Cùng làm tại xưởng may với các nạn nhân, anh Nguyễn Xuân Tú (SN 1988), người xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, đã cùng 37 người Việt khác chạy thoát được ra ngoài khi xưởng xảy ra hỏa hoạn.
Chúng tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Xuân
Hữu (SN 1960) và chị Hồ Thị Châu (SN 1964) – là bố mẹ của anh Tú để tìm
hiểu thông tin.
Thấy có người vào hỏi thăm, ông Hữu vội vàng nói: “Đúng là nhà tôi phúc lớn, may mà nó thoát được ra ngoài chứ nếu không bị chết cháy như người ta thì vợ chồng tôi không biết sống sao cả”.
Ông cho biết, sau khi vụ cháy xảy ra ít giờ đồng hồ thì Tú điện về thông báo anh thoát chết để ở nhà an tâm.
Mặc dù biết con không bị thương nhưng vợ chồng ông Hữu cũng rất lo lắng, thường xuyên theo dõi thông tin trên truyền hình và báo đài.
Đang trò chuyện với gia đình thì điện thoại bà Châu đổ chuông, “thằng Tú nó gọi về đây rồi”, bà reo lên. Qua trò chuyện với mẹ, anh Tú cho biết mình đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Nga xin cho được tại ngoại. Qua trao đổi với phóng viên, anh Tú đã kể lại quá trình xảy ra vụ cháy.
Buổi chiều hôm 11/9, trong xưởng may ở
tầng 2 trong tòa nhà 6 tầng có tất cả 52 người. Một số người nằm nghỉ,
số đông còn lại đang làm việc. Đến 4h (khoảng 19h30’ giờ Viêt Nam) thì
phát hiện xưởng bị cháy.
“Lúc đầu do mọi người lo làm nên không biết, một lúc sau tôi phát hiện khói bốc lên nên cùng một người khác hô to: “xưởng bị cháy rồi” và cầm bình chữa cháy cố gắng xông vào dập lửa”, anh Tú nhớ lại.
Thế nhưng do xưởng bịt khá kín, khói mù mịt bốc lên lan nhanh ra xưởng nên không thấy gì nữa. Một số người đã cảm thấy khó thở. Lúc này anh Tú cùng nhiều người khác vội vàng chạy lại dùng tay, gậy, ghế đập cửa sổ thoát ra ngoài.
Một số ít theo chân người phụ nữ làm đầu bếp quê ở Hải Dương xông ra cửa chính. Chị đầu bếp cầm chìa khóa nhưng do hoảng sợ chị làm rơi chìa khóa.
Cả xưởng bị khói bao vây mù mịt, mọi người không tìm được chìa khóa nên đã bị chết cháy trong đó. “Khi tôi thoát ra ngoài thì cứ nghĩ những người đi theo cửa chính đã thoát ra hết nên an tâm cùng những người khác chạy trốn vào một xưởng may có công nhân Việt làm cạnh đó". Ẩn nấp tại đây được ít tiếng đồng hồ thì anh Tú cùng khoảng 80 lao động Việt Nam đang ở xưởng này bị cảnh sát bắt về đồn.
Một tiếng sau anh Tú đọc trên mạng thì mới biết thông tin có 14 người Việt Nam chết trong đám cháy. Lúc này anh Tú mới nghi ngờ những người đi cửa trước không thoát ra được nên tử vong.
Ngay hôm sau (12/9), anh Tú và những người Việt bị bắt được Đại sứ quán Việt Nam tại Nga xin cho được tại ngoại và đi nhận dạng thi thể các nạn nhân chết cháy.
“Lúc đầu nhìn xác đầu tiên tôi nhận ra đó là thằng Ngọc con ông Võ ở xóm 8, cùng xã, rồi Thành con ông Văn cũng ở xóm trên". Sau một hồi nhận dạng, anh Tú phát hiện có tất cả 5 người Nghệ An. Riêng anh Lệ không thấy xác ở đây nên anh Tú nghi ngờ khả năng anh Lệ bị thương. Và sau đó thì đúng là anh Lệ bị thương đang cấp cứu tại bệnh viện.
Cũng trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, chị Trần Thị Mừng, vợ anh Hồ Trọng Lệ, trú tại xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu cho biết đến giờ vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào từ cơ quan chức năng. Chị chỉ biết anh Lệ bị thương đang điều trị tại bệnh viện qua người mình bên đó gọi về báo.
“Tôi nhận được tin xưởng nơi chồng làm bị cháy hôm sáng ngày 12/9 do Tú gọi về. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đó là vụ cháy đơn thuần nên không lo lắng mấy. Thế nhưng, đến trưa khi đọc thông tin trên báo nói có 14 người Việt Nam bị chết trong vụ cháy thì tôi đứng ngồi không yên. Nói thật có lúc tôi nghĩ là chồng mình cũng bị chết cháy rồi”, chị Mừng nhớ lại.
Đang hoang mang, lo lắng vô cùng, thì chị Mừng nhận được điện thoại của Tú là anh Lệ chỉ bị thương và đang cấp cứu ở bệnh viện. Chị Mừng òa lên khóc vì vừa thương chồng vừa vui mừng vì anh còn sống sót. Với chị lúc này như người chết sống lại.
Theo lời anh Tú thì xưởng may này ông chủ
là người Việt Nam. Khi được hỏi về nguyện vọng của mình, anh cho biết
anh vẫn còn muốn ở lại để làm kiếm tiền về giúp gia đình.
"Với tôi lúc này là làm sao đưa được thi thể nhưng người bị chết về Việt Nam để người thân của họ còn nhìn mặt lần cuối", anh Tú không cầm được nước mắt.
Trao đổi qua điện thoại, anh Tú cho biết
nếu giờ muốn đưa được xác các nạn nhân về thì phải có đủ tiền. Hiện tại
cộng đồng người Việt tại Nga đang tổ chức quyên góp để lấy tiền đưa các
thi thể nạn nhân về quê nhà.