Giáo dục năm cũ qua con mắt các chuyên gia

Thiên Di |

(Soha.vn) - Đó là những vấn đề bức xúc, trăn trở năm 2012 và sự kỳ vọng chấn hưng để giáo dục có thêm nhiều điểm sáng năm Qúy Tỵ 2013.

Đầu xuân năm mới, PV chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các chuyên gia giáo dục đầu ngành là GS Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD & ĐT PGS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Những điều đã làm được

Mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng GS Phạm Minh Hạc hàng ngày vẫn minh mẫn, miệt mài viết sách, theo dõi dòng chảy của giáo dục để bày tỏ những trăn trở với mong muốn lớn nhất là làm thế nào để phát triển giáo dục Việt Nam.

GS Phạm Minh Hạc vạch ra những điều làm được, chưa làm được của giáo dục trong năm qua.

GS Phạm Minh Hạc vạch ra những điều làm được, chưa làm được của giáo dục trong năm qua.

Bàn về những vấn đề còn tồn đọng của giáo dục nước nhà, Nguyên Bộ trưởng khẳng định trước hết về những điều mà Bộ GD đã làm được trong năm vừa qua đặc biệt là:

Thứ nhất, Bộ GD đã chấn chỉnh một số tình hình phát triển không bình thường được dư luận rất ủng hộ; tập trung vào giáo dục đại học trong đó có quy định về liên thông đại học từ hệ cao đẳng, trung cấp hay quy định những trường không phải chuyên ngành kinh tế thì không được phép mở ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán để giải quyết bài toán “dư thừa” nguồn nhân lực ngành.

Thứ hai, về giáo dục phổ thông, Bộ GD đang tích cực xây dựng bộ sách giáo khoa phổ thông trong đó đã có nhiều cuộc hội thảo tâm huyết có ảnh hưởng tích cực đối với việc giảng dạy một số môn trong trường ví dụ quan niệm chuẩn về cách thức dạy môn Sử hay hướng dạy Văn đi vào thực chất… Và từ năm học 2012 – 2013, chúng ta đã và đang chú trọng dạy người và dạy chữ tức là dạy đạo đức và tri thức cho học sinh.

Giáo dục phổ thông còn một điều đáng hoan nghênh đó là việc đẩy mạnh hướng nghiệp để giúp học sinh chọn ngành, chọn nghề phù hợp.

Thứ ba, Bộ đã chấn chỉnh được các hoạt động biến tướng trong việc các trường Việt Nam liên kết đào tạo với nước ngoài.

Thêm vào đó, GS đánh giá sự chấn chỉnh kịp thời những vấn đề nhức nhối xã hội đó là gian dối thi cử, biến tướng dạy thêm, học thêm hay tuyển sinh ồ ạt…

Những việc chưa làm được

Tuy nhiên, ngành giáo dục một năm qua còn nhiều điều trăn trở, lo lắng và cần đổi mới toàn diện và căn bản.

Về giáo dục đại học, Nguyên Bộ trưởng Bộ GD Phạm Minh Hạc cho rằng hiện nay số trường đại học cao đẳng quá nhiều so với sự phát triển của đất nước ta. Theo báo cáo thông kê thì chỉ trong năm 2012 đã có 23 trường đại học được mở.

“Chúng ta phát triển quá nhanh, có tỉnh 4 – 5 trường đại học. Dẫn đến đầu vào thấp, điều kiện giảng dạy không phát triển kịp vì vậy không đạt chất lượng, tình trạng “cơm chấm cơm” nhiều gây lãng phí”, GS Hạc nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa mà GS lo lắng đó là lương giáo viên không có sự chuyển biến nào cả. Họ không thể sống được bằng nghề, bằng lương.

Ngoài ra, GS chỉ ra: “Hiện nay trường sở rất tồi. Ở thành phố lớn thì thiếu đất, thiếu trường, 60 – 70 em/ lớp trong khi đó miền núi thì 40 – 50% số trường đủ điều kiện, lớp học tương đối. Rồi học sinh vùng cao phải ăn bữa không có muối, có muối…

Nhưng nặng nhất là mình chưa thể khắc phục, thay đổi được tâm lý bằng cấp, học vì tấm bằng của người dân. Và điều tôi trăn trở nhất, đó là tôi thấy người ta có con đi học nhưng cả xã hội lo lắng. Lòng tin có phần giảm sút hơn trước và thậm chí là sa sẩy. Họ chưa yên tâm vào chất lượng giáo dục nước nhà”.

Còn PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tâm huyết bày tỏ: “Cái tôi trăn trở nhất là chất lượng giáo dục nhưng mình thấp kém chưa theo kịp các nước khác.

Giáo dục sa sút như thế dẫn đến hệ lụy là không tạo được nguồn nhân lực xây dựng đất nước. Điều tôi sợ nhất là hiện nay, người ta không tin tưởng giáo dục nhiều nữa…”.

PGS Trần Xuân Nhĩ và chia sẻ những câu chuyện về giáo dục.

PGS Trần Xuân Nhĩ và chia sẻ những câu chuyện về giáo dục đầu năm.

 Thêm vào đó, theo quan điểm của ông thì Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục không làm được theo hướng hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và quốc tế hóa.

Một vấn đề “muôn thuở” mà ông lo lắng chính là việc dạy thêm học thêm, dạy suông và học suông thầy đọc trò chép, hiện tượng thi cử nặng nề và tất yếu dẫn đến gian dối và bệnh thành tích phổ biến gây rốn loạn xã hội. Nổi cộm là ở Đồi Ngô, Bắc Giang trong năm qua đã làm “rúng động” xã hội.

Và kỳ vọng…năm mới

Tạm gác lại chuyện của năm cũ, kỳ vọng cho nền giáo dục trong năm Qúy Tỵ 2013, GS Hạc đưa ra mong muốn: “Bộ GD tiếp tục chấn chỉnh hiện tượng sai lầm, tiêu cực tồn đọng. Song song đó cần phát triển giáo dục ngày càng bám sát với xã hội và tiếp nối giá trị truyền thống học tập, giáo dục con em có một giá trị thực cho bán thân để đóng góp cho xã hội”.

Và PGS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ: “Mong nhất là làm sao có đề án đổi mới toàn diện căn bản theo tinh thần cải cách toàn bộ nền giáo dục thể hiện tư duy giáo dục và thay đổi cách thi cử, đánh giá đó là gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học để tránh lãng phí. Tuy nhiên, trước tiên cái gì trong tầm tay của Bộ GD thì làm ngay”.

Khép lại câu chuyện đầu năm về giáo dục, GS Phạm Minh Hạc đưa ra tiêu chí: “Ngành giáo dục cần bám sát tiêu chí "chấn chỉnh, củng cố và phát triển". Sai phải sửa, không đúng phải làm lại.

Những mô hình tốt, cá nhân xuất sắc phải nâng lên và biểu dương khích lệ để những nơi khác học tập. Tinh thần đào tạo thế hệ trẻ phải ý thức được công cuộc chấn hưng đất nước và bám vào mục tiêu đào tạo con người, nhà trường phải đóng góp nguồn cung cấp nhân lực cho xã hội”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại