành phố Hà Nội chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong khi đó các trường chịu sự quản lý của các Bộ, Ngành khác thì vẫn chưa nhận được công văn hay quy định nào về sự điều chỉnh.
Lãnh đạo Phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: “Đối với các trường ĐH thì việc thực hiện theo khung giờ quy định là không thể bởi tính đặc thù riêng. SV có thể học ca sáng, ca chiều, học một hoặc vài tiết… Khi kết thúc buổi học thì tất nhiên các em phải ra về. Hiện tại trường đang áp dụng khung giờ vào học từ 6h45 và kết thúc vào lúc khoảng 17h”.
Dưới góc độ khác, lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ thêm, việc thực hiện giờ bắt đầu vào học thì các trường ĐH, CĐ có thể tuân thủ để áp cùng một khung. Còn việc tan học thì không thể thực hiện được bởi không phải trường nào cũng đủ phòng, lớp nên việc chia ca, kíp là điều tất yếu.
Việc nhiều trường ĐH, CĐ không “mặn mà” tham gia vào khung giờ mà UBND thành phố Hà Nội ban hành đã đặt ra bài toán nan giải trong giải quyết ùn tắc giao thông bởi số lượng SV theo học ở các trường trong nội thành là rất lớn. Bên cạnh đó, khá nhiều SV đều có phương tiện đi lại cá nhân nên mật độ tham gia giao thông của đối tượng này cao hơn rất nhiều so với các cấp học phổ thông.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng bày tỏ: “Đối với các trường thuộc sự quản lý của UBND thành phố thì chúng tôi đã có văn bản kiến nghị lên để đảm bảo làm sao các trường đồng bộ về khung thời gian học tập. Hiện tại chúng tôi thực hiện đúng theo văn bản của UBND thành phố ban hành. Còn trong quá trình thực hiện xuất hiện các tình huống cụ thể lúc đó sẽ có sự điều chỉnh hợp lý”.
Mặc dù ngày mai việc điều chỉnh giờ học mới được thực hiện. Song ngay trong quá trình các trường tiến hành họp để lên phương án phù hợp đã thấy không ít sự bất cập. Không những thế ngay cả các bậc phụ huynh cũng rơi vào tâm trạng bất an bởi với việc con cái họ tan trường vào lúc 19h mà đi xe buýt về nhà thì không biết lúc nào các em mới được ăn uống, nghỉ ngơi để sáng hôm sau bắt đầu buổi học vào lúc 7h.“Nhà tôi ở quận Long Biên, cháu là học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Thời gian học vào các buổi chiều, nếu tan học lúc 19h hàng ngày đón được xe buýt (3 tuyến) về đến nhà cũng đã 21h vậy thời gian ăn tối và nghỉ ngơi là không có. Nếu muốn con về sớm một chút bố mẹ thay nhau đón thì giờ tan làm từ 17h, vậy là ngồi chơi đến 19h để đón con, nếu về nhà thì không nấu kịp bữa tối lại phải dắt xe đi đón con.” - một bậc phụ huynh phân tích.
Theo Dân trí